Truyện ngắn: Dưới bóng cờ hồng

Cập nhật, 14:47, Chủ Nhật, 01/11/2020 (GMT+7)

™THÚY VÂN 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Tôi chào đời ở xã Trung An (Vũng Liêm- Vĩnh Long)- một vùng quê ruộng vườn xanh ngát, trong thời kỳ đất nước còn rền vang tiếng súng chống Mỹ. Quê tôi thuộc vùng giải phóng, kẻ thù thường xuyên dội bom, ruồng bố, vì chúng xem đây là vùng tự do oanh tạc. Những cây dừa, cây vú sữa, cây mít… trong vườn đầy vết tích đạn bom, có cây bị cắt gãy ngang, cháy đen, màu xanh ruộng vườn không còn nguyên vẹn.

Má tôi nói: “Bà con còn bám trụ ở lại đây, hầu hết đều là gia đình có chồng con theo cách mạng nên ở lại để làm ruộng tiếp tế lương thực cho cách mạng”. Có lẽ vì vậy nên bà con nông dân ở đây, dù bom rơi đạn nổ, đến mùa cấy lúa họ vẫn cấy, đến mùa thu hoạch họ vẫn gặt, họ không bao giờ bỏ đất trống, có nhiều lúc họ phải cắt lúa trong đêm để tránh giặc. Họ như có sức mạnh từ trái tim thôi thúc “phải sản xuất, phải có lương thực”.

Người anh thứ tư của tôi đang học lớp đệ nhất, bỏ học đi vào chiến khu. Má tôi dặn:

- Chớ có nói gì, tụi nó mà biết nhà có anh mày theo cách mạng là chết hết đó nghe!

Lòng tôi đầy tự hào vì có anh đi bộ đội đánh giặc Mỹ và bọn lính ác ôn.

Nhưng nhớ má dặn, tôi im re không dám khoe với mấy thằng bạn trong xóm. Tụi nó vẫn nghĩ anh tôi đang học ở Vĩnh Long. Từ lúc anh tôi đi bộ đội, tôi thích rủ đám bạn chơi trò “đánh trận”. Chúng tôi chia hai phe “ta” và “địch”, rồi dùng bập dừa gọt làm súng, móc đất cục làm đạn. Chúng tôi say sưa đánh nhau tưng bừng quên cả về nhà ăn cơm chiều; quần áo, mặt mày thì đầy sình đất, má tôi phải dùng roi để kêu tôi về.

Anh tôi theo đơn vị hành quân liên tục ở địa bàn Ngãi Tứ- Tam Bình. Thi thoảng, tôi và ba má được đọc thư anh gửi về. Nhìn từng nét chữ của anh Tư, tôi nhớ anh vô cùng. Có đến hơn năm sau khi đi vào chiến khu, anh tôi mới về thăm nhà vào lúc giữa đêm. Tôi vốn ngủ mê, má tôi thường bảo: “Thằng Dũng nó ngủ, khiêng quăng xuống đất, nó cũng ngủ tiếp luôn!” Vì vậy, sáng ra tôi mới biết đêm qua anh Tư có về. Tôi thút thít khóc:

- Con nhớ anh Tư lắm mà. Sao má không kêu con dậy gặp anh Tư?

- Chỉ sợ con mừng quá rồi ồn ào, sẽ nguy hiểm cho anh con nên ba má để cho con ngủ.

- Hic hic…

Tôi vừa khóc vừa chạy ào ra sau nhà ngắm hai mẹ con trâu đang thong thả nhai cỏ. Tôi bước đến vuốt ve lưng con trâu nghé và thố lộ tâm sự với mẹ con trâu: “Trâu ơi! Tao nhớ anh tao lắm! Tao mong sao mau lớn để theo anh đi đánh giặc!”.

Anh tôi là một chiến sĩ dũng cảm, sau hai năm anh vào chiến khu, đã được vinh danh là “Dũng sĩ diệt Mỹ”. Tôi sung sướng lắm nhưng cũng phải ôm tin vui trong bụng chứ không dám khoe với đám bạn.

Hồi đó, đoàn văn công giải phóng thỉnh thoảng về biểu diễn. Tôi và đám bạn từ chiều đã có mặt để giành chỗ ngồi thấy rõ mặt diễn viên. Các anh chị hát hay, diễn hay lắm. Có lúc hùng hồn khí thế, lúc thì cảm động đến nước mắt tôi chảy ròng ròng. Một đêm nọ, đoàn mới vừa biểu diễn thì nghe một tiếng “cum” vang dội, tiếng đề ba của pháo 105 ly từ hướng chi khu, rồi tiếng pháo bay ngang đầu nghe “quéo quéo”. Các chú cán bộ lập tức tắt hết đèn măng sông phục vụ đêm diễn. Mọi người chạy tán loạn, tìm hầm tránh đạn gần nhất. Tôi cũng sợ ú tim. Thế nhưng cứ mỗi khi nghe tin văn công về diễn, tôi và đám bạn hàng xóm vẫn náo nức chạy đi xem, dù cách xa nhà đến 4- 5 cây số; khi về tôi cùng đám bạn còn bắt chước, tập tành diễn tuồng cùng nhau.

Sau năm Mậu Thân 1968, địch tăng cường đánh phá vùng giải phóng, người dân quê tôi phải ra ruộng ở, vườn cây xơ xác, chỉ còn lực lượng giải phóng đóng quân. Hồi đó, bọn lính rất dã man, chúng lôi xác người bị bắn chết trong trận đánh, phơi xác ở chợ hoặc cắt đầu, xẻo tai treo trên cầu ngay chợ và nói là “Để cho Việt cộng sợ”. Dù còn nhỏ nhưng tôi cũng có suy nghĩ: “Sao họ đối xử với con người tàn ác vậy?” Lòng căm thù lính giặc bắt đầu nhen nhóm trong lòng tôi! Những lần chứng kiến cảnh đau lòng đó, tôi cùng đám bạn thất thểu trở về, không ai nói với ai tiếng nào. Mỗi khi vậy, trưa hôm đó về, tôi bỏ cơm! Tôi thấy các chú cán bộ có làm gì đáng ghét đâu. Tôi chỉ thấy bom Mỹ và lính giặc bắn chết người dân quê tôi! Lần đầu tiên tôi suy nghĩ: Phải làm gì để cùng các chú bộ đội đuổi bọn lính Mỹ, lính địch ra khỏi làng quê mình.

Tôi nhớ mãi, đêm hôm ấy, một anh bộ đội đến nhà tôi. Anh có vẻ bối rối, mãi một lúc sau với nét mặt buồn bã, đưa cho ba má tôi tờ giấy: “Con về báo tin với hai bác, anh Tư Trung đã anh dũng hy sinh trong trận đánh tập kích công đồn Đất Méo”. Cả nhà tôi cảm giác như sét đánh ngang đầu. Má tôi ngồi sụp xuống trên chiếc chõng tre, hai tay bám chặt thành giường, nấc lên! Ba thì đứng sững người, mặt mày nhăn nhúm! Tôi thì hai tai lùng bùng, cái đầu như nổ tung. Tôi giương to hai mắt nhìn anh bộ đội. Anh bộ đội cắn chặt môi, đôi mắt rưng rức! Tôi cố kiềm chế cảm xúc nhưng tiếng khóc vẫn hưng hức trong cổ họng!

Cả nhà tôi không ai dám hé lộ ra nỗi đau. Mọi người nuốt nước mắt ngược về tim, vì nếu địch biết được có người nhà hy sinh vì theo cách mạng thì khó sống yên. Từ ngày anh tôi hy sinh, trong nhà tôi không nghe tiếng nói, cười. Ba lặng câm không kể chuyện cho tôi nghe như trước đây, ông thường lủi thủi ngoài vườn cây. Má thì đêm đêm úp mặt vào gối khóc. Tôi biết má thương anh tôi đứt ruột vì anh là đứa con rất ngoan và hiếu thảo. Cứ vài hôm tôi thấy má mở rương, mang quần áo, di ảnh của anh tôi ra vuốt ve và xếp lại với khuôn mặt đầy nước mắt.

Anh tôi hy sinh khi chưa tròn 25 tuổi, cái tuổi thanh niên tươi đẹp, hào hùng của anh đã bị giặc cướp mất, chắc hẳn anh còn nhiều điều chưa kịp làm. Tôi nhớ anh Hai vô cùng nhưng làm sao còn gặp được anh đây? Tôi chạy ra chuồng trâu ôm lưng con trâu nghé khóc òa: “Hu hu… Nghé ơi! Anh tao không trở về nữa rồi!” Tôi khóc rất lâu. Và một suy nghĩ chợt bừng lên trong đầu: “Mình phải đi theo con đường của anh, phải trả thù cho anh mình!”.

Năm 1970, tôi xin ba má cho đi theo cách mạng trả thù cho anh Tư. Ba tôi trợn mắt:

- Bây còn con nít làm được gì, chỉ vướng chân, vướng tay người ta!

Má tôi thì nhẹ nhàng bảo:

- Con mới 14 tuổi còn nhỏ lắm! Ba má sợ con không chịu đựng được gian khổ. Lỡ mà con đi đầu hàng hoặc làm gì gây hại cho cách mạng thì khổ!

Tôi thất vọng vì không được ba má đồng ý nhưng trong lòng vẫn âm thầm chờ cơ hội. Ba má tôi thì cứ nghĩ thằng nhỏ đã bỏ qua ý muốn vì chẳng được ba má cho phép nên cũng không quan tâm dòm ngó việc đi đứng của tôi.

Lúc đó, biết tôi có ý định đi theo cách mạng, dì Hai tôi nói: “Người lớn theo cách mạng gian khổ, hiểm nguy, có khi còn không chịu nổi. Bây con nít mà đi đâu?” Dù tuổi đời còn niên thiếu nhưng lúc đó tôi đã mạnh dạn trả lời: “Người ta khác, con khác. Con đi để trả thù cho anh con và bà con quê mình. Con đã chọn đường để đi, thì có chết con cũng không bỏ về”.

Cơ hội đã đến với tôi. Đêm đó, dượng Hai tôi, công tác ghé nhà trong lúc ba má tôi đều có việc đi lên tỉnh. Tôi nói lên tâm nguyện của mình. Thấy tôi quyết tâm, dượng Hai bảo tôi thu xếp vài bộ quần áo rồi dẫn tôi đi ngay trong đêm. Trước khi ra khỏi nhà, dượng Hai cười khẽ và thì thầm với tôi: “Tao chuẩn bị nghe ba má mày chửi một trận!”

Khi ba má tôi về, không thấy thằng con trong nhà. Chạy quanh vườn cũng không thấy nó. Má tôi gọi to:

- Dũng ơi!... Con đâu rồi!

Tiếng gọi của má tôi rơi vào không gian im ắng. Ba má tôi nghi ngờ bảo nhau: “Chỉ có thể là nó đi theo dượng Hai thôi!” Ba má tôi tức tốc sang nhà ngoại thì biết được tin: “Thằng Dũng đi theo dượng Hai”. Ba má tôi nói với dì Hai: “Đành chịu thua nó thôi!”

(Mời xem tiếp trên VLCN kỳ tới)