Những vương quốc trái cây mới nổi

Cập nhật, 16:15, Chủ Nhật, 29/01/2017 (GMT+7)

Gọi là vương quốc trái cây mới nổi, nhưng thực tế những vùng trái cây mà chúng tôi sắp cùng bạn đọc chu du qua miền Tây đã vang danh từ lâu rồi. Mới nổi vì những giống cây đặc sản ở vùng này lại “làm vua” ở vùng đất khác, mới nổi vì trái cây rầm rộ xuất ngoại hay có khi “chiếm ngôi” của một “vương quốc” khác…

Trong “vương quốc” vú sữa Lò Rèn Phong Điền.
Trong “vương quốc” vú sữa Lò Rèn Phong Điền.

Xoài Cao Lãnh, vú sữa Phong Điền, chôm chôm Tích Khánh…

Có ai qua Đồng Tháp mà không nghêu ngao: “Xoài nào ngon bằng xoài Cao Lãnh/ Gái nào bảnh bằng gái Nha Mân…” Câu này đủ nói cho thế giới biết “xoài tui đã “trị vì” ở đây lâu lắm”.

Hay kiểu so tuổi cây với tuổi người như lão nông Võ Văn Yên ở Mỹ Xuyên: “Hồi tui nhỏ xíu đã có cây xoài. Tui giờ 60 tuổi cây xoài phải cao tuổi hơn.

Nhiều vườn xoài 50- 60 tuổi cây vẫn tươi tốt, sai trái”. Những người nông dân tự hào Mỹ Xuyên là “thủ phủ” trong “vương quốc” xoài Cao Lãnh với 2 giống chính: xoài cát Chu và xoài cát Hòa Lộc.

Nông dân sống nhờ cây xoài nên lão nông Võ Văn Yên bảo cầm trên tay trái xoài có phần cuống nhô ra ngoài, trái chín màu ửng đỏ, nếm vào thấy dai, chua chua ngọt ngọt là xoài cát Chu. Còn trái nằng nặng, to tròn lại thon dài hơn, thịt thơm, ngọt hơn là xoài cát Hòa Lộc.

Xoài cát Hòa Lộc thường giá cao gấp đôi cát Chu, bù lại cát Chu năng suất gấp đôi và vị chua chua ngọt ngọt rất hợp khẩu vị người nước ngoài.

Ông Nguyễn Minh Tiền- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Cao Lãnh, cho biết ngoài thị trường nội địa TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, xoài Cao Lãnh đã bước chân vào New Zeland, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Trung Quốc... và thị trường khó tính Nhật Bản.

Xoài cát Hòa Lộc (gốc gác ở Tiền Giang) và xoài cát Chu đến “sinh sống” tại Cao Lãnh đã làm nên thương hiệu mới: xoài Cao Lãnh.

Người dân cù lao Tích Khánh rất tự hào chôm chôm của mình to, đẹp và ngon nhất.
Người dân cù lao Tích Khánh rất tự hào chôm chôm của mình to, đẹp và ngon nhất.

Tương tự như vậy, thương hiệu vú sữa Lò Rèn từ lâu nổi tiếng ở vùng đất Vĩnh Kim (Châu Thành- Tiền Giang), thì nay còn được biết đến với tên gọi vú sữa Lò Rèn Phong Điền (TP Cần Thơ).

Phong Điền trước đó là “lãnh địa” của dâu Hạ Châu, nhưng sự thích nghi tốt và đầu ra khả quan đã giúp vú sữa Lò Rèn được khuyến khích phát triển đến nay hơn 1.000ha, vượt xa diện tích dâu Hạ Châu (khoảng 600ha).

Vú sữa Lò Rèn thường bán giá cao vì đẹp và ngon, nhưng không phải là giống vú sữa duy nhất mà ở đây còn có vú sữa tím, cà na, bơ… Theo chú Trương Văn Thể- Chủ nhiệm CLB Trồng vú sữa Tân Hưng, thương lái chia vú sữa ra 3 loại hàng: đi Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và Campuchia.

Vú sữa tím được xếp “xem xem” Lò Rèn đi 2 thị trường lớn trong nước, vú sữa cà na da dày dành đi xa Campuchia,… Nhờ đa dạng thị trường nên bà con trồng nhiều loại “sống được hơn”.

Khi nhãn da bò trở nên thất thế, người dân cù lao An Bình (Long Hồ, Vĩnh Long) tìm cách thay thế bằng những cây trái khác, đặc biệt là sự nổi lên của chôm chôm Bình Hòa Phước như một đại diện mới cho vùng đất này.

Mà nói tới chôm chôm khó thể bỏ qua cù lao Tích Khánh (xã Tích Thiện- Trà Ôn), “vương quốc” chôm chôm từng “chinh chiến” ở rất nhiều cuộc thi trái ngon an toàn, đấu xảo khu vực ĐBSCL và luôn chiếm lĩnh giải cao.

“Kỹ thuật trồng chôm chôm tốt như của tụi tui mới cho trái đẹp, ngon”- ông Võ Văn Bê- Giám đốc Hợp tác xã Chôm chôm Java Tân Khánh, tự hào trái ngon vùng đất mình và bảo: “Chôm chôm Tích Khánh trái lớn, đồng đều và màu sắc đẹp ăn đứt các vùng khác, nên dù đi tới đâu tụi tui cũng nhận ra chôm chôm xứ mình. Chôm chôm Tích Khánh cũng xuất khẩu sang Đức, Hà Lan rồi”.

Vùng trái cây- “vương quốc” chưa yên bình

Cù lao An Bình từng là “vương quốc nhãn” da bò rất nổi tiếng của tỉnh Vĩnh Long và bị đánh mất do “bão” chổi rồng tấn công từ mấy năm nay.

Giờ đây “vương quốc” nhãn mới nổi là Châu Thành (Đồng Tháp) đã nhanh chóng chiếm lấy ngôi vương. Sự nhanh nhạy chuyển đổi là yếu tố thành công của vùng nhãn, bởi theo ông Trương Văn Rồi- Giám đốc Hợp tác xã nhãn Châu Thành, trước đây nhà vườn trồng nhãn da bò bị chổi rồng nông dân quyết chặt bỏ, chuyển sang giống Ido (Edor) kháng bệnh tốt, năng suất, giá cao.

Hơn nữa, chứng nhận nhãn hiệu nhãn Châu Thành giúp thêm sức mạnh cho nó vươn lên chiếm lĩnh thị trường và chuẩn bị đi nước ngoài.

Ngoài dịch bệnh là một thách thức, vẫn còn nhiều mối lo ngại đã và đang len lỏi khiến những vùng trái cây chưa thể yên bình.

Ngay tại “vương quốc” nhãn Châu Thành đang ăn nên làm ra với Ido và nhiều nông dân ở ĐBSCL đang chạy theo trồng giống nhãn này, thì một số hộ dân đã tính chuyện chuyển đổi sang giống nhãn khác cho là ưu việt hơn.

Sản phẩm của những “vương quốc” trái cây.
Sản phẩm của những “vương quốc” trái cây.

Cũng vậy, tại “vương quốc” trái cây Phong Điền, ông Trần Thái Nghiêm- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện- cho rằng tuy diện tích cây ăn trái có xu hướng tiếp tục mở rộng nhiều hơn 6.500ha như hiện nay, nhưng huyện cũng đã khuyến cáo nông dân “không mở rộng nữa” với vú sữa, dâu… vì lo thừa hàng dội chợ.

Rõ ràng thị trường, giá cả bấp bênh là mối lo canh cánh của rất nhiều nhà vườn, vì điệp khúc “được mùa- mất giá” nông dân ĐBSCL năm nào… cũng ca.

Dù ông Trần Thái Nghiêm xác định huyện có điều kiện canh tác thuận lợi nhất và đợt hạn, mặn vừa qua làm nhiều vùng trái cây bị ảnh hưởng lại là cơ hội cho trái cây Phong Điền vươn lên.

“Từ thiệt hại lớn của trận lũ lịch sử năm 2011, Phong Điền đã làm cuộc cách mạng xây dựng hệ thống đê bao đồng bộ. Nó đã phát huy vai trò chống lũ và điều tiết nước tưới tiêu tốt trong đợt hạn, mặn 2015-2016”- ông nói.

Trong khi đó, nước mặn đã khiến vùng chôm chôm Tích Khánh (Trà Ôn) thất mùa trong năm nay. Theo nhiều nhà vườn ở hạ nguồn sông Hậu, vùng phù sa ngọt này từ xưa đến nay chưa từng bị mặn nên bất ngờ trở tay không kịp.

Còn ở phía gần cuối hạ nguồn sông Tiền là huyện Chợ Lách (Bến Tre) cũng đã không tổ chức Lễ hội trái cây thường niên vào Tết Đoan ngọ mùng 5/5 âm lịch, vì hạn, mặn khiến Bến Tre không còn nhiều trái cây ngon và cây giống chất lượng cao để trưng bày, giới thiệu hay đấu xảo như mọi năm.

Chưa bao giờ vùng sản xuất cây giống Cái Mơn lớn bậc nhất ở ĐBSCL cung ứng cho thị trường hơn 10 triệu cây giống hàng năm, lại lo “thiếu nước tưới” và sợ tình cảnh cây giống héo rũ vì “dính” mặn, như bây giờ.

Vùng đất phù sa ngọt trù phú vốn là lợi thế của các “vương quốc” trái cây bây giờ đang ngày càng trở nên ít lợi thế hơn và làm tăng những mối lo toan.

Trái cây không chỉ cạnh tranh ở thị trường nội địa, rào cản kỹ thuật tại các nước nhập khẩu gắt gao, mà còn phải đối mặt diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu ngày càng biểu hiện rõ nét.

Vậy nên, cần sự chung tay và quyết tâm thật sự của người dân, của chính quyền kịp thời có những giải pháp tích cực ứng phó trong tình thế hiện nay. Đó cũng là giữ vững “vương quốc” cho những vùng trái cây ngọt lành ĐBSCL “bốn mùa cây trái đơm bông”.

Bài, ảnh: LÝ AN- THẢO LY