Người "yêu cây cam" không thể tả!

Cập nhật, 07:48, Thứ Hai, 30/01/2017 (GMT+7)

Trong số 63 nông dân cả nước được tôn vinh danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2016, có 23 người được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen, trong đó anh Phan Văn Chung (ấp Phan Thị Mến, xã Trà Côn- Trà Ôn) không chỉ gây ấn tượng là nông dân tiêu biểu có “tỷ suất lợi nhuận cao nhất” (11 tỷ đồng/năm) mà anh còn cho chúng tôi hiểu thêm về tình yêu anh dành cho vườn tược, đặc biệt là “yêu cây cam” không thể tả!

Anh Chung xử lý vườn cam cho trái mùa nghịch, dự kiến qua tết sẽ có thu hoạch.
Anh Chung xử lý vườn cam cho trái mùa nghịch, dự kiến qua tết sẽ có thu hoạch.

Chinh phục cây cam sành

Gắn bó vườn cam ngay từ nhỏ, ký ức tuổi thơ của anh Chung là những ngày sau giờ học theo cha chăm sóc, thu hoạch vườn cam do ông nội để lại.

Anh kể: Ngày xưa, các cụ mình trồng cam mật vì năng suất cao, vỏ sáng óng, màu xanh bắt mắt. Sau này, thấy nhu cầu thị trường ưa chuộng cam sành, nên anh chuyển đổi dần sang giống cam này để phát triển kinh tế. Theo anh, cây cam sành phát triển khá tốt trên nền đất lúa, tuy vẻ ngoài trái cam không đẹp lắm nhưng nhiều nước, vị chua thanh và mùi thơm đặc trưng thoang thoảng.

“Trồng cam cực khổ lắm! Phải mê mới làm được”- anh Chung tâm sự. Khi mới trồng cam sành, anh gặp không ít khó khăn, cây thường bị vàng lá, ít trái lại nhiều sâu. Đến mùa thì phải đem ra chợ ngồi bán từng ký.

Vào những năm 2000, ở địa phương chưa có ai trồng cam sành nên anh tự tìm đến các huyện, tỉnh lân cận để học hỏi, rồi tìm hiểu thêm trên báo đài và “nhẵn mặt” ở các lớp tập huấn, hội thảo.

Tích lũy dần được “một bụng” kiến thức cùng với kinh nghiệm trồng cam từ ông cha truyền lại, anh Chung bắt đầu áp dụng vào vườn cam của mình và thành công.

Nhờ trúng mùa, được giá, anh tích lũy vốn được kha khá. Từ 5 công cam ban đầu đến nay anh đã sở hữu 26 công. Nhưng nhận thấy nguồn lợi lớn từ cây cam sành nên sau nhiều đêm suy nghĩ, anh quyết định thuê thêm 120 công đất để mở rộng trồng cam.

Theo anh Chung, trung bình vườn cam cho năng suất 45 tấn/ha, với giá bán khoảng 25.000 đ/kg; trên tổng diện tích hơn 14ha, anh thu được hơn 16,4 tỷ đồng/năm, trừ chi phí xong anh còn lãi trên 11 tỷ đồng/năm.

Cũng từ vườn cam, anh đã tạo việc làm thường xuyên cho 20 lao động với thu nhập 4- 4,5 triệu đồng/người/tháng. Vào thời vụ thì có đến 60- 70 người làm, thu nhập trên 100.000 đồng/người/ngày.

“Yêu cây cam như… nhà báo yêu máy ảnh”

Vợ chồng anh Chung chung sức đồng lòng với vườn cam bằng tình yêu không thể tả.
Vợ chồng anh Chung chung sức đồng lòng với vườn cam bằng tình yêu không thể tả.

Tôi theo anh Chung vào vườn cam khi trời vừa mưa, đường đi khá trơn trợt. Cây cầu tre lắt lẻo khiến tôi sợ té nên nhờ anh giữ giúp máy ảnh, vì “em có thể té hoặc bị ướt nhưng nó thì không được”.

Cũng từ câu nói này mà khi tôi hỏi: “Cây cam có ý nghĩa với anh như thế nào?” thì anh trả lời dí dỏm: “Tôi yêu cây cam như… nhà báo yêu cái máy chụp hình vậy”.

Nhưng rồi qua từng câu chuyện kể, anh không khỏi xúc động nói: “Cây cam giúp mình có thu nhập cao, cuộc sống tốt hơn. Chăm sóc vườn nhiều năm cũng thành tình cảm nên cây cam đối với tôi là rất quan trọng...”.

Thông thường, nhà vườn luôn trồng dày (5.000 cây/ha, gấp 5 lần mức khuyến cáo) và tìm cách thúc đẩy quá trình sinh trưởng, thu hoạch triệt để nhằm có lợi nhuận nhanh nhất trong 3- 4 năm; thì anh Chung lại có cách làm khác, anh trồng cam với mật độ thưa và để ít trái.

Nếu như mọi người để khoảng 100 trái/cây thì anh chỉ tuyển lại 50- 60 trái đẹp nhất để cây không bị mất sức mà trái cam sành cũng luôn to, đẹp, bán có giá hơn.

Anh còn luôn tự chiết nhánh để nhân rộng vườn cam chứ nhất định không mua giống trôi nổi vì: “Chọn giống chất lượng, sạch bệnh là một trong những yếu tố quan trọng quyết định thành công.

Cũng cần đầu tư đúng kỹ thuật, thiết kế vườn đúng tiêu chuẩn, trồng cây che mát, chắn gió, sử dụng phân thuốc một các khoa học và theo hướng dẫn của các cơ quan chuyên môn để tránh mất cân bằng hệ sinh thái vườn. Chỉ có như vậy cây cam mới có thể gắn bó lâu với mình được”.

“Với tư duy sáng tạo của nông dân trẻ lại cần cù, chịu khó tìm tòi học hỏi và gắn bó với các nông dân sản xuất giỏi để rút kinh nghiệm làm ăn, anh Chung đã từng bước vươn lên làm giàu với tỷ suất lợi nhuận cao nhất, anh đúng là Nông dân Việt Nam xuất sắc trong thời đại mới”- ông Ngô Văn Hiểu- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trà Côn vui vẻ đánh giá.

Ông Nguyễn Trí Nghiệp- Giám đốc Công ty TNHH Nông trang ISLAND

Anh Chung là đại diện nông dân của thời đại mới với tư duy “dám nghĩ, dám làm”. Tuy biết trước việc đầu tư vườn cam phải tốn nhiều chi phí, nhiều thách thức và rủi ro cao, nhưng anh đã thành công từ việc quản lý nhân công đến am hiểu kỹ thuật, cách thức trồng cam để mang về lợi nhuận cao nhất. Không ít lần thất bại, nhưng điều cốt lõi là anh Chung đã biến rủi ro thành cơ hội, xem đây là thử thách để vươn lên làm giàu.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI