Nông sản- một năm rớt giá

Cập nhật, 22:18, Thứ Ba, 15/09/2015 (GMT+7)

Hiếm năm nào giá nông sản ở ĐBSCL đồng loạt rớt giá mạnh như năm nay. Chanh, ổi, khoai lang,... bán với giá “gần như cho” trong 8 tháng qua. Nhiều nông sản giá vài chục ngàn đồng một ký trước đó đã rơi xuống còn vài trăm đồng, khiến nông dân lỗ nặng.

Nông sản rớt giá, nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp không bán “gối đầu” như những vụ trước nên nông dân gặp cảnh khó khăn.
Nông sản rớt giá, nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp không bán “gối đầu” như những vụ trước nên nông dân gặp cảnh khó khăn.

Đồng loạt rớt giá

Trở lại vùng Bình Tân những ngày này, câu chuyện khoai lang rớt giá, hết tiền đầu tư vụ mới, bỏ xứ vì nợ nần…, vẫn còn là câu chuyện thời sự.

Ông Nguyễn Văn Dễ (67 tuổi ở ấp Thành Ninh, xã Thành Lợi) cho biết, trồng 10 công khoai lang những năm gần đây luôn chịu thua lỗ. Hết vốn, nên vụ rồi ông giao đất cho người con trai đầu tư trồng tiếp. Không ngờ, đến thu hoạch giá khoai liên tục xuống thấp, 10 công khoai thu hoạch vài công, còn lại bỏ phế ngoài đồng, bởi “tiền thuê nhân công cao hơn giá khoai”. “Chưa bao giờ gặp cảnh tệ hại như năm nay, thương lái chỉ mua 150.000 đ/tạ. Vợ chồng nó lỗ khoảng 70 triệu đồng. Hết khả năng chi trả, đành bỏ xứ đi Bình Dương xin làm phụ hồ, bỏ lại nhà cửa và đứa con cho tui nuôi”- ông Dễ thở dài.

Cùng với khoai lang, ông Lê Văn Trung- Chủ nhiệm Hợp tác xã Rau an toàn Thành Lợi cho biết, rau cải các loại, mà nhất là hành lá cũng sụt giảm còn nửa giá so năm trước, chỉ khoảng 200.000 đ/tạ (60kg). Đã vậy, việc tiêu thụ cũng hết sức khó khăn. Nhiều nông sản nhà vườn phải thuê xe chở ra các tuyến đường bán hoặc kêu cho
các bếp ăn từ thiện.

Từ giữa tháng 7 đến nay, nông dân tại huyện Long Hồ than trời khi giá chanh loại 1 chỉ 1.000- 2.000 đ/kg, còn loại 2 dường như không ai mua. Nhà vườn không dám thuê nhân công hái vì không đủ tiền chi trả. Còn nông dân trồng ổi Đồng Tháp, Tiền Giang thì khóc ròng khi những năm trước giá mỗi ký 9.000- 10.000đ thì vụ này chỉ còn 500- 600đ. Chị Kim Hoa- tiểu thương tại chợ Vĩnh Long- cho biết, những năm trước nhà vườn thường hái sẵn bán cho thương lái, còn năm nay thương lái tự vào vườn tự lựa chọn trái ưng ý.

Đến chợ đêm Vĩnh Long hoặc trên các tuyến đường quanh nội ô, không khó bắt gặp cảnh trái cây đổ đống, dựng bảng với giá rẻ bèo. Chôm chôm, vải thiều, bòn bon, măng cụt, thanh long, mãng cầu có mặt khắp các chợ. Rộ mùa và nhiều, hầu hết các loại trái cây đã giảm còn nửa giá so cùng thời điểm năm trước, nhưng không dễ tiêu thụ.

Phải tìm hướng đi mới

Đầu năm giá cá tra từ 20.000- 25.000 đ/kg thì đến tháng 5 và đầu tháng 6 giảm xuống chỉ còn 20.000- 20.500 đ/kg, trong khi giá thành lên 22.000- 23.000 đ/kg, người nuôi lỗ từ 1.500- 3.000 đ/kg. Vĩnh Long hiện có hơn 40ha treo ao, 116ha chưa thả lại và khoảng 5ha chuyển nuôi đối tượng khác.

 

Theo BCĐ Tây Nam Bộ, từ đầu năm đến nay, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL đang chậm lại. Nguyên nhân do xuất khẩu nông thủy sản gặp khó khăn, hàng loạt sản phẩm rơi vào cảnh rớt giá kéo dài khiến nông dân thua lỗ.

Còn tại Vĩnh Long, theo đánh giá của UBND tỉnh, trong tháng 8 tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 25,27 triệu USD, giảm 11,52% so tháng trước và giảm 6,9% so cùng kỳ, chỉ đạt 55% kế hoạch năm. Có 3/9 mặt hàng xuất khẩu giảm, đáng kể là gạo giảm 69,7% về sản lượng và 74,29% giá trị.

Để giải quyết khó khăn, ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương- cho biết, đang xúc tiến nhiều giải pháp tìm đầu ra cho nông sản, tránh phụ thuộc vào một thị trường. Cụ thể, trên lúa đang phối hợp Sở Nông nghiệp- PTNT xây dựng cánh đồng lớn, kêu gọi các doanh nghiệp tham gia bao tiêu. Trên khoai lang, đang có tín hiệu khởi sắc, khi mới đây có một công ty ở Đồng Nai đặt vấn đề thu mua khoai số lượng lớn để chế biến. Trước đó, 1 công ty ở An Giang đã đến Bình Tân thu mua khoảng 1.500 tấn khoai về làm bột.

Ông Phạm Minh Thiện- Phó Chủ tịch UBND Bình Tân- cũng cho biết khâu quan trọng nhất mà huyện xác định là phải tìm thị trường mở rộng xuất khẩu, tránh phụ thuộc thị trường Trung Quốc, đồng thời khuyến khích nông dân giảm diện tích khoai, thực hiện chuyển đổi sang trồng rau màu khác có đầu ra ổn định.

Trên trái cây, nhiều tỉnh- thành ĐBSCL đang áp dụng biện pháp sản xuất rải vụ để tránh tình trạng dội chợ khi thu hoạch đồng loạt.

Ông Huỳnh Thanh Bá- Chủ nhiệm Hợp tác xã Xoài Mỹ Xương (Đồng Tháp)- cho biết, xoài cấp đông có thời gian sử dụng đến 3 năm và là mặt hàng đang được nhiều nước ưa chuộng. Mỗi năm Đồng Tháp đưa ra thị trường khoảng 60.000 tấn xoài, nhưng chỉ số ít được dùng cho chế biến nên hiện hợp tác xã cũng nghĩ tới việc đầu tư dây chuyền chế biến xoài
xuất khẩu.

Các chuyên gia cho rằng, tồn tại của nông nghiệp thời gian qua là cứ “chạy đua” sản xuất những gì mình có, đến khi thu hoạch thì thị trường không cần, nên họ không mua, dẫn tới thiệt hại. Thị trường ngày càng khắt khe, vì vậy các tỉnh- thành ĐBSCL cũng đang hình thành chuỗi liên kết tiêu thụ nông sản. Trong đó, đặc biệt vào việc xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, chủ động về đầu ra. Phía nông dân cùng cần liên kết lại thành lập hợp tác xã và kết nối với doanh nghiệp để mời gọi đầu tư, bao tiêu sản phẩm đầu ra. Khi đã có sản phẩm chuẩn thì việc làm nhãn mác, thương hiệu và tiêu thụ cũng sẽ dễ hơn. Một khi làm chủ được thị trường, chi phối thị trường… thì mới hy vọng nông sản hết cảnh rớt giá. 

Ông Nguyễn Văn Còn- Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Vĩnh Long cho biết, xuất khẩu gạo thời gian qua khó khăn, do nhu cầu nhập khẩu gạo thế giới có xu hướng giảm. Gạo Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh về giá xuất và phẩm cấp với các nước xuất khẩu lớn khiến thị trường truyền thống ngày càng thu hẹp.

Bài, ảnh: HOÀNG MINH