TIẾN TỚI CỘNG ĐỒNG KINH TẾ ASEAN (AEC)

Cần tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Cập nhật, 15:08, Thứ Năm, 17/09/2015 (GMT+7)

Ngày 16/9/2015, tại TP Hồ Chí Minh, Cơ quan Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp với Bộ Công thương tổ chức hội nghị, cung cấp thông tin về “Những cơ hội và thách thức đối với nền kinh tế và các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần phải làm gì khi các quy định của AEC được thực hiện và có hiệu lực vào cuối năm 2015” cho các cơ quan báo chí và báo cáo viên 22 tỉnh- thành phía Nam.

Ông Lương Hoàng Thái- Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương), Phó đoàn đàm phán AEC của Việt Nam- đã báo cáo những cơ hội, thách thức của Việt Nam khi gia nhập AEC sẽ đối mặt với các nền kinh tế lớn khác.

AEC mang lại nhiều cơ hội như thêm thị trường cho hàng hóa xuất khẩu Việt Nam, cung cấp hàng hóa đầu vào chi phí hiệu quả hơn cho sản xuất, giúp đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng Việt Nam. AEC góp phần thu hút đầu tư để xây dựng mạng lưới sản xuất, nâng cao năng suất, tăng sức cạnh tranh, khả năng chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế theo hướng công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Tuy nhiên, thách thức đặt ra cũng rất lớn là khả năng tận dụng cơ hội của DN và nền kinh tế Việt Nam hiện nay phải được quan tâm, đồng thời phải chịu sự cạnh tranh mạnh mẽ do nền kinh tế các nước ASEAN có cơ cấu tương đồng.

Vì thế, ông Lương Hoàng Thái nhấn mạnh rằng cộng đồng ASEAN phải cùng “bó chặt” nhau lại để tạo ra sức mạnh cùng phát triển và từ đó có sức mạnh tổng hợp hướng sự phát triển ra bên ngoài. Riêng Việt Nam cần thực hiện chiến lược đa phương hóa, đa dạng hóa thông qua các Hiệp định thương mại (FTA) “thế hệ mới” (Hiệp định TPP, FTA với EU và Liên minh Á- Âu...) để mở ra các cơ hội thị trường mới, tránh phụ thuộc vào khu vực Đông Á. Bên cạnh, cần tăng cường năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam qua các giải pháp cụ thể về cải cách, tạo thuận lợi cho DN phát triển và hội nhập.

TRẦN PHƯỚC