Truyện ngắn

Mùa hẹ bông

Cập nhật, 16:22, Thứ Hai, 19/10/2020 (GMT+7)

 

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Mới đây, xã Tham Đôn đã bàn giao năm ngôi nhà tình thương, ba ngôi nhà tình nghĩa và khánh thành hai điểm trường ở ấp Bưng Chụm. Được biết, kinh phí đầu tư xây dựng duy chỉ có một nhà tài trợ ở nước ngoài trở về quê hương mình đóng góp…

Ôi! Niềm vui theo sóng phát thanh của đài đi khắp mọi nhà trong phum sóc. Bà con Khmer cả xã vui vẻ phấn chấn hẳn lên! Riêng chú Danh Hời- một lão nông tri điền- đã từng đi qua hai mùa chinh chiến, đánh Pháp và Mỹ bày tỏ niềm vui, tấm lòng cảm phục và biết ơn của mình bằng một việc làm thiết thực xưa nay hiếm thấy: chọc tiết con bò lai sind to đùng, tổ chức một bữa tiệc để thết đãi bà con trong bổn sóc.

Đặc biệt là nhà tài trợ- thằng Sơn Uôl- là con độc nhất của ông bạn nối khố của mình. Không phải thấy người sang bắt quàng làm họ đâu! Chính thằng Sơn Uôl từ Mỹ bay về Việt Nam, xuống liền nhà chú Danh Hời, để nghe ý kiến chỉ bảo của chú, mới tới bàn bạc với anh em địa phương, lên kế hoạch thực hiện việc làm ích nước lợi dân như đã nói trên à! Và không phải chỉ lần này mà nhiều lần rồi.

Người trai tha hương này tìm về nơi chôn nhau cắt rốn, để lĩnh hội nghĩa nhân từ cây lâm vồ bóng cả: Danh Hời, rồi đóng góp tiền bạc cho hẹ bông quê mình vươn xa ra thị thành, ngồi trên mâm những cửa hàng ăn uống của khách nước ngoài, để phum sóc ngày một thay da đổi thịt và chùa Bưng Chụm không ngớt điệu “a day” lượn theo cánh tay cong của mấy cô gái Khmer, dường như được tạo nên bằng nét duyên dáng mềm mại ở rẻo đất đồng bưng mưa dầm nắng gắt.

Trong bữa tiệc tất nhiên có đủ đầy, chính quyền các cấp, chủ hộ được cấp nhà, cán bộ ngành giáo dục và thầy cô giáo sở tại.

Trước tiên coi như mở màn bữa tiệc là nhiều bài phát biểu của khách mời, nội dung vẫn lọt thõm trong cái động từ ghép “biết ơn!” Sau đó tới phần nhập tiệc. Trời ơi! Cái giờ phút náo nhiệt tưng bừng có lẽ Sơn Uôl là điểm hội tụ sáng ngời trong mắt mọi người, làm lu mờ đi tất cả.

Trong khi tuổi tác của y chả có là bao, chỉ ngoài ba mươi. Được một cái, trắng béo, từng trải, ăn mặc sang trọng và nói tiền tỷ trơn đầu lưỡi. Cha, cha! Anh ta nghiêm ngắn, chững chạc, bề thế, ung dung bước tới mời thầy Thòn một ly rượu ngoại XO. Thầy dạy cấp ba của y mà, dạy từ chế độ cũ đến nay à. Giờ đã già nghỉ hưu. Chắc kiến thức của thầy không rung rinh, đứng chẳng vững như thầy đâu (?) Thấy đứa học trò biết tôn sư, thầy hưng phấn quá cỡ, chổng ly đổ thẳng rượu vào mồm.

Trời trời! Rượu mạnh à! Không thua rượu Xuân Thạnh của Trà Vinh nghe! Đó, thầy Thòn thấy ngất ngây liền! Mặt bóng ngời đỏ lựng. Đôi mắt hấp háy nhìn soi mói từ đầu đến chân thằng học trò của mình, rồi quay sang chú Danh Hời đột ngột để rơi một giọng nói đã khàn đặc:

- Người ta dù có sang tận nước nào đi nữa, dù trắng trẻo, béo tốt ra, dù đắp lên người bao nhiêu của quý lạ vẫn giữ lại một chút nào đó cái dáng hình của thời cha sanh mẹ đẻ. Chính đây là cái nguyên nhân dẫn đến việc làm cao đẹp đối với dân tộc và đất nước mình. Cậu Sơn Uôl học trò cưng của tôi là một minh chứng chân thật nhất! Tôi nói có đúng không anh Danh Hời và toàn thể quan khách kính mến?

- Đối với ai thì có thể đúng chút đỉnh, chớ đối với thằng Sơn Uôl thì trớt he hà! Cái nguyên nhân thằng “bu rọt” (con nít) này mang tiền về giúp đỡ cô bác ở trong phum sóc mình là… Thôi, hỏi nó thì sẽ rõ. Chuyện ai làm nấy biết. Cứ ăn cái đã! Có thực mới “giựt” được đạo à! Chú Danh Hời phản đối ý kiến của thầy Thòn và mời tất cả mọi người ngồi vào bàn ăn.

Chèn mẹt ơi! Gương mặt thầy Thòn khi nãy thoáng một chút xíu hống hách, cao ngạo giờ như nặn bằng thịt chảy trùng xuống. Bởi cau có nên thầy nặng lời:

- Là cái gì ông nội? Biết nói đi, làm cụt hứng à!

- Dạ thưa thầy là cái này nè! Sơn Uôl chìa cái gói đỏ đã mở bung miệng ra. Khách mời đổ xô đến, ghé mắt nhìn. Trời ơi trời! Hai cục gạch thẻ cũ kỹ, sắp mục, mốc thếch, mòn lẵn. Một cục in dấu bàn chân phải còn một cục in dấu bàn chân trái. Cả hai bàn chân đều in dấu xuống hai cục gạch thẻ sâu quắm!

Sững sờ, xúc cảm, thắc mắc, bế tắc, rồi mọi người thắc thỏm trông chờ lời giải thích của Việt kiều Sơn Uôl để sớm biết được nguyên nhân lạ lùng đưa đến việc làm của y.

Còn Sơn Uôl thì đợi chú Danh Hời đánh tiếng, để bàn dân thiên hạ tường tận kỹ tóc chân tơ. Đun đẩy lòng dòng rốt cuộc “cây lâm vồ” cao niên ở Bưng Chụm cũng chịu mở môi. Ôi! Câu chuyện ông kể đã xa lơ xa lắc, nhưng lại là đề tài nóng hổi hôm nay được ai nấy đều để tâm đến.

Hồi ấy, Tham Đôn là vùng căn cứ kháng chiến trống vắng mênh mông, bởi bom đạn triền miên tàn phá khốc liệt. Bộ mặt thơ mộng của phum sóc trốn đi biệt dạng đến nổi trông dị hợm vì thương tích đầy mình.

Như ăn cơm bữa, B52 bỏ bom dọn bãi cho quân đội lùng sục, càn quét, bắt bớ, bắn giết những người kháng chiến và đồng bào yêu nước. Rồi còn pháo, ôi thôi kể sao cho xiết! Pháo từ Mỹ Xuyên, từ những chiếc tàu thuộc giang đoàn tuần tiểu thi nhau rụng xuống cái tọa độ chết Tham Đôn, gieo rắc bao nổi kinh hoàng! Và làm tắt lịm cả cái dàn hợp xướng ở ruộng đồng vốn có từ xa xưa: tiếng ếch, nhái, giun, dế và tiếng quạ kêu ghê rợn kéo dài ai oán thảm thê!

Theo thường lệ hễ hết pháo lại xuất hiện hàng chục chiếc máy bay ầm ầm rầm rú, làm vẩn đục bầu trời xanh thăm thẳm không một gợn mây. Trước tiên là máy bay “cá lẹp” lồng lộn điên tiết vãi đạn như mưa bấc.

Sau đó đến trực thăng vũ trang, “cá nóc” rà sát những chòi lá, vườn tược, lùm cây, bụi cỏ xả súng bắn tứ tung binh tàng và dùng bộc pháo đánh phá tan hoang. Bè lũ què quặt lương tri này còn bạo tàn đánh sập luôn những cái trảng xê của dân thường- những con người hai sương một nắng, sớm chiều bầu bạn với mảnh vườn thửa ruộng và ao cá sau hè- vì nghi ngờ có du kích ẩn núp.

Ôi! Phum sóc đầy trời bom đạn, mặt đất, mặt nước chòng chành chao đảo, mịt mù khói súng, khét lẹt mùi pháo bom. Cảnh đau thương tang tóc cứ tiếp diễn không ngừng từ tháng này qua năm nọ, từ đời cha đến đời con, xem chừng còn chồm qua đời cháu nữa trời hỡi!

Tội nghiệp! Dân chúng nhốn nha nhốn nháo đổ xô ra thị thành lánh nạn. Xã Tham Đôn người người tản cư đi gần hết. Thần chết đã sờ tới gáy rồi! Riêng ấp Bưng Chụm chỉ còn gia đình đôi vợ chồng son trẻ Sơn Tuôl và Thạch The- cha mẹ của Sơn Uôl- còn ở lại canh tác ruộng rẫy. Nhưng ít lâu sau, Thạch The do bụng mang dạ chửa, vì thương con nên đành gạt nước mắt xa chồng lên Sóc Trăng, tìm nhà người quen lắm của nhiều tiền xin ở đợ đặng náu nương chờ ngày sinh nở.

Xa người vợ dịu hiền, chân chất, dung dị, gối chăn chưa tròn hai năm, Sơn Tuôl không thấy lẻ loi cô độc, vì sống gần gũi bên ông còn có du kích địa phương- những con người vững vàng trong bom rơi đạn nổ, bám địa bàn, bám dân, kiên quyết đấu tranh chống địch, dù mạng sống tợ chỉ mành treo chuông!

Thời gian qua đi nhưng đạn bom vẫn còn ở lại, buộc Sơn Tuôl phải liền tù tì chun trảng xe trốn. Đển tránh sứt càng gãy gọng hay khỏi theo ông bà “đi qua ngọn lửa thiêu”, Sơn Tuôl đắp vách và nóc cái trảng xê dày bịt và đào xuống thật sâu nên nền trảng xê quanh năm luôn ẩm ướt. “Khổ” hơn nữa, mưa to hoặc đến mùa nước nổi, nước nong vào nền lắp sắp. Do vậy, Sơn Tuôl phải lấy hai cục gạch thẻ lót để ngồi chồm hổm lên. Lâu ngày dài tháng mới có hai dấu chân tội nghiệp như vậy!

Nước nhà thống nhất. Trước khi lấp cái trảng xê, Sơn Tuôl cạy hai cục gạch thẻ lên cất đó làm kỷ niệm một thời gian khổ tránh trốn đạn bom. Thằng Sơn Uôl lớn lên hiểu rõ ngọn ngành. Nó nuôi quyết tâm “khỏa lấp hai dấu chân trên hai cục gạch”, rồi ra sức học tập, trở thành một doanh nhân tầm cỡ, có cơ sở kinh doanh tận nước ngoài, thừa khả năng mặc áo mới ngày xuân cho phum sóc, nơi đã từng oằn mình trong mưa bom bão đạn bằng việc làm mà bà con đều biết rõ. Nhưng nó chỉ mới “khỏa lấp phần nào dấu chân trên hai cục gạch” thôi! Còn, còn nữa…

Chú Danh Hời móm mém cười thay cho dấu chấm hết của câu chuyện mình kể.

Trời đã về trưa, mùa bông hẹ lung linh trong nắng. Buổi tiệc đã tàn, mọi người ra về thấy có cái gì rưng rưng nỗi nhớ xa xôi làm thổn thức trái tim mình. Rồi từ nơi sâu thẳm tâm hồn của họ bỗng dưng thốt ra một mệnh lệnh oai nghiêm. Hãy trân trọng cuộc sống hôm nay, bởi nó khởi nguồn từ những ngày sinh tử!

HỒNG SƠN