Thời của sản xuất hàng hóa chất lượng cao

Cập nhật, 17:13, Thứ Hai, 30/01/2017 (GMT+7)

Người tiêu dùng ngày nay có yêu cầu ngày càng cao đối với chất lượng sản phẩm. Do đó, nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã ở Vĩnh Long đã nỗ lực sản xuất hàng hóa chất lượng cao, an toàn, nhằm mở ra nhiều cơ hội chiếm lĩnh thị trường và tạo địa chỉ tin cậy cho người tiêu dùng.

 

Nâng cao chất lượng sản phẩm giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ.
Nâng cao chất lượng sản phẩm giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ.

Có “tiếng” và phải có “miếng”

Hoạt động với phương châm “Vì sức khỏe người tiêu dùng”, bà Lê Trúc My- Phó Giám đốc Công ty TNHH Sơn Hải (Tam Bình) cho biết: Lúc đầu chỉ là cơ sở nhỏ, sản xuất mang tính thủ công, nhưng nhận thức được tầm quan trọng của việc nâng chất lượng nên công ty đã trang bị máy móc hiện đại, kỹ lưỡng từ khâu chọn nguyên liệu, quy trình sản xuất, đến thành phẩm để cho ra sản phẩm chất lượng, mẫu mã đẹp, giá cả hợp lý, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

Nhờ vậy, mà gần 40 năm qua, kẹo Sơn Hải đã có chỗ đứng vững chắc ở thị trường nội địa và xuất khẩu sang cả các nước có yêu cầu khắt khe về chất lượng.

Không chỉ những doanh nghiệp lớn chú trọng đầu tư, cải tiến công nghệ mà hiện nay, để nâng cao sức cạnh tranh, nhiều doanh nghiệp nhỏ mới khởi nghiệp cũng khẳng định “phương châm hoạt động hàng đầu chính là chất lượng”.

Ông Liêu Trung Hải- chủ Cơ sở sản xuất cà phê Trung Hải (Long Hồ) cho hay: Lúc đầu cơ sở sản xuất bằng thiết bị thô sơ, lò thủ công nên năng suất không cao, chất lượng chưa đồng đều. Nếu vậy thì sản phẩm rất khó cạnh tranh nên cơ sở đã đầu tư máy móc hiện đại, quy trình sản xuất sạch hơn và đảm bảo an toàn thực phẩm.

Nhờ vậy, hạt màu cà phê đẹp hơn trước nhiều, giảm được nhân công, tiết kiệm nhiên liệu, giá thành cũng “mềm” hơn, thị trường tiêu thụ mở rộng hơn.

Tương tự, chị Nguyễn Thị Thanh Tuyền- chủ Cơ sở sản xuất Mai Phương (TP Vĩnh Long) cho biết: “Cơ sở tôi làm 7- 8 năm nay rồi nhưng chủ yếu là làm thủ công, sau này để sản phẩm được đi xa hơn và có tiếng hơn nên tôi đầu tư thêm máy móc thiết bị để nâng chất lượng hơn.

Hiện sản phẩm đã đi được nhiều tỉnh như Cần Thơ, Trà Vinh, Đồng Tháp, Bến Tre,...

Năm 2016, sản phẩm bánh tráng xốp bò bía đậu xanh của tôi được công nhận là sản phẩm tiêu biểu cấp tỉnh, ngày càng được người tiêu dùng biết đến và ưa chuộng.

Nâng chất lượng: Cơ hội và thách thức

Chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp.
Chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng quyết định sự tồn tại, phát triển của doanh nghiệp.

Theo nhiều doanh nghiệp, nâng cao chất lượng sản phẩm, uy tín của doanh nghiệp sẽ ngày một nâng lên, không những giữ chân khách hàng quen thuộc mà còn thu hút được khách hàng mới, thị phần sẽ ngày càng được mở rộng. Và con đường này là tất yếu, bắt buộc doanh nghiệp phải nỗ lực thực hiện nếu muốn tồn tại.

Do đó, thực hiện sản xuất theo quy trình sạch, an toàn chính là hướng đi mà nhiều doanh nghiệp đã lựa chọn, đồng thời, còn có sự tham gia tích cực của các hợp tác xã.

Cho rằng “Chất lượng làm nên thương hiệu”, ông Lương Văn Thông- Giám đốc Hợp tác xã Bánh tráng cù lao Mây Lục Sĩ Thành (Trà Ôn) cho biết: hợp tác xã đã có 2/14 thành viên được trao chứng nhận sản phẩm tiêu biểu, nhờ đó, người tiêu dùng tin tưởng hơn, thị trường tiêu thụ nhiều hơn.

Hiện sản phẩm được tiêu thụ từ miền Nam tới miền Bắc, nhiều người đặt hàng để mang đi nước ngoài làm quà tặng.

Nếu như trước đây các hợp tác xã còn hoạt động rời rạc, đầu ra của sản phẩm còn bấp bênh, thì hiện nay, với quy trình sản xuất sạch VietGAP, GlobalGAP, đã giúp cho nhiều mặt hàng làm ra “không đủ bán”.

Theo ông Nguyễn Ngọc Nhân- Giám đốc hợp tác xã Chôm chôm Bình Hòa Phước (Long Hồ): Với 18ha chôm chôm sản xuất theo GlobalGAP, sản lượng 450- 500 tấn/năm hiện nay, các xã viên đều sản xuất đảm bảo chất lượng, không tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong sản phẩm.

Sản phẩm của hợp tác xã đủ tiêu chuẩn xuất khẩu, kể cả một số thị trường khó tính như Châu Âu, Nga…

Ông Nguyễn Ngọc Nhân cho biết thêm: Hiện nay, thị trường nội địa cũng rất cần sản phẩm sạch. Do đó, nếu sản xuất theo lối mòn, nông dân sẽ thiệt thòi rất lớn bởi nông sản không có thương hiệu bán giá cả rất bấp bênh, dễ rơi vào điệp khúc “được mùa mất giá”.

Chỉ sản phẩm đạt chứng nhận, có nhãn hiệu hàng hóa mới bền vững. Nhất là khi hiện nay, trong quá trình hội nhập đòi hỏi nông sản phải đạt được tiêu chuẩn quốc tế, mới tìm được đầu ra.

Có thể thấy, nâng cao chất lượng sản phẩm vừa là cơ hội và vừa là thách thức đối với doanh nghiệp. Là cơ hội, vì người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng hàng hóa.

Là thách thức, bởi các doanh nghiệp ở các quốc gia phát triển đã tiến rất xa trong việc cung cấp sản phẩm và dịch vụ có chất lượng tốt.

Do đó, các hợp tác xã, doanh nghiệp địa phương phải đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm hơn nữa mới đảm bảo được sự tồn tại và phát triển, tăng khả năng cạnh tranh, mở rộng xuất khẩu, tạo sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp và cả nền kinh tế.

Đặc biệt, chất lượng chính là điều cốt yếu nhất để hàng Việt Nam có thể giành thắng lợi ngay trên sân nhà.

Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh: Hiện nay, ngày càng có nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã quan tâm đến sản xuất sản phẩm có chất lượng cao. Thời gian qua, các doanh nghiệp cũng đã ký kết được nhiều hợp đồng thông qua các chương trình kết nối tiêu thụ sản phẩm an toàn, chất lượng với các đầu mối thu mua, doanh nghiệp trong và ngoài nước.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN