Giấc mơ

Cập nhật, 15:31, Thứ Hai, 29/06/2015 (GMT+7)

Căng thẳng đầu óc, hắn ngả người về phía sau, hít một hơi dài không khí rồi thở ra cho đỡ mệt. Hắn đang đào sâu, tìm tòi, sáng tạo cho ra một tác phẩm nổi trội hơn các tác phẩm khác. Đó là khát khao, mơ ước của hắn. Cũng là chứng minh để trả lời với bạn bè. Bạn bè gặp hắn, gọi: Dũng “chòi” văn.

Tức cười! Thử hỏi, cả cái tỉnh hơn triệu dân, có mấy ai viết văn như hắn. Đếm trên đầu ngón tay. Nhưng hắn cứ loay hoay mãi chưa được tác phẩm nào. Đời hắn không khổ, đâm ra khổ, do mê văn chương, theo nghiệp văn chương. Mà văn chương đâu như người thợ khéo tay cho ra hàng loạt sản phẩm, nó không có khuôn mẫu nào cả. Cho nên hắn phải suy tư, tìm tòi, thả hồn bay bổng còn thân xác ngồi đó như thầy tu ngồi thiền.

Vợ hắn đâm lo, không biết chồng có bệnh hoạn chi không. Mấy lần định hỏi lại thôi, sợ chồng mất cảm hứng sáng tác. Hiền ôm con vào lòng, vỗ đít nhè nhẹ, cất lời ru khe khẽ cho con ngủ. Không ngờ, lời ru của Hiền, bay vào đôi mắt lim dim của hắn. Hắn ngáp dài mấy cái rồi gục đầu lên bàn thiếp đi. Bỗng trước mặt hắn xuất hiện ông già râu tóc bạc phơ, tay phải cầm mớ chỉ đỏ, tay trái cầm quyển sổ. Ông ta lên tiếng hỏi:

- Người biết ta là ai không?

Thoáng nhìn hắn trả lời: Ông là Nguyệt Lão tiên sinh chớ ai.

- Đúng. Tại sao ngươi biết?

- Dễ quá, kìa tay ông cầm mớ chỉ hồng, cầm sổ nữa…

- Ta đến với ngươi là để sửa sai lần trước. Lần trước ta vội vàng nên buộc tơ hồng lầm lẫn làm cho vợ ngươi đau đớn, khổ sở. Nhưng đó là chuyện quá khứ. Còn bây giờ, ta buộc ngươi với cô ta bằng sợi chỉ “chất hóa học” gặp lửa không cháy, gặp nước không mục, ngươi đừng hòng chạy trốn.

- Ông lầm to rồi! Tôi với cô ấy đã thề non hẹn biển, chết sống bên nhau. Vậy thì ông buộc dây tơ hồng có ích lợi gì?

- Ta có nghe, nhưng ai tin giới văn nghệ nhà ngươi. Vui thì nhào vô. Buồn thì bỏ chạy... Thôi, ta không có thì giờ để lý sự. Ta đi đây...

Khi Nguyệt Lão tiên sinh đi rồi. Hắn cũng tỉnh cơn mơ. Hắn định kể lại giấc mơ kỳ lạ cho vợ nghe, nhưng hắn nghĩ giấc mơ hư hư thực thực nên thôi. Hư là chuyện Nguyệt Lão có hay không? Thực là quá khứ của cô ấy, hắn biết rõ mà việc xảy ra đã lâu. Thuở ấy, Hiền là một cô gái xinh đẹp, dịu dàng, chân thật hay tin người. Rồi tình yêu đến. Hiền yêu anh ta yêu cả tấm lòng chân thật, không hề tính toán thiệt hơn. Tháng ngày ân ái trôi qua, khi biết Hiền mang thai, anh ta bỏ đi, xa lánh Hiền. Hiền chết lặng, trời đất coi như tối sầm, quay cuồng. Hiền thấy lởn vởn cái chết, chết là hết tất cả. Nhưng Hiền không thể chết được, vì còn mẹ già nay đau mai ốm, còn đứa con chưa kịp chào đời. Còn sống thì biết sống sao đây, bấu víu vào ai? Hiền chỉ còn biết để cho hai dòng nước mắt chảy dài không dứt. Mẹ già thương con cũng chỉ biết ôm con mà khóc. Họ khóc mãi chờ cho đến khi nào da thịt thân thể của họ tan biến theo dòng nước mắt!

Giữa lúc Hiền suy sụp thể xác lẫn tinh thần, thì một bàn tay nắm lấy bàn tay yếu ớt của Hiền. Hắn cứu lấy danh dự cho Hiền. Hắn nhận Hiền là vợ. Nhận đứa bé là con. Nuôi dưỡng mẹ già.

Từ ngày có Hiền, nhà cửa của hắn được sạch sẽ, gọn gàng, ngăn nắp làm hắn rất phấn khởi. Hắn cho rằng, trong nhà có đàn bà vẫn hơn. Có tiếng trẻ bi bô... mới thấy cuộc sống vui vẻ, đầm ấm hơn. Nhưng cũng chỉ được một thời gian. Sau đó, cuộc sống gia đình đè nặng lên vai hắn. Con hắn đứa lớn chưa kịp lớn thì đứa nhỏ ra đời. Mẹ già, ngày càng già, gần đất xa trời không biết lúc nào. Chỉ tính cái ăn, cái mặc hắn đã thấy đuối sức, mệt mỏi. Con đường văn chương của hắn cứ hẹp dần lại. Bạn bè gặp hắn, nửa đùa nửa thật, Dũng “chòi” văn “hốt ổ”. Cái dân văn nghệ quái quỷ lắm, thượng vàng hạ cám chuyện gì cũng đem ra nói được. Chuyện buồn thì chảy nước mắt. Chuyện vui thì cười bể bụng. Hơi đâu tốn sức. Hắn bền bỉ đọc sách. Đọc gặp đoạn văn hay, hắn gọi vợ. Rồi đọc lại cho vợ nghe. Chỉ có ba bốn chữ mà nói lên cả mùa xuân. Thiên hạ nhiều người tài thật. Rồi hắn giảng giải từng từ, từng ý cho vợ hiểu. Hiền tuy không hiểu chi mấy cũng nở nụ cười hưởng ứng cùng chồng. Vừa lúc đó, có người đưa giấy báo nợ tiền điện. Hẹn ngày nộp tiền, không thì bị cắt điện. Hắn xoay ra viết báo để chữa cháy. Thời gian sau, hắn xem lại bài hắn viết... Chao ôi! Quá đơn giản, dễ dãi theo kiểu mì ăn liền. Hắn buồn, vậy là mơ ước của ta về một tác phẩm nổi trội quá mờ mịt. Hắn cảm thấy ước mơ, hy vọng với thực tại còn khoảng cách khá xa. Bỗng hắn nhớ đến lời của tiền nhân: - Muốn làm văn chương, trong bụng phải chứa ba vạn quyển sách, mắt nhìn núi sông kỳ lạ. Có ai vào Nam ra Bắc bằng ông Tản Đà. Có ai bôn ba xuôi ngược bằng ông Nguyễn Bính... Hắn bắt đầu mở rộng phạm vi giao tiếp toàn bạn bè văn chương. Hắn ra đi và về không ấn định giờ giấc, lúc về sớm, lúc về muộn. Vợ hắn ở nhà chờ hắn về ăn cơm. Chờ mãi chịu hết nỗi phải ăn trước. Có bữa hắn về mùi rượu nồng nặc. Hắn quát con. Hắn to tiếng với vợ. Hắn cho vợ con làm khổ thân hắn... Khi hết say, hắn xin lỗi vợ, hôn vợ, nựng con...

Anh say quá.

Hắn lại đọc, đọc đến mờ cả mắt, cái đầu đau nhoi nhói, nhưng nhức khó chịu, hắn mới buông quyển sách dày cộm một bên. Vài phút sau, lại thấy hắn tiếp tục viết, trên trang giấy kín mít những dòng chữ khó đọc. Hắn gạt bỏ những đoạn văn mà hắn cho là thừa, là không hay, để viết lại... Cứ thế, theo thời gian xoay quanh hai việc: Đọc, viết. Viết, đọc... Hắn cố gắng phấn đấu để có tác phẩm nổi trội.

Nhưng sự đời nhân tính không bằng thiên tính. Con hắn, đứa lớn vừa qua cơn sốt, thì đứa nhỏ phải vào viện. Hắn chạy dựng tóc gáy. Chẳng mấy chốc gia đình hắn lâm vào cảnh thiếu trước hụt sau. Than ôi! Đến nước này, hắn đành gác bút, đi xin việc làm. Tin Dũng nhà văn đi xin việc làm được truyền nhanh trong giới văn nghệ.

- Ông Dũng “chòi” văn đi gác cổng sân vận động... bây ơi!

- Tôi nói mà, không tài, theo nghiệp văn chương, chỉ có đói... ông Sơn Nam nhà văn lớn, về chịu tang mẹ, mà trong túi không có một xu... Làng nhàng như tụi mình thì...

Một chiều se lạnh, có lẽ trời sắp bước sang xuân. Dũng đi ra phố. Ra phố Dũng sợ hai điều. Một là vào quán ăn, bị ngồi đồng. Hai là gặp bạn bè văn nghệ, cái dân văn nghệ uống rượu như Mỹ uống bia. Để tránh, hắn chỉ liếc qua cửa hàng. Hắn cố ý đi nép vào người đi đường để bạn bè không thấy. Hắn đến quầy bán sách cũ, tìm mua quyển sách hắn cần nhưng không có. Hắn bước sang quầy bán gà, vịt quay. Tại đây, hắn được người bán chào mời rất nhiệt tình. Hắn quay lưng ra đường để người quen khó nhận ra. Nhìn những con gà, con vịt quay được treo lủng lẳng, vàng lườm, tươm mỡ thơm phức, người lớn còn thèm huống chi con nít như con hắn. Hắn dự tính mua con gà quay hết 45 ngàn, còn 5 ngàn mua bún, ít rau thơm nữa là gia đình có bữa ăn thịnh soạn. Vợ hắn chặt ra từng miếng. Con ngồi bên hỏi: - Cha mua gà quay... hả mẹ? Hắn thấy lòng mình tràn ngập niềm vui và thương vợ con vô cùng. Trước kia có bao giờ hắn nghĩ đến đồng tiền đâu. Bây giờ hắn mới thấy giá trị của đồng tiền. Hắn kết luận: -Có tiền thì có. Không tiền thì không. Hắn đang phân vân xem con nào mập, con nào ốm, cho vừa số tiền thì một bàn tay đặt lên vai hắn:

- Làm gì đứng tần ngần ở đây?

Hắn quay lại thì ra là Mẫn và Ái- hai người bạn.

- Lâu không gặp, đi với tụi này đi.

- Tôi bận lắm...

- Ái cha!... Có bị tâm thần không đó. Chiều phố xá đông vui, đèn sáng, gió mát thế này!

- Tôi bận thật mà…- Hắn quay lưng đi.

- Ông hay gì chưa?

- Việc gì?

Truyện của ông được tuyển chọn

- Sao biết?

- Anh Hoàng nói:

Tôi có xem văn bản. Cứu đói được đó.

Hắn phấn khởi, vui mừng như lượm được vàng. Hắn quên tất cả, quên vợ con hắn đang chờ... Thế thì đi. Họ vào quán nhậu. Rượu vào lời ra. Nói đề tài văn chương. Lạc đề, bị phạt một ly...

* Tôi xin kể chuyện này:

- Ông quản lý chợ phạt cô bán rau lấn chiếm lề đường, ông ra điều kiện, đối được câu đối, tiền phạt ông chịu. Ông đọc:

- Chật đường, chật chỗ, chật đồ. Đường, chỗ, đồ ba chật khó đương.

Cô bán rau không cần suy nghĩ:

- Rau cần, rau diếp, rau răm. Cần, diếp, răm ba rau lẫn lộn.

Ông mù đi ngang đọc luôn:

- Mục tròng, mục nhãn, mục mi. Tròng, nhãn, mi, ba gì cũng mịt.

Hay tuyệt! Mới thấy trong thiện hạ nhiều người tài.

* Tôi kể tiếp: - Chàng rể với ông già vợ uống rượu.

- Bữa nay không say không về. Uống...

- Sòng phẳng. Mày ly, tạo ly...

Bà vợ nghe “mày tao”… tưởng khách mới đến, chạy lên. Ông nắm tay bà:

- Tao giới thiệu, đây là bà xã tao...

- Chàng rể nhướng đôi mắt đỏ ngầu ngầu... nghiêng qua lại... nhìn...

- Bà xã mày... giống... bà già vợ... tao quá!

Tiếng vỗ tay rôm rốp...

Cuối cùng rồi, cuộc vui văn chương “tài tử” cũng đến hồi kết thúc. Ai về nhà nấy. Dũng vào nhà trong tình trạng say mèm. Vợ vội chạy ra dìu hắn vào giường. Miệng hắn lảm nhảm mà Hiền không nghe được gì. Tác phẩm... nổi trội... Ngày mai… Chỉ ngày mai, đuổi mẹ con nó ra khỏi nhà... Đói khát kệ. Chết cũng mặc kệ... Vợ con hắn ra đi, dưới cơn mưa tầm tã. Con hắn gọi cha:

- Con lạnh... Con lạnh lắm cha ơi!

Hắn giật mình. Trời, con tôi lạnh. Hắn hốt hoảng vội chạy sang giường vợ. Thấy vợ con đang ngủ say. Ta mơ... Một giấc mơ!

16/12/2008

Thầy Phó: tên Nguyễn Hữu Tình (1890- 1943) người có công lập chợ, mở đường sá, ông là thầy giáo,
thầy thuốc và phó tổng thành trị.

ĐỖ VĂN KÍNH