Lấy công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp làm hướng đột phá

Cập nhật, 17:03, Thứ Ba, 31/01/2017 (GMT+7)

Năm 2016, phát triển kinh tế, xã hội huyện Mang Thít có nhiều chuyển biến tích cực. Trong đó, sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, Cơ cấu lại ngành nông nghiệp có nhiều hướng mới. Huyện đã có những định hướng để phát triển hơn nữa ngành công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp và tích cực thực hiện đề án cơ cấu lại nông nghiệp.

Nền công nghiệp có bước tăng trưởng cao

Những cánh đồng mẫu lớn cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao ở xã Tân Long.
Những cánh đồng mẫu lớn cho năng suất và hiệu quả kinh tế cao ở xã Tân Long.

Theo báo cáo của UBND huyện, năm 2016, việc thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội theo Nghị quyết Huyện ủy, Nghị quyết HĐND huyện gặp nhiều khó khăn, bất lợi. Tuy nhiên, với sự quyết tâm, nỗ lực của huyện, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt và vượt so kế hoạch đề ra.

Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Văn Diên cho biết, có thể nói, mặt tiêu biểu nhất của huyện là tình hình sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp, xây dựng nông thôn mới, cơ cấu lại ngành nông nghiệp huyện nhà có bước phát triển.

Theo đó, sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá cao, tổng giá trị sản xuất đạt 2.082 tỷ đồng, tăng 171,29%.

Hiện có một số ngành nghề đang phát triển và có lợi thế, như đóng- sửa chữa tàu thủy, may mặc, chế biến thức ăn chăn nuôi, thực phẩm... Ngành nghề sản xuất gạch- gốm truyền thống cũng từng bước phục hồi, sản xuất ổn định.

Đặc biệt là trong năm, có thêm 3 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động được tỉnh giao về cho huyện tính toán giá trị sản xuất, từ đó đẩy cao giá trị sản xuất của ngành so năm 2015. Hiện nay toàn huyện có 1.634 cơ sở sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp vừa và nhỏ.

Trong khi đó, sau 3 năm thực hiện đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp, huyện có bước phát triển rõ nét. Giá trị sản xuất nông- lâm- nghiệp tăng bình quân 2,2%/năm; giá trị sản phẩm trồng trọt và nuôi trồng thủy sản trên 1ha đạt khoảng 160 triệu đồng; diện tích đất nông nghiệp được khép kín, chủ động tưới tiêu 99%; cơ cấu lao động trong nông nghiệp đến cuối năm 2016 đạt 46,5%, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2016 ước đạt 29 triệu đồng/người. Cơ cấu nội bộ ngành nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng.

Đẩy mạnh phát triển kinh tế công- nông nghiệp

Với lợi thế sản xuất công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp dựa trên những điều kiện tự nhiên sẵn có, việc hoạch định những chính sách, kế hoạch phù hợp để phát triển trên địa bàn khá thuận lợi.

Theo Chủ tịch UBND huyện- Nguyễn Văn Diên, năm 2017, huyện đã đề ra mục tiêu “Huy động mọi nguồn lực, khai thác tốt tiềm năng và lợi thế thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp- nông nghiệp- thương mại dịch vụ”.

Trong đó, chú trọng vào việc tập trung phát triển công nghiệp- tiểu thủ công nghiệp gắn với quy hoạch lại ngành sản xuất gạch, gốm; nâng cao chất lượng đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn.

Nông trại nuôi gà công nghiệp khá hiện đại ở xã An Phước.
Nông trại nuôi gà công nghiệp khá hiện đại ở xã An Phước.

Theo Phòng Công thương, hiện nay huyện Mang Thít đã ban hành kế hoạch cơ cấu lại ngành công thương giai đoạn 2016- 2020, định hướng đến năm 2025.

Theo đó định hướng cơ cấu lại các ngành nghề như chế biến thức ăn gia súc, thủy sản, lương thực thực phẩm; sản xuất vật liệu xây dựng, gốm mỹ nghệ; ngành đóng tàu, xà lan; may mặc; sửa chữa cơ khí và ngành sản xuất các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ. Đây là những ngành chủ lực, đóng góp không nhỏ cho huyện.

“Huyện sẽ cố gắng hết mình để thu hút đầu tư, cũng như tạo sự an tâm sản xuất cho các doanh nghiệp khi đến với Mang Thít”- Chủ tịch UBND huyện chia sẻ.

Trong khi đó, đề án cơ cấu lại nông nghiệp đã và đang có nhiều kết quả, nhất là người dân đã tự ý thức chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với xu thế phát triển. Hiện có gần 59ha diện tích trồng thanh long ruột đỏ và hơn 200ha bưởi da xanh.

Ngành sản xuất gạch, gốm đang dần phục hồi và đi vào sản xuất ổn định.
Ngành sản xuất gạch, gốm đang dần phục hồi và đi vào sản xuất ổn định.

Đây là 2 loại cây trồng cho hiệu quả cao cùng với nhiều mô hình sản xuất cây ăn trái, chăn nuôi như: nuôi heo, gà trên đệm lót sinh học, trồng cam trên đất ruộng, cánh đồng mẫu lớn,…

Theo ông Phạm Văn Công- cán bộ nông nghiệp xã Chánh Hội, hiện nông dân đang chuyển đổi vườn kém hiệu quả sang trồng bưởi da xanh.

“Ngoài việc hỗ trợ cây giống, vật tư, còn tổ chức nhiều lớp tập huấn kỹ thuật, từ đó khá nhiều hộ chuyển đổi mục đích cây trồng, vật nuôi góp phần cải tạo vườn tạp.

Cây bưởi da xanh được nhiều nông dân lựa chọn thay thế vườn tạp, từ đó đã có mức thu nhập ổn định, góp phần phát triển kinh tế gia đình cũng như địa phương”- ông cho biết.

Theo Chủ tịch UBND huyện, đối với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, trong thời gian tới sẽ bám sát mục tiêu, chỉ tiêu và tiếp tục cụ thể bằng kế hoạch, chương trình công tác của từng ngành, địa phương.

Có sơ- tổng kết đánh giá kết quả thực hiện đồng thời bổ sung những giải pháp mới, phù hợp để thực hiện kế hoạch. Song song đó, tăng cường hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật cho người dân, ngoài ra cần đảm bảo cho đầu ra sản phẩm… Có như thế thì ngành nông nghiệp của huyện mới phát triển bền vững. 

Bài, ảnh: KHÁNH DUY