Diễn đàn

Xây dựng các đài tưởng niệm những liệt sĩ hy sinh bảo vệ biên giới phía Bắc

Cập nhật, 07:29, Thứ Ba, 29/07/2014 (GMT+7)

Ngày nay, tháng 7 hàng năm là tháng cao điểm cho hoạt động ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ hy sinh trong các cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc, cũng là thời gian kiểm điểm lại các mặt công tác đền ơn đáp nghĩa cho các gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, các người có công với cách mạng của đảng bộ và chính quyền các địa phương…

Là người Việt Nam, ai cũng tự hào về lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc mình: Trước những kẻ thù xâm lược hùng mạnh đến từ biên giới phía Bắc hay đến từ phía biển trong các thế kỷ XIX và XX, nhân dân ta không hề nao núng đoàn kết chiến đấu chẳng tiếc máu xương bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc và đều chiến thắng vẻ vang...

Tuy nhiên, lâu nay không như cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam Bộ sau ngày đất nước thống nhất, vì nhiều lý do khác nhau mà các cuộc chiến tranh ngắn bảo vệ biên giới phía Bắc trước hành động xâm lược của quân Trung Quốc vào các năm 1979, 1984 và 1988 (Trung Quốc chiếm bãi đá Gạc Ma) chưa được nhắc đến nhiều khiến nhiều người băn khoăn, nhất là khi Trung Quốc đưa giàn khoan Hải Dương- 981 xâm lấn vào vùng biển của ta gây hấn vào tháng 5/2014, bộc lộ ngày càng rõ ý đồ bành trướng của họ.

Tại những thời điểm đó, quân đội ta kiên cường cùng người dân bám trụ chiến đấu tạo thành các “lá chắn thép” nơi địa đầu phía Bắc của Tổ quốc để chặn đứng bước xâm lấn của quân thù và trừng trị các tội ác của chúng.

Hình ảnh các chiến sĩ của Sư đoàn 356, khi vào các trận đánh chiếm lại các cao điểm thuộc xã Thanh Thủy (Vị Xuyên- Hà Giang) tháng 7/1984 trên báng súng có khắc lời thề “Giặc này phải đánh, không thắng không về” và họ đã “Sống  bám đá, chết hóa đá, thành bất tử” đã nói lên điều đó. Cả chục ngàn người trong số họ đã ngã xuống, có người đến nay chưa tìm được hài cốt. Họ được Tổ quốc ghi công, toàn dân biết ơn, đáng được suy tôn bằng các đài tưởng niệm cụ thể và trong lòng mọi người.

Ngày 14/7 vừa qua, có cuộc gặp cảm động tại Phủ Chủ tịch giữa Chủ tịch nước Trương Tấn Sang và 80 cựu chiến binh Sư đoàn 356- đơn vị lập nhiều chiến công trong bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1984 tại tỉnh Hà Giang- các cựu chiến binh đã có một số kiến nghị với Chủ tịch nước, trong đó có kiến nghị về việc xây dựng một tượng đài để vinh danh chung những liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh chống quân Trung Quốc xâm lược vừa qua ở biên giới phía Bắc được Chủ tịch nước đồng ý.

Vấn đề này đã được Bộ trưởng Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền nói rõ trong cuộc trao đổi với giới báo chí mới đây, theo đó sẽ bàn với Bộ Quốc phòng để cụ thể hóa, nếu quy mô vừa phải sẽ do bộ quyết định, còn nếu quy mô ở tầm quốc gia sẽ xin ý kiến Chính phủ.

Trước các ý đồ và hành động bành trướng của Trung Quốc được dần dần thể hiện từng bước với các nước chung quanh, đặc biệt là với các nước láng giềng nhỏ như Việt Nam, theo thiển nghĩ của người viết việc xây dựng các đài tưởng niệm, kể cả một khu tưởng niệm với quy mô cấp quốc gia (như ý tưởng xây dựng Khu tưởng niệm chiến sĩ Gạc Ma quy mô 20ha tại Khu du lịch bán đảo Cam Ranh của tỉnh Khánh Hòa) ở những nơi đã diễn ra các cuộc chiến đấu ác liệt là cần thiết.

Bởi lẽ, ngoài ý nghĩa ghi nhớ công lao của những anh hùng liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh vệ 
quốc đó, thực hiện đạo lý ngàn đời của dân tộc và của Đảng  ta “Uống nước nhớ nguồn…”, giáo dục lòng yêu nước cho thế hệ trẻ, các công trình này còn có tác dụng to lớn trong nhắc nhở mọi người, nhất là những người lãnh trách nhiệm trước nhân dân trong quản lý các mặt kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng… phải noi gương các liệt sĩ nâng cao ý thức phục vụ nhân dân, phục vụ đất nước và thật cảnh giác trước mọi âm mưu của kẻ thù xâm lược, không mơ hồ với những lời nói trên đầu lưỡi của họ.

Trên thực tế đến nay cho thấy, sự cảnh giác này không bao giờ thừa tại một số địa phương trên cả nước qua các biểu hiện trong việc cho thuê đất, thuê rừng; cho các công trình xây dựng cơ bản có lao động phổ thông Trung Quốc vào làm việc với số lượng lớn trong khi người dân địa phương thiếu việc làm; nhiều công trình xây dựng cơ bản do Trung Quốc trúng thầu bị kéo dài;…

Gần đây, qua trang báo và chương trình truyền hình hình ảnh những nhà tưởng niệm tuy đơn sơ nhưng đầm ấm tấm lòng của người dân vùng biên đối với các liệt sĩ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc vừa qua- những người sẵn sàng hy sinh mạng sống của mình trong thời bình cho sự bình yên của đất nước- chúng ta càng hiểu rõ hơn lời nhắc nhở của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong cuộc họp chuyên đề về công tác xây dựng pháp luật của Chính phủ ngày 16/7/2014: “Bảo vệ chủ quyền là nhiệm vụ thiêng liêng đòi hỏi chúng ta phải thường xuyên, liên tục chủ động và kiên quyết đấu tranh với mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.

Hồng Vân