Diễn đàn

Chủ quyền dân tộc

Cập nhật, 12:57, Thứ Tư, 27/08/2014 (GMT+7)

Hơn bốn mươi năm rồi mà tôi vẫn nhớ mãi hình dáng thầy tôi mái tóc bạc phơ đọc sang sảng bài hịch “Nam quốc sơn hà” trong đó có câu “… Nam quốc sơn hà Nam đế cư…” hay đoạn “… Như nước Đại Việt ta từ trước, vốn xưng nền văn hiến đã lâu…” trong hịch “Bình Ngô đại cáo ”.

Sau giải phóng, lũ học trò trường làng chúng tôi đã thuộc vanh vách Bản Tuyên ngôn độc lập do Bác Hồ đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử với niềm kiêu hãnh vô biên, thuộc làu làu khái niệm nước ta hình chữ S trải dài từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau, thấm vào lòng lịch sử dòng giống con Rồng cháu Tiên.

Tự hào lắm về một dân tộc Việt Nam thủy chung, nhân hậu, nhưng cũng biết hy sinh để giữ lấy hồn thiêng sông núi, giữ lấy chủ quyền dân tộc.

Tôi chợt giật mình khi bắt gặp xung quanh mình có nhiều học sinh các cấp học, một số cán bộ, công nhân viên chức không biết Trường Sa, Hoàng Sa thuộc tỉnh nào của ta.

Chợt lo, trước đây một công ty lớn ở Cần Thơ in bản đồ Việt Nam trên hàng chục ngàn quyển tập nhưng không có hình ảnh đảo Trường Sa, Hoàng Sa nay lại xuất hiện 2 quyển sách dành cho thiếu nhi mang tên “Phát triển trí thông minh toàn diện cho trẻ” và “Bé làm quen với chữ cái” in cờ Trung Quốc trong sách.

Rồi chuyện lồng đèn Trung Quốc in chữ “Tam Sa” treo ở Hội An (Quảng Nam). Chưa dừng lại ở đó lại đến chuyện Vi Sa có in hình đường lưỡi bò; một quán ăn ở miền Trung từ chối tiếp khách Việt Nam; một gian hàng trưng bày hàng Việt Nam tại Đức “vô tình” quảng bá một điểm du lịch của Trung Quốc. Tất cả xâu chuỗi lại hình thành một bức tường thách thức về chủ quyền dân tộc Việt Nam.

Không lo làm sao được khi dân ta không biết sử ta, mù tịt về những cuộc chiến tranh vĩ đại để giữ lấy chủ quyền dân tộc của Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung, Bác Hồ kính yêu…

Không lo làm sao được khi phương tiện thông tin đại chúng hiện đại, tinh xảo đang đánh phá ta về mặt tư tưởng, nhất là trong giới trẻ hiện nay. Phim ảnh kể về lịch sử Trung Hoa cứ nhan nhản trên truyền hình Việt trong khi phim lịch sử của ta chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hàng hóa độc hại Trung Hoa ồ ạt xâm lược thị trường của ta trong sự bất lực của các cơ quan chức năng.

Đáng lo ngại nhất theo đánh giá của các nhà chuyên môn là xu hướng chửi lại cội nguồn dân tộc của một số người đã manh nha hình thành và đang phát triển rất nguy hiểm.

Trong khi đó những họng súng đen ngòm, những tàu chiến xâm lăng phương Bắc đang hướng về biển đảo thân yêu của chúng ta. Thành phố “bá quyền” Tam Sa được dựng lên như một sự thách thức lẫn đe dọa trắng trợn chủ quyền dân tộc Việt Nam.

Người lớn đùn đẩy nhau về bổn phận với nhiều nguyên nhân như: vô ý, thiếu kiểm tra, phối hợp chưa đồng bộ, thậm chí phán tội, lên lớp trẻ bây giờ với nhiều ngôn từ, nhiều nguyên nhân nhưng có mấy ai thực tâm nhận lấy trách nhiệm về mình. Hệ lụy đi kèm là việc xử lý vi phạm xem ra đang trong tình trạng giơ tay đánh khẽ, thiếu tính thuyết phục làm dư luận bức xúc có, lo lắng có.

Đắng lòng lắm khi chính ta lại tự quên chủ quyền dân tộc mình bằng sự thờ ơ, tắc trách, vô tâm; lãng quên quá khứ, cam phận với hiện tại.

SONG ANH