Coi xử lý nợ xấu là nhiệm vụ chung

Cập nhật, 10:12, Thứ Ba, 12/09/2017 (GMT+7)

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung chỉ đạo các TCTD tập trung xử lý nợ xấu đồng thời quan tâm cơ cấu lại nợ, giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung chỉ đạo các TCTD tập trung xử lý nợ xấu đồng thời quan tâm cơ cấu lại nợ, giúp doanh nghiệp hoạt động ổn định.

Chủ trì hội nghị trực tuyến triển khai Nghị quyết số 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng (TCTD); Quyết định 1058/QĐ-TTg ngày 19/7/2017 phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020”, ông Lê Quang Trung- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- nhấn mạnh cần xem đây là nhiệm vụ của đơn vị, địa phương, cấp mình. 

Qua đó, thực hiện theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và UBND tỉnh, vừa tạo điều kiện nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần ổn định, phát triển kinh tế.

Góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế

Được Quốc hội thông qua sáng 21/6/2017, Nghị quyết 42 về thí điểm xử lý nợ xấu của các TCTD gồm 19 điều, thực hiện trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày 15/8/2017.

Nghị quyết quy định thí điểm một số chính sách về xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu của TCTD; quyền, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc xử lý nợ xấu và xử lý tài sản bảo đảm.

Nguyên tắc xử lý nợ xấu là bảo đảm công khai, minh bạch, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức mua bán, xử lý nợ xấu và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan; phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Ngoài ra, không sử dụng ngân sách nhà nước để xử lý nợ xấu. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật để xảy ra nợ xấu và trong quá trình xử lý nợ xấu phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết 42 được lãnh đạo ngân hàng và các chuyên gia đánh giá là văn bản pháp lý rất quan trọng khi mà lần đầu tiên, các vấn đề vướng mắc về pháp lý của ngành ngân hàng liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm các khoản nợ của TCTD đã kéo dài nhiều năm qua được giải quyết trong một văn bản của Quốc hội.

Nếu được triển khai tốt trong thực tiễn sẽ tạo cơ chế xử lý đồng bộ, hiệu quả, khả thi để xử lý nhanh, dứt điểm nợ xấu của TCTD, qua đó góp phần khơi thông nguồn vốn phục vụ phát triển kinh tế đất nước.

Nghị quyết 42 được kỳ vọng sẽ giải quyết được rất nhiều vấn đề về xử lý nợ xấu. Chẳng hạn, các khoản nợ xấu phải được mua bán theo cơ chế thị trường, đặc biệt cho phép các công ty định giá độc lập định giá nợ và tài sản thế chấp, cho phép phần chênh lệch so với sổ sách được phân bổ trong 10 năm, đặc biệt là phần tài sản đảm bảo được xử lý
khá tích cực.

 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh- Lê Quang Trung

 

Việc triển khai tốt, đồng bộ xử lý nhanh các khoản nợ xấu trên địa bàn tạo thêm nguồn vốn đưa vào sản xuất, kinh doanh đem lại nhiều hiệu quả tích cực phát triển kinh tế, cũng như giải quyết tốt các vấn đề an sinh- xã hội, giải quyết việc làm… Do vậy, tôi đề nghị các TCTD không chỉ tập trung xử lý nợ xấu mà cũng cần chia sẻ với người vay, quan tâm cơ cấu lại nợ, giúp cho doanh nghiệp có cơ hội phục hồi và ổn định hoạt động.

 

Xử lý nợ xấu gắn với cơ cấu lại nợ

Tại hội nghị, đại diện một số chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh cho biết một số khó khăn, vướng mắc xử lý nợ xấu trong thời gian qua.

Đồng thời, Nghị quyết 42 sẽ tạo điều kiện để việc xử lý nợ xấu được đẩy nhanh tiến độ và là công cụ tạo áp lực cho những khách cố tình chây ì, không tích cực hợp tác xử lý nợ. Trong khi đó, việc thu hồi các khoản nợ đưa vào lưu thông sẽ góp phần tạo thêm nguồn lực phát triển kinh tế- xã hội cho địa phương, tạo thêm công ăn việc làm…

Ông Lê Quang Trung cho rằng đây là lần đầu tiên Quốc hội ban hành chủ trương xử lý nợ xấu, nên việc triển khai tốt, đồng bộ giúp xử lý nhanh các khoản nợ xấu sẽ góp phần khơi thông nguồn vốn tín dụng phục vụ phát triển kinh tế- xã hội.

Ông Lê Quang Trung chỉ đạo các sở, ban, ngành và địa phương liên quan cần quán triệt tinh thần Nghị quyết 42 trong việc xử lý nợ xấu, xem đây là nhiệm vụ của đơn vị, địa phương, cấp mình nhằm thực hiện theo chủ trương của Quốc hội, Chính phủ và UBND tỉnh, vừa tạo điều kiện nâng cao chất lượng tín dụng, góp phần ổn định, phát triển kinh tế, giữ vững an ninh trên địa bàn tỉnh.

Đối với các TCTD, cần phải tích cực hỗ trợ, thực hiện các giải pháp theo tinh thần của Nghị quyết 02/NQ-CP của Chính phủ nhằm tạo điều kiện cho khách hàng trả nợ và phát triển doanh nghiệp.

Nghị quyết 42 là một chủ trương mới, để công tác triển khai được hiệu quả, thống nhất, ông Lê Quang Trung đề nghị Sở Tài nguyên- Môi trường, Cục Thuế tỉnh, Công an tỉnh, Tòa án tỉnh, Cục Thi hành án tỉnh và các cơ quan chuyên môn có văn bản hướng dẫn cụ thể đến các đơn vị trực thuộc cấp huyện, cấp xã; nhằm thực hiện một cách đồng bộ các chủ trương, tăng cường hiệu quả thực thi các chính sách.

Đề nghị các cơ quan Tòa án, Thi hành án, Công an, Cục Thuế, Sở Tài nguyên- Môi trường trên địa bàn tỉnh phân công cụ thể bộ phận, cán bộ chuyên môn có đủ năng lực theo dõi, xử lý và chịu trách nhiệm chính trong việc thực hiện các quy định, chính sách về hỗ trợ xử lý nợ xấu của các TCTD.

Bên cạnh việc chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh chủ trì, nghiên cứu xây dựng, bổ sung quy chế phối hợp với Công an tỉnh, Tòa án tỉnh, Cục Thi hành án tỉnh, Sở Tài nguyên- Môi trường, Cục Thuế tỉnh, nhằm tăng cường tính hiệu quả và cam kết thực hiện theo Nghị quyết 42.

Ông Lê Quang Trung đồng thời giao trách nhiệm cho Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh làm cơ quan đầu mối, tiếp nhận, theo dõi, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả xử lý nợ xấu theo tinh thần Nghị quyết số 42/2017/QH14 định kỳ hàng quý và đột xuất;

tham mưu cho Chủ tịch UBND tỉnh sơ kết, tổng kết kết quả triển khai thực hiện hàng năm, đề xuất khen thưởng và phê bình các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết số 42/2017/QH14.

Để triển khai Đề án cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020, Thống đốc NHNN chỉ đạo các TCTD tập trung xây dựng và hoàn thiện ngay phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu đến năm 2020 với các nội dung như: đánh giá thực trạng tài chính, hoạt động quản trị điều hành, cổ đông và sở hữu vốn điều lệ của TCTD; xác định rõ mục tiêu, định hướng cơ cấu lại và xử lý nợ xấu theo từng năm trong thời gian từ nay đến năm 2020; đề xuất các giải pháp cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu và lộ trình thực hiện trên các mặt quản trị điều hành, cổ đông sở hữu cổ phần, thực trạng tài chính, mạng lưới hoạt động, khả năng cạnh tranh… Đồng thời với việc xây dựng phương án, mỗi TCTD cần thành lập BCĐ cơ cấu lại để triển khai.

Bài, ảnh: LÝ AN