Chọn hướng bền vững cho nền nông Nghiệp

Cập nhật, 16:50, Thứ Ba, 31/01/2017 (GMT+7)

Trà Ôn đang chú trọng phát triển các mô hình kinh tế chăn nuôi theo hướng trang trại có quy mô công nghiệp cũng như phát triển cây cam sành đặc sản theo hướng vừa lợi nhuận cao, vừa mang tính bền vững.

Từ đó, góp phần thay đổi diện mạo sản xuất, hình thành các vùng nuôi trồng đa dạng sản phẩm, tạo lợi thế cạnh tranh cho nông sản.

Sau bưởi Năm Roi, cây cam sành với giá trị kinh tế cao và là loại cây ăn trái đặc sản của địa phương luôn được nói tới.
Sau bưởi Năm Roi, cây cam sành với giá trị kinh tế cao và là loại cây ăn trái đặc sản của địa phương luôn được nói tới.

Phát triển chăn nuôi trang trại

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT Trà Ôn, toàn huyện có 11 trang trại nuôi gà theo quy mô công nghiệp.

Trong đó, có 5 trang trại nuôi gia công gà thịt với tổng đàn 121.000 con tại xã Thiện Mỹ, 6 trang trại nuôi gia công gà đẻ tại các xã Tích Thiện, Trà Côn với tổng đàn 103.000 con.

Cũng với mô hình sản xuất tập trung, xã Thới Hòa có 1 trang trại nuôi bò Úc với 50 bò mẹ sinh sản cùng hơn 20 bò con.

Từ năm 2014, UBND huyện Trà Ôn đã ban hành kế hoạch thực hiện Đề án “Cơ cấu lại ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Long theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững”, giai đoạn 2014- 2020.

Theo đó, xác định từng vùng sản xuất nông nghiệp và từng lĩnh vực: trồng trọt (cây hàng năm, cây lúa, cây màu và cây công nghiệp ngắn ngày, cây lâu năm), chăn nuôi (gia súc, gia cầm), thủy sản... cũng được định hình.

Về chăn nuôi, huyện chọn bò, heo, gà thả vườn, gà công nghiệp và vịt là những gia súc, gia cầm trọng tâm để đầu tư.

Xác định phát triển các trang trại chăn nuôi hoặc kết hợp chăn nuôi với trồng trọt và thủy sản quy mô vừa trở lên và có tính ổn định lâu dài để cơ giới hóa ngành chăn nuôi, áp dụng công nghệ chăn nuôi tiên tiến, tạo sản phẩm hàng hóa có chất lượng cao.

Phát triển mạnh đàn heo ở cả khu vực gia đình và các trang trại theo hướng tập trung, an toàn sinh học, an toàn vệ sinh thực phẩm.

Theo tính toán, hiện nay lợi nhuận tại trang trại nuôi gà thịt từ 2.000- 2.500 đồng/con, với nuôi gà đẻ là 4.000-5.000 đồng/con, nuôi bò lời 15- 18 triệu đồng/con.

Nhiều xã trong huyện còn phát triển mô hình chăn nuôi heo, gà trên đệm lót sinh học cho hiệu quả khá. Có thể kể mô hình nuôi heo quy mô 600 con tại 55 hộ dân, lợi nhuận 6 triệu đồng/mô hình 10 con. Hay như 50 hộ dân với mô hình nuôi 30.000 con gà, đạt lợi nhuận 3,5- 4 triệu đồng/mô hình 100 con.

Để phát triển chăn nuôi, UBND huyện đã chỉ đạo ngành nông nghiệp nâng cao hệ thống thú y và công tác tiêm phòng để đảm bảo an toàn cho đàn gia súc, gia cầm, tạo sự an tâm cho người chăn nuôi.

Bạt ngàn cam sành, tính hướng bền vững

Bạt ngàn vùng cam sành mới trên đất ruộng ở xã Thới Hòa.
Bạt ngàn vùng cam sành mới trên đất ruộng ở xã Thới Hòa.

Trà Ôn có hơn 10.600ha vườn cây ăn trái. Thu nhập bình quân từ vườn hiện cao gấp 4- 5 lần trồng lúa. Đặc biệt, huyện có gần 2.950ha cam sành, trong đó đang cho hiệu quả kinh tế 2.210ha (75%), với hơn 660ha cho hiệu quả kinh tế cao, tập trung ở các xã “chuyên cam sành trên đất lúa” như: Thới Hòa, Trà Côn, Hựu Thành, Thuận Thới.

Riêng với cam sành trên đất lúa, Trà Ôn hiện có hơn 1.700ha, chiếm 57,9% tổng diện tích cam sành. Chúng tôi về Thới Hòa những ngày này, len sâu vào đồng ruộng thấy bạt ngàn màu xanh cam sành các lứa trên ruộng.

Ông Trần Thanh Diễm- công chức địa chính nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới xã Thới Hòa cho biết, vụ Đông Xuân này người dân xuống ruộng gần 120ha cam, trước đó vụ Hè Thu có hơn 177ha.

“Giờ tính mùa hay các đợt xuống mới cây cam sành cũng như tính vụ lúa”- ông Diễm cho hay việc tăng nhanh diện tích và… “tràn đồng” của cây cam.

Phó Chủ tịch UBND xã Thới Hòa Nguyễn Anh Pha thông tin thêm, lúa hiện tại chiếm khoảng 40% diện tích đất nông nghiệp toàn xã, cây cam sành 2- 3 năm trở lại đây giờ tròm trèm con số đó, khi hiện tại có 628ha.

Để canh tác cây cam sành mang tính bền vững là vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp hôm nay.
Để canh tác cây cam sành mang tính bền vững là vấn đề đặt ra cho ngành nông nghiệp hôm nay.

“Thới Hòa là địa bàn có tốc độ phát triển diện tích vườn cam nhanh và nhiều nhất các xã trong huyện”- ông Nguyễn Anh Pha nhẩm tính.

Chủ tịch UBND huyện Trà Ôn Trương Kế Truyền cho rằng thực tế cây cam sành ở huyện hiện phát triển “rộ”. Giá cam sành mùa thuận cho lợi nhuận 150-220 triệu đồng/ha, mùa nghịch khoảng 250- 300 triệu đồng/ha. Ông Trương Kế Truyền cũng đặt ra vấn đề tính bền vững cho loại cây mang giá trị kinh tế cao này.

Theo ngành chức năng, tuy mô hình cam sành đem lại lợi nhuận cao, nhưng cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro vì tính thiếu bền vững: trồng dày, sử dụng nhiều phân, thuốc hóa học.

Để giải quyết bước đầu tính bền vững cho cây cam sành trên đất lúa, ngành chức năng huyện khuyến cáo người dân sử dụng giống sạch bệnh, thiết kế vườn đạt tiêu chuẩn, trồng cây che mát, chắn gió, dùng phân thuốc một cách khoa học và tăng cường sử dụng phân hữu cơ, tránh mất cân bằng hệ sinh thái.

Để 2 loại cây phát triển hài hòa tại địa phương, Chủ tịch UBND huyện- Trương Kế Truyền nói: “Phải cùng nhau bảo vệ, phát triển cây cam, cây lúa”.

Bởi cây cam sành đã và đang đem lại thu nhập cao cho người trồng, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn, “tăng thu nhập bình quân vùn vụt” ở các vùng rộ cam khi vô vụ, được giá.

Theo ông, phía nông nghiệp và chính quyền cơ sở thấy rõ điều này nhất và bắt nguồn từ đó để có định hướng đúng đắn, kịp thời nhằm có kế hoạch tối ưu sản xuất theo hướng có lợi nhất cho nông dân.

Báo cáo với đoàn giám sát Tỉnh ủy về thực hiện Nghị quyết năm 2016: Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn chỉ ra 2 nguyên nhân chính dẫn đến diện tích trồng cam sành trên đất lúa tăng nhanh: cây cam đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho người dân (gấp 4- 5 lần so với trồng lúa), cây cam phát triển khá tốt trên nền đất lúa (được cải tạo lại); yêu cầu kỹ thuật, điều kiện canh tác khác nhau giữa lúa và cam khiến hộ trồng lúa gần hoặc liền kề ruộng cam thì năng suất lúa khá thấp, hộ trồng lúa buộc phải chuyển sang trồng cam hoặc cho thuê đất trồng cam.

Bài, ảnh: MINH THÁI