Kết nối phố

Nền kinh tế... đêm

Cập nhật, 10:58, Thứ Năm, 17/09/2015 (GMT+7)

Ở đô thị, đương nhiên có những “nền kinh tế” khác hẳn vùng nông thôn. Chẳng hạn, nếu dịp tết “kinh tế vỉa hè” bỗng lên ngôi với lớp lớp hoa kiểng, dưa hấu; thì ngày thường lại có một “nền kinh tế” rất đặc biệt: kinh tế… đêm.

Đầu tiên là chú hủ tiếu gõ, chị bán cháo trắng- tép kho, rồi đến cô cơm tấm sườn, chè đậu, tàu hủ nóng, rồi quần áo thời trang, chăn màn,… cứ tầm chạng vạng mới bắt đầu “vào ca”. Tất cả lần lượt ra khỏi những con hẻm nhỏ, tay xách nách mang, cứ như đèn kéo quân, đi vào “kinh tế đêm”. Và cũng như đèn kéo quân, trời càng dần tối thì việc buôn bán càng “sáng” hơn, sống động hơn.

Lúc này, đô thị đã lên đèn. Những trung tâm ngoại ngữ, vi tính, hội họa, những lớp học đêm,… cũng sáng đèn. Giáo viên đi tới đi lui, học trò ngồi gò lưng chăm chỉ. Có lẽ những đêm dài để cho ngày mai sáng!

Ở một phần đô thị khác, đêm là để vui chơi, giải trí. Đến siêu thị, hiệu sách, quán nhậu, cà phê, khiêu vũ, karaoke… Đô thị nhỏ không có nhiều lựa chọn và hưởng thụ văn hóa là một thiệt thòi lớn cho mọi người. Không biết có phải hay không, nên phần nhiều cách “giải trí” vui vẻ nhất là đi quán bia. Cho nên- đêm- cũng có hẳn một “phần kinh tế- nhậu”. Chả trách Việt Nam là một trong những quốc gia tiêu thụ rượu bia rất “tầm cỡ”.

Dường như để đánh giá các thành phố về đêm tốt nhất, người ta dựa vào 4 tiêu chí cơ bản. Đó là: số giờ hoạt động về đêm trong tuần, đám đông thân thiện và ưa nhìn, chất lượng và tính đa dạng của biểu diễn âm nhạc, và cuối cùng là ấn tượng mà 10 năm sau còn có thể kể lại cho bạn bè! Như vậy, có thể thấy, các hoạt động trong đô thị về đêm sẽ góp phần quan trọng để tăng bản sắc văn hóa, tạo nhiều việc làm và đóng góp đáng kể cho kinh tế cũng như nguồn thu ngân sách đô thị.

Cũng vì vậy, quản lý đô thị rất cần có cách làm, cách nghĩ khác với quản lý địa bàn nông thôn.

NGUYÊN CHƯƠNG