Giúp cây nhãn phục hồi- mở cửa thị trường tiềm năng

Kỳ 1: Quản lý bệnh chổi rồng- kinh nghiệm từ thực tế

Cập nhật, 09:44, Thứ Hai, 14/09/2015 (GMT+7)

Đầu năm 2015, nhãn được “mở cửa” và xuất khẩu 25kg đầu tiên sang thị trường Mỹ với giá 60.000 đ/kg. Đến nay đã có gần 300 tấn nhãn tiếp tục xuất khẩu bằng cả đường hàng không, đường biển với giá rất cao và dự báo tiềm năng “xuất ngoại” của trái nhãn còn rất lớn. Điều này đã tạo thêm động lực mới cho nhà vườn trồng nhãn. Trong khi quy trình canh tác quản lý nhện lông nhung- theo Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long- đã giúp bà con có thể quản lý vườn nhãn hiệu quả hơn 80% trong phòng trị bệnh chổi rồng.

Kỳ 1: Quản lý bệnh chổi rồng- kinh nghiệm từ thực tế

Một trong những khó khăn đến nay của bệnh chổi rồng hại nhãn là các nhà khoa học vẫn chưa tìm ra được tác nhân gây bệnh nên chưa có thuốc đặc trị. Tuy nhiên, với kinh nghiệm thực tế của các nhà vườn và quy trình quản lý khoa học đã góp phần phòng trị bệnh.

Vườn nhãn sai trái của chú Mười Minh. Theo chú, phòng trị bệnh chổi rồng phải kiên trì, chịu khó.
Vườn nhãn sai trái của chú Mười Minh. Theo chú, phòng trị bệnh chổi rồng phải kiên trì, chịu khó.

Kiên trì trị bệnh

“Các vườn nhãn trong hợp tác xã (HTX) đã giảm bệnh chổi rồng trên 90%”- đó là kết quả điều trị bệnh chổi rồng rất ấn tượng, mà theo chú Từ Hữu Huệ (thường gọi Mười Minh)- Chủ nhiệm HTX Nhãn tiêu da bò Tân Hạnh (Long Hồ), đạt được nhờ sự kiên trì, đeo bám tìm tòi nhiều cách để điều trị bệnh cho cây nhãn. Cũng theo chú Mười Minh, trước đây, tỷ lệ các vườn nhãn mắc bệnh chổi rồng ở khu vực này 30- 40%, trong đó có nhiều vườn thất trắng không có năng suất. Nhưng với quyết tâm “giữ nhãn”, các hộ nông dân đã đồng thuận tìm kiếm giải pháp phòng trị bệnh chổi rồng. “Chúng tôi bắt tay đồng loạt cắt tỉa, phun thuốc, bón phân… Kiên trì chăm sóc từng cây nhãn, nhất định không đốn nhãn chuyển sang cây trồng khác. Nhờ vậy, vườn nhãn dần hồi phục và giảm bệnh đáng kể”- chú Mười Minh bảo.

Đưa chúng tôi ra vườn nhãn trưởng thành không còn hiện diện đầu lân, có cây trên 20 tuổi tán rộng trái trĩu cành, chú Mười Minh cho biết công cán, tiền của phục hồi vườn nhãn bệnh chổi rồng rất nặng, nhất là công cắt tỉa cành. Nhưng với kinh nghiệm của nhà vườn gắn bó cây nhãn hơn 20 năm, chú mạnh dạn đầu tư phòng trị, chăm sóc kỹ để “làm sao cây nhãn “chịu thuốc” hạn chế được đầu lân mùa đầu, thì mùa sau đầu lân sẽ ít đi. Rồi chịu khó cắt tỉa, chăm sóc, điều trị liên tục mới giảm bệnh được”- chú Mười Minh nói kinh nghiệm thực tế. Vườn nhãn của chú giờ đã “miễn nhiễm”, vì “dù nhiều vườn có đầu lân cạnh vườn tui, thậm chí tán cây nhiễm bệnh chồm qua vườn nhưng bệnh vẫn không lây lan. Thấy vườn tui làm hiệu quả, cho thu hoạch tốt, nhiều hộ xung quanh hỏi thăm làm theo, có sự trao đổi, đồng loạt kỹ thuật phòng trị nên tỷ lệ nhiễm bệnh ngày càng ít”- chú Mười cho biết.

Vườn nhãn của chú Mười Minh hiện có khoảng 100 cây nhãn 15- 20 năm tuổi, cho năng suất ổn định. Với việc điều trị bệnh chổi rồng hiệu quả- theo chú Mười Minh- HTX Nhãn tiêu da bò Tân Hạnh đã được thành lập có 25 thành viên với 10ha nhãn sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. “Giờ chúng tôi chỉ lo làm nhãn cho ngon để xuất khẩu”- chú Mười Minh còn báo tin vui- một doanh nghiệp xuất khẩu đã đặt vấn đề tiêu thụ nhãn của HTX để xuất khẩu với giá 60.000 đ/kg.

Tuân thủ quy trình

Nhà vườn Tân Hạnh thu hoạch nhãn tiêu da bò.
Nhà vườn Tân Hạnh thu hoạch nhãn tiêu da bò.

Diện tích nhãn bị bệnh chổi rồng giảm

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT, sau 7 tháng của năm 2015 thực hiện phòng chống dịch bệnh chổi rồng, diện tích nhãn nhiễm bệnh còn lại 6.878ha, giảm 568ha so cuối năm 2014. Trong đó diện tích nhiễm bệnh tỷ lệ trung bình và nặng được khắc phục. Cụ thể, diện tích nhiễm nhẹ (dưới 30%) tăng lên, chiếm 46% tổng diện tích nhiễm bệnh chổi rồng vào thời điểm tháng 7/2015; diện tích nhiễm trung bình (30- 70%) giảm còn chiếm 29%; còn diện tích nhiễm nặng (trên 70%) chỉ còn chiếm 25% tổng diện tích nhiễm bệnh chổi rồng.

 

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT Vĩnh Long, việc phòng trị bệnh chổi rồng trên cây nhãn thời gian qua còn nhiều khó khăn. Nguyên nhân chính là do giá cả bấp bênh khiến diện tích cũng như tỷ lệ nhiễm chổi rồng không được khắc phục. Dù hiện nay sản lượng nhãn giảm đáng kể nhưng thị trường tiêu thụ không ổn định, giá nhãn dao động ở mức thấp… đã không khuyến khích nhà vườn chăm sóc và phòng chống bệnh. Chẳng hạn, năm 2014, giá nhãn bình quân 7.000- 9.000 đ/kg, trong khi giá thành 7.000- 8.000 đ/kg, nông dân không có lời nên không mạnh dạn đầu tư phòng trị. Những vườn nhãn nhiễm bệnh ngày càng suy kiệt, tạo điều kiện cho bệnh phát triển và lây lan diện rộng. Cùng các giải pháp kỹ thuật chưa được thực hiện đồng loạt, kiên quyết, diện tích nhỏ lẻ, phân tán; thì việc chưa tìm ra được tác nhân gây hại bệnh nên chưa có thuốc đặc trị bệnh chổi rồng trên nhãn cũng là “vướng mắc” lớn hiện nay.

Tuy vậy, theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh, Cục Bảo vệ thực vật đã đưa ra được quy trình canh tác quản lý nhện lông nhung, giúp bà con có thể quản lý vườn nhãn hiệu quả hơn 80% trong phòng trị bệnh chổi rồng. Nhiều nhà vườn có đầu tư phân thuốc, tưới nước, chăm sóc kỹ theo quy trình được khuyến cáo đạt kết quả nhất định.

“Phải tuân thủ quy trình, đồng thời thực hiện tổng hợp các biện pháp mới đạt hiệu quả trong quản lý bệnh chổi rồng”- khuyến cáo của ngành nông nghiệp từ kinh nghiệm thực tế.

Theo đó, ngành nông nghiệp khuyến cáo thực hiện cắt tỉa liên tục, vệ sinh thường xuyên nhằm hạn chế nơi trú ẩn, cắt đứt nơi lưu tồn và nguồn gốc lây lan của nhện lông nhung. Cung cấp đầy đủ và cân bằng dinh dưỡng cho cây bao gồm phân đa lượng, trung- vi lượng và phân hữu cơ. Tiếp theo là tưới nước thường xuyên (vào mùa nắng), có thể tưới nước phun áp lực lớn dưới mặt lá đặc biệt vào các giai đoạn mẫn cảm với bệnh như cây ra đọt non, ra hoa để rửa trôi, hạn chế mật độ nhện lông nhung. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tuân thủ “4 đúng”…

Kỳ sau: “Rải vụ” theo… thị trường

Lorem ipsum dolor sit amet, consectetur adipiscing elit. Praesent et Hạn chế trồng nhãn Idor, chôm chôm trong vùng dịch

Cũng theo Sở Nông nghiệp- PTNT, những vườn nhãn bị nhiễm bệnh nặng, già cỗi nhà vườn đã đốn bỏ, nhiều nhất là tại các xã cù lao thuộc huyện Long Hồ, Vũng Liêm và TP Vĩnh Long. Nông dân đã trồng lại các cây trồng khác như chôm chôm, nhãn Idor, cam, bưởi, mít, xoài, ổi và một số loại cây trồng khác. Trong số các loại cây trồng mới thì những diện tích trồng nhãn Idor và chôm chôm cũng nhiễm bệnh chổi rồng. Chính vì thế, Chi cục Bảo vệ thực vật khuyến cáo bà con nông dân hạn chế tối đa trồng 2 loại cây này trong vùng dịch hoặc trồng xen trong vườn đang bị bệnh.

 

 

Bài, ảnh: TRẦN PHƯỚC