Diễn đàn

Cảm ơn và xin lỗi

Cập nhật, 12:48, Thứ Sáu, 29/08/2014 (GMT+7)

Tôi nhớ ngay từ lúc còn nhỏ, mỗi lần nhận một chút quà bánh từ bất kỳ ai, tôi đều phải nói “cảm ơn”. Đó là bài học đạo đức đầu tiên mà tôi học được trong gia đình. Đến khi bắt đầu đi học lại được thầy cô dạy thêm từ “xin lỗi”. Tiếng “cảm ơn” thốt ra làm người nói và người nghe đều vui. Đó là thứ đạo đức căn bản.

Có những gia đình coi trọng việc giáo dục con, cha mẹ vẫn nói tiếng “cảm ơn” con mình như một tấm gương soi. Và đã từ lâu, lời “cảm ơn” đã trở thành một thứ văn hóa ứng xử. Từ “xin lỗi” cũng vậy, khi làm việc gì tổn thương đến người khác (dĩ nhiên là cái tổn thương không cố ý), ta “xin lỗi”.

Lỡ chạm vào một người đi gần, lỡ đánh rơi một vật gì của người khác, hay con em mình có thái độ không tôn trọng người lớn… và… chúng ta đều “xin lỗi”. Trước ngày giải phóng, có một người nước ngoài khi tới Việt Nam đã thích thú trước hai cặp từ “cảm ơn” và “xin lỗi” mà người Việt Nam ta rất hay dùng.

Từ nhiều năm trở lại đây, theo đà tiến của nhân loại, bộ mặt xã hội cũng thay đổi nhiều. Giới trẻ đã là niềm tin là hy vọng của đất nước. Người ta kỳ vọng nhiều vào giới trẻ ở mọi lĩnh vực nhưng có một khía cạnh tế nhị trong đời sống lại không được quan tâm.

Nền tảng đạo đức tuy không đến nỗi sụp đổ như một số người đã báo động nhưng rõ ràng đã mờ nhạt đi. Tiếng “cảm ơn” đã thưa thớt dần. Hình như người ta không biết đến nó hay cố quên đi. Tôi đã từng chứng kiến nhiều trường hợp người hỏi thăm đường, hỏi thăm nhà không cần “cảm ơn”.

Người đánh rơi đồ vật được người đi đường lượm giúp cũng không cần “cảm ơn” mà trong số đó, đâu ít trường hợp là sinh viên- học sinh hay một vài viên chức nhà nước. Từ “xin lỗi” cũng cùng chung số phận.

Người ta đã ít dùng đến nó. Người ta không muốn nhận lỗi, cho dù họ đã làm tổn thương đến người khác. Chuyện nhỏ đã đành, chuyện lớn cũng vậy. Và trong đời sống, dần dần có một bộ phận khá đông người đã không hề biết đến hai cặp từ “cảm ơn” và “xin lỗi”.

Phải chi người ta ít quan tâm đến việc kiếm tiền hơn, ít chạy đua với công việc hơn và trong mỗi gia đình, các bậc làm cha mẹ biết quan tâm tới con em mình một chút, chắc chắn chúng ta sẽ không phải lo ngại trước sự “bốc hơi” đạo đức trong một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên thời nay.

NGÔ NGUYÊN