Truyện ký

Vì đồng đội

Cập nhật, 16:24, Thứ Hai, 19/10/2020 (GMT+7)

TRUNG NGÔN

(Tiếp theo kỳ trước và hết)

Dằn cơn xúc động, Tám Thiện kể tiếp:

- “Anh Ba Xiêm vội kéo anh Sáu Đức vào bên trong công sự, còn anh thay chỗ anh Sáu Đức tiếp tục bắn máy bay. Một tràng đạn đại liên cực nhanh nổ chát chúa, đạn găm phầm phập vào công sự. Một viên đạn xuyên qua ngực anh Ba Xiêm trổ ra sau lưng, máu xịt có vòi, chắc là trúng tim. Máu của anh phun trúng tôi và Sáu Đức, máu chảy tràn xuống lớp đất sình sền sệt trong công sự, dính vào người tôi và anh Sáu Đức. Anh đau đớn giãy giụa vài cái và gục chết ngay tại chỗ!”

Tranh minh họa: TRẦN THẮNG
Tranh minh họa: TRẦN THẮNG

Nhiều tiếng khóc vang lên. Một em thanh niên ràn rụa nước mắt, nói là em trai của anh Ba Xiêm, hỏi:

- Bọn “cán gáo” nó vây đánh các anh như vậy, các anh du kích khác không bắn nó để cứu các anh sao?

Tám Thiện trả lời:

- Tôi có nghe mười mấy tiếng súng lẻ tẻ bắn máy bay, bọn “cán gáo” có bắn về hướng đó mấy tràng đạn đại liên cực nhanh, nhưng chúng vẫn tập trung đánh vào chỗ công sự chúng tôi. Nếu ở đơn vị bộ đội chúng tôi thì các anh em khác đã quyết liệt nổ súng chi viện, không để chúng tự do vây đánh đồng đội mình như vậy đâu!

Anh Tám Thiện kể tiếp:

- “Bọn “cán gáo” thay đổi cách đánh: Một chiếc bay vòng quanh bắn đạn đại liên cực nhanh vào công sự để chúng tôi không ngóc đầu lên được mà bắn chúng, một chiếc bay thấp trên đầu chúng tôi ném thuốc khối xuống- thuốc nổ TNT. Tiếng nổ gần đinh tai nhức óc, tức cả ngực.

Một viên đạn lửa găm vào thành công sự phía sau lưng tôi, lửa xịt ra trúng vào giữa sống lưng tôi nóng hổi, cháy thịt khét lẹt, đau điếng. Vết phỏng to cỡ 4 ngón tay và thành thẹo đây này”.

Anh vạch áo cho mọi người xem vết thẹo rồi kể tiếp:

- “Bọn “cán gáo” vẫn tiếp tục bắn và ném thuốc khối. Chúng quyết tiêu diệt cho bằng được công sự chúng tôi. Anh Sáu Đức tuy đau đớn oằn oại, khó thở nhưng vẫn còn sống. “Rắc”. Tôi chết giấc! Bây giờ tôi nói cái cảm giác lúc chết cho bà con nghe: Tôi hoàn toàn không biết, không có một chút cảm giác nào hết.

Nếu chết thiệt luôn thì thật là khỏe ru! Không biết thời gian tôi chết giấc bao lâu, chừng tỉnh lại tôi mới biết công sự của mình đã bị thuốc khối đánh sập, khúc cây dừa to tướng dùng để đắp nóc công sự sụp xuống đè trên lưng, trên đầu làm tôi không nhúc nhích cục kịch gì được, lỗ mũi chỉ cách lớp đất sình trong công sự chừng một lóng tay!

May phước ông bà, nếu lúc tôi chết giấc mà lỗ mũi bị giúi trong lớp đất sình đó thì tôi chết luôn là cái chắc! Mình mẩy, đầu cổ tôi ê ẩm, đau đớn, bị hộc máu miệng, sặc máu mũi, lỗ tai bên phải điếc đặc cũng chảy máu, mặt bên phải rát rạt vì bị hơi ép và tro mạt thuốc khối phả vào. Mặt bên phải của tôi đến giờ vẫn còn mấy chục vết thâm đen đây này!” Tám Thiện chỉ những vết thâm trên mặt cho mọi người xem rồi kể tiếp:

- “Bọn máy bay trực thăng đã bỏ đi. Tôi nằm kẹt trong công sự mà lo lắng vô cùng. Lo là không biết các anh Xã đội có tìm được công sự bị sập này mà cứu mình không, hay là bị lọt vào tay của bọn lính Tam Bình đang kéo xuống thì chỉ có con đường chết! Lúc đó nỗi nhớ ập đến. Nhớ cha mẹ già đang mong ngóng chờ con, nhớ người vợ trẻ đang mang thai mà chưa biết đứa con đầu lòng của mình là trai hay gái; nhớ người thân, nhớ đồng đội;… Lúc đó tôi thấy thời gian dài khủng khiếp!

Có tiếng chân đi phía trên rồi có tiếng người la lên: - Đây nè, công sự bị sập này có người nè! Móc lên coi có ai còn sống không? Lúc đó, tôi chưa biết là anh em mình hay kẻ địch sẽ móc mình lên nữa; trong bụng rất hồi hộp, nhưng trong hoàn cảnh này chỉ đành phó mặc cho số phận mà thôi!”

Tám Thiện ngưng kể, day qua nhìn anh Mười Đực, nói:

- Anh Mười kể tiếp đoạn móc anh em dưới công sự bị sập lên đi!

Anh Mười Đực kể:

- Sau khi đánh hủy diệt được mục tiêu, bọn máy bay trực thăng bay hết về sân bay Vĩnh Long. Tiếng súng bộ binh của bọn lính bảo an Tam Bình bắn lốp bốp mỗi lúc một gần, chúng đang kéo xuống. Tôi bảo anh em du kích phải khẩn trương đến chỗ công sự của anh em mình bị máy bay “cán gáo” đánh sập coi có ai còn sống không để cứu anh em.

Tới khu vực máy bay địch tập trung đánh khi nãy, tôi thấy trên mảnh đất chưa đầy trăm mét vuông, chi chít dấu vết của đạn rocket và thuốc khối TNT nổ khoét xuống mặt đất; vết cày xới của hàng ngàn viên đạn đại liên cực nhanh, cây cỏ bị đánh bay đi hết, nhiều chỗ đất tơi ra!

Tìm một lúc mới gặp chỗ công sự bị đánh sập. Lớp đất trên nóc công sự bị đánh bay hết, khúc cây dừa gác xuôi để đắp nóc bị sập xuống. Móc khúc cây dừa lên thì thấy anh em mình bị đất vùi lấp. Một anh bị khúc cây dừa đè lên lưng, đè trên đầu gục xuống, lỗ mũi còn một chút xíu nữa là tới lớp đất sình!

Chúng tôi kéo anh lên, anh vẫn còn sống, mình mẩy, mặt mày dính đầy sình đất máu me, không tự đi đứng được. Anh Út Thao lấy khăn dù lau mặt cho anh mới biết là anh Tám Thiện. Anh đã cảm ơn chúng tôi kịp thời cứu mạng.

Tôi cho người kè anh tới nơi an toàn hơn. Chúng tôi tiếp tục móc anh Ba Xiêm, Sáu Đức lên, 2 anh đều đã chết! Để xác 2 anh nằm đó, chúng tôi rút về nơi an toàn hơn và bố trí chuẩn bị chống càn nếu bọn lính kéo tới nơi chúng tôi tránh né. Chừng 15 phút sau, bọn lính kéo tới chỗ công sự bị máy bay “cán gáo” đánh sập.

Nếu chúng tôi chậm trễ, anh Tám Thiện đây lọt vào tay bọn lính bảo an Tam Bình rồi! Ngày hôm đó, nếu anh Tám Thiện, Ba Xiêm, Sáu Đức không dũng cảm nổ súng bắn bọn máy bay “cán gáo” để giải cứu cho số anh em cán bộ bị kẹt chưa ra được tới nơi trú ẩn thì số anh em này sẽ bị máy bay “cán gáo”, “cá lẹp” phát hiện bắn chết ráo! Chúng tôi ghi ơn và khâm phục sự dũng cảm, quên mình để cứu đồng chí, đồng đội mình của các anh!

Nghe diễn biến câu chuyện, mọi người cảm động, không ai cầm được nước mắt. Nhiều người chặc lưỡi, bàn tán: “Nó tập trung hỏa lực mạnh của 2 tốp máy bay đánh vào một chỗ như vậy, chú Tám Thiện này còn sống sót quả là phước lớn mạng lớn!

Chú Sáu Cò**** là chú ruột của anh Ba Xiêm. Chú đang là Chủ tịch Hội Nông dân của huyện, nước mắt ràn rụa, nhìn Tám Thiện, nói:

- Hành động của cháu và Ba Xiêm, Sáu Đức thật là dũng cảm, không sợ giặc dữ, không sợ hy sinh, quên thân mình để cứu đồng chí, đồng đội mình. Các cháu giống như Lục Vân Tiên: Thấy việc nghĩa thì làm, thấy người khác lâm nguy là cứu, đó là hành động anh hùng. “Kiến nghĩa bất vi vô dõng giả, Lâm nguy bất cứu mạc anh hùng”. Tự hào lắm! Vẻ vang lắm! Các cháu thật xứng đáng là lính của Cụ Hồ!

* Tên nhân vật chính đã đổi thành Tám Thiện.

** Nhân chứng sống biết rất rõ sự việc này, anh tên Phan Văn Thành hiện ở ấp Mỹ Trung 2 (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình).

*** Máy bay “cán gáo” tên là OH 6 Cayuse, địch còn gọi nó là “cái trứng bay”; do khi bay trên trời hình dáng nó giống cái gáo dừa dùng múc nước nên bà con mình gọi nó là máy bay “cán gáo”! Còn máy bay “cá lẹp” chính là loại máy bay lên thẳng chiến đấu chủ lực của Mỹ AH-1 hay UH-1 Cobra mà chúng đặt tên là “hổ mang chúa”. Do thân của nó dẹp lép nên bà con mình đặt cho cái tên là “cá lẹp”.

**** Chú Đỗ Thanh Nhàn- Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tam Bình những năm đầu mới giải phóng.