Diễn đàn

Văn hóa vỗ tay

Cập nhật, 07:57, Thứ Tư, 30/07/2014 (GMT+7)

Hiện nay hầu như khi đi dự các buổi lễ hay xem các chương trình văn hóa, văn nghệ, ở những phần chương trình cần tiếng vỗ tay tán thưởng, cổ vũ hay chào mừng thì dường như khán giả chẳng thèm vỗ tay hay chỉ nghe tiếng vỗ tay thưa thớt, rời rạc, khiến không khí những buổi lễ, buổi diễn chùng xuống.

Có thể nói những nghệ sĩ trên sân khấu phải đổ mồ hôi rồi cúi chào khán giả sau khi tiết mục của mình kết thúc vậy mà người xem quên cả vỗ tay cảm ơn.

Thật đáng buồn! Nhiều khi lời cảm ơn đâu cần phải nói thành lời mà chỉ cần một hành động rất đơn giản là vỗ tay khi diễn viên diễn xong một vở kịch, ca sĩ biểu diễn xong một bài hát hay báo cáo viên vừa báo cáo xong một vấn đề, bài giảng của mình… Vì thế vỗ tay cũng được xem như là một nét văn hóa bộc lộ mối quan hệ giao tiếp giữa những người có văn hóa với nhau.

Nhưng, giờ đây vỗ tay- một hành động cảm ơn đẹp- có vẻ như bị lãng quên trước sự vô tâm, xem nhẹ của khán giả, người tham dự. Nhiều người hầu như không có thói quen vỗ tay thế nên khi người bên cạnh nhắc vỗ tay là dường như cái việc ấy được làm một cách ngại ngùng, gượng ép.

Có nhiều người thì cho rằng khán giả đông như thế, mình không vỗ tay thì có nhằm nhò gì. Không hiểu sao việc bày tỏ sự cảm ơn của mình lại ỉ lại và trông chờ vào người khác như thế? Như thế không hiểu có còn gọi là cảm ơn thật lòng nữa hay không?

Chúng ta cần biết rằng khi ngồi trên hàng ghế dưới sân khấu xem biểu diễn hay lắng nghe một vấn đề là khoảng thời gian thư giãn, tiếp nhận thông tin nhưng đối với nghệ sĩ, báo cáo viên thì đó chính là lúc họ phải làm việc nghiêm túc nhất- thậm chí là mất nhiều công sức nhất.

Vì thế chỉ mong sao mỗi khán giả, người tham dự hãy biết cách cảm ơn họ đã mang lại cho mình những giây phút nghỉ ngơi thoải mái hay những điều thật bổ ích bằng những tràng pháo tay. Điều đó có khó khăn hay nặng nhọc gì đâu?

VĂN THY HOÀNG