Bữa cơm gia đình Việt xưa và nay

Cập nhật, 15:14, Thứ Sáu, 26/06/2015 (GMT+7)

Trong cuộc sống đầy những bộn bề lo toan, làm sao các gia đình có thể giữ “lửa” cho bếp ấm nhà mình, cũng chính là “giữ lửa” của tình cảm yêu thương?

Bữa cơm trong gia đình truyền thống, hơn cả ý nghĩa yêu thương, còn là nơi thể hiện nét đẹp của lễ nghi, văn hóa Việt Nam; còn là nơi giáo dục nhân cách con cháu từ lúc còn thơ dại.

Bữa cơm chia sẻ nhọc nhằn trên đồng ruộng.
Bữa cơm chia sẻ nhọc nhằn trên đồng ruộng.

Bữa cơm truyền thống

Trong gia đình xưa của người Việt Nam chúng ta, thường có rất đông thành viên và có thể có cả 4- 5 thế hệ hiện diện trong một mâm cơm. Do đó, vai trò của phụ nữ trong việc bếp núc là rất quan trọng. Bữa cơm cũng hàm chứa ý nghĩa to lớn, phải theo đúng nghi thức, theo đúng cái trật tự, nền nếp của truyền thống “Tứ đại đồng đường”, “ngũ đại đồng đường”. Trung tâm của mâm cơm chính là ông bà, cha mẹ; con cháu phải thể hiện được lòng tôn kính, sự hiếu thảo ngay từ khi chưa bước vào mâm cơm.

“Phải giữ cho được bữa ăn gia đình, để khi con tôi đến trường mà cô giáo hỏi món ăn nào con thích nhất, thì con sẽ trả lời: món ăn con thích nhất, ngon nhất là món ăn mẹ con nấu”- anh Sang chia sẻ.
“Phải giữ cho được bữa ăn gia đình, để khi con tôi đến trường mà cô giáo hỏi món ăn nào con thích nhất, thì con sẽ trả lời: món ăn con thích nhất, ngon nhất là món ăn mẹ con nấu”- anh Sang chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Bảy (79 tuổi, Phường 4- TP Vĩnh Long) kể lại: “Khi những phụ nữ nấu xong bữa cơm thì những đứa cháu phải lau sạch từng cái chén, đôi đũa và dọn mâm. Đầu tiên là phải bưng mâm cơm nhỏ lên cúng trên bàn thờ, thắp tàn cây nhang mới dọn xuống. Sau đó, phải khoanh tay thưa từng người lớn vào ăn cơm. Sau khi ông bà, cha mẹ gắp đồ ăn, trẻ nhỏ mới được quyền ăn. Món nào ngon nhất, phải nhường cho người lớn”. Trong một bữa ăn, chúng ta thấy thể hiện rất nhiều vấn đề trong đó. Đó là sự tưởng nhớ tổ tiên qua việc dâng cúng mâm cơm lên bàn thờ Cửu huyền Thất tổ, cũng là để tỏ lòng tri ân đối với hạt gạo và đất đai; đồng thời, thể hiện sự tôn kính, lòng hiếu thảo đối với những bậc sinh thành.

Theo anh Tuấn: Thời đại ngày nay chúng ta không còn khái niệm chuyện bếp núc là của phụ nữ, mà ai có thời gian về nhà trước thì cố gắng tranh thủ làm bếp, để gia đình thường xuyên có bữa cơm chung. Điều này rất quan trọng đối với hạnh phúc gia đình.
Theo anh Tuấn: Thời đại ngày nay chúng ta không còn khái niệm chuyện bếp núc là của phụ nữ, mà ai có thời gian về nhà trước thì cố gắng tranh thủ làm bếp, để gia đình thường xuyên có bữa cơm chung. Điều này rất quan trọng đối với hạnh phúc gia đình.

Có một điều rất hay là ngày xưa những điều người lớn dạy trẻ con trên mâm cơm, nó thể hiện nếp văn hóa rất cao, cho dù đó là những gia đình bình dân vẫn phải giữ đúng nếp nhà. Đó là những điều cấm kỵ như: ăn không được ngậm đũa, không được quơ đũa trên dĩa thức ăn hay xóc bới thức ăn, không được dọng đũa xuống mâm cơm, không được gõ muỗng đũa vào miệng chén hay miệng nồi... Có rất nhiều thứ được người lớn dạy dỗ trẻ con qua bữa ăn, mà sau này mới biết đó là văn hóa cao trong ẩm thực.

Ông Nguyễn Văn Thổ (ấp Tân Lộc, xã Tân Lược- Bình Tân), bày tỏ: “Đối với gia đình tôi thì đọc sách báo, xem đài là món ăn tinh thần không thể thiếu. Còn bữa cơm là nuôi sống con người, nhưng bữa cơm cũng không đơn thuần là vật chất. Trên mâm cơm, các thành viên trong gia đình phải luôn vui vẻ, thể hiện tình cảm với nhau, đồng thời trao đổi những tâm tư, những điều thắc mắc thường ngày”. Trong những lần công tác về nông thôn, làm chúng tôi nhớ lại người Việt Nam chúng ta có bữa ăn gia đình rất đặc biệt, đó là những bữa cơm vợ chồng, con cái xúm xít nhau ngay bên bờ ruộng, góc rẫy hay trong chòi canh. Những bữa cơm đúng nghĩa “chia ngọt, sẻ bùi”, thấm đẫm mồ hôi nhọc nhằn, nhưng chứa chan biết bao yêu thương, gắn bó để cùng nhau vượt qua vất vả, gian nan. Những bữa cơm gia đình như thế này thường là những bữa ăn “mở”, vì đôi lúc có cả những bà con hàng xóm cùng ngồi chung mâm. Thương lắm những bữa cơm gia đình của nông dân Việt Nam chúng ta!

Bữa cơm gia đình vẫn nguyên giá trị

Ý nghĩa, vai trò của bữa cơm gia đình Việt Nam vẫn không bao giờ thay đổi, dù xã hội luôn tiến bộ và phát triển ngày càng nhanh chóng. Tuy nhiên, chúng ta thấy trong cái tất bật của công việc, trong cuộc mưu sinh, thì việc quây quần đầy đủ các thành viên trong bữa cơm ngày càng thưa dần đi, đã có nhiều gia đình “ăn ngoài” thường xuyên hơn. Đặc biệt là đối với những gia đình trẻ.

“Trong bữa ăn, vợ chồng tôi giữ theo truyền thống là dọn mâm cơm riêng cho má; nhưng má tôi không chịu mà muốn ăn chung với con cháu cho vui. Tuy ăn cùng mâm cơm, nhưng vợ tôi cũng phải múc từng món riêng ra cho má”- anh Thạch Chiến chân tình chia sẻ.
“Trong bữa ăn, vợ chồng tôi giữ theo truyền thống là dọn mâm cơm riêng cho má; nhưng má tôi không chịu mà muốn ăn chung với con cháu cho vui. Tuy ăn cùng mâm cơm, nhưng vợ tôi cũng phải múc từng món riêng ra cho má”- anh Thạch Chiến chân tình chia sẻ.

Vợ chồng đều là cán bộ công chức, nên anh Nguyễn Văn Sang và chị Ngô Lâm Phụng Hiền có rất ít quỹ thời gian dành cho nấu nướng, song họ vẫn luôn coi trọng khoảng thời gian cả nhà cùng ngồi bên mâm cơm. Do đó, từ sáng sớm chị Hiền đã tranh thủ đi chợ mua thức ăn, để dành trưa hoặc chiều về chế biến. Thường ngày, thì nấu những món đơn giản nhưng cuối tuần chị Hiền sẽ chăm chút từng món ăn để chồng con ngon miệng. Anh Nguyễn Văn Sang có những chia sẻ đầy xúc động: “Ngày nay, do công việc bận rộn nên mọi người cũng thường hướng đến thức ăn chế biến sẵn. Thức ăn chế biến sẵn quả rất tiện lợi, nhưng cũng không thể nào so được với những món ăn mà tự tay người vợ hay người chồng bỏ cả công sức, tâm tư, tình cảm vào đó. Khi tôi đi vào nhà hàng, quán nhậu với món ăn rất ngon, nhưng tôi sẽ nói với bạn bè rằng: Món ăn ngon nhất đời tôi là những món ăn bà xã tôi nấu ở nhà”.

Anh Hưng cho biết: Vì ngay từ nhỏ mình đã được sự giáo dục của gia đình, nên vẫn giữ cái nếp đó là bất cứ lúc nào có thể tranh thủ thời gian là anh quay về với gia đình, với con cái, cùng ngồi với nhau bên mâm cơm cảm nhận được sự yêu thương và ấm áp biết bao.
Anh Hưng cho biết: Vì ngay từ nhỏ mình đã được sự giáo dục của gia đình, nên vẫn giữ cái nếp đó là bất cứ lúc nào có thể tranh thủ thời gian là anh quay về với gia đình, với con cái, cùng ngồi với nhau bên mâm cơm cảm nhận được sự yêu thương và ấm áp biết bao.

Anh Thạch Chiến thì rất chân tình cho biết: Ở nông thôn nên chúng tôi có bữa ăn dễ dàng hơn ở thành thị, đôi lúc chỉ cần lội xuống ao mương hái rau, bắt cá, tép về chế biến. Ngược lại, đối với gia đình anh Trần Thanh Tuấn và chị Bích Liên, cả hai người đều làm việc trong ngành công an; riêng anh ở đơn vị phòng cháy chữa cháy nên công tác trực chiến thường xuyên, mọi việc gia đình phần lớn vợ anh gánh vác. Nhưng khi có thời gian là “tôi lăn vào bếp”- anh Tuấn nói vui. Theo anh, thời đại ngày nay chúng ta không còn khái niệm chuyện bếp núc là của phụ nữ, mà ai có thời gian về nhà trước thì cố gắng tranh thủ làm bếp, để gia đình thường xuyên có bữa cơm chung. Điều này rất quan trọng đối với hạnh phúc gia đình.

Làm kinh doanh nên công việc luôn bận rộn và có nhiều khách tiệc tùng, nhưng anh Hưng rất coi trọng bữa cơm nhà. Anh cho biết, vì ngay từ nhỏ mình đã được sự giáo dục của gia đình, nên vẫn giữ cái nếp đó là bất cứ lúc nào có thể tranh thủ thời gian là anh quay về với bữa cơm gia đình.

Cho dù xã hội có “công nghiệp hóa”, dù ai đó có làm nghề gì đi nữa, có bận rộn thế nào đi chăng nữa, thì không thể nào “từ bỏ” những bữa cơm gia đình. Đó là nơi gắn kết và san sẻ tình cảm của những thành viên trong gia đình. Đó cũng là nơi làm cho mọi người chúng ta, mỗi khi đi đâu cũng đều muốn quay nhanh về nhà, vì ở đó có những người thân yêu đang đợi chờ mình bên mâm cơm đầy ắp tình cảm yêu thương.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG