Đẩy mạnh giáo dục nghề nghiệp- điều kiện tham gia thị trường lao động

Cập nhật, 07:51, Thứ Ba, 23/05/2023 (GMT+7)

 

 Người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm kết hợp “cà phê việc làm”.
Người lao động tham gia phiên giao dịch việc làm kết hợp “cà phê việc làm”.

Công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp (GDNN) được các cơ sở đào tạo, cơ sở GDNN rà soát, tăng cường... Ở đó trước tiên, để học sinh, sinh viên, người lao động có điều kiện trang bị nghề nghiệp, tìm việc làm, tham gia thị trường lao động.

Gần 5 tháng qua, các cơ sở đào tạo, cơ sở GDNN trong tỉnh đã tuyển sinh GDNN được 12.226 người (chỉ tiêu năm nay là 35.000 người). Cùng các trình độ đào tạo CĐ, trung cấp, sơ cấp, công tác đào tạo dưới 3 tháng và đào tạo thường xuyên chiếm đa số trong số trên, với 11.634 người. Kết quả này đến nay góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo của tỉnh đạt 61,95%, trong đó 21,62% lao động qua đào tạo có bằng cấp chứng chỉ.

Đầu tháng 5/2023, Sở Lao động-TB-XH tổ chức Ngày hội Việc làm- GDNN tỉnh Vĩnh Long năm 2023, thu hút hơn 40 cơ sở đào tạo, cơ sở GDNN, công ty, doanh nghiệp tuyển dụng trong ngoài tỉnh cùng hơn 1.000 học sinh, sinh viên, người lao động tham dự. Tại đây, các cơ sở và đơn vị đã tư vấn GDNN cho 849 người và thu thập được 300 phiếu đăng ký tìm việc làm.

Kết quả này phản ánh việc định hình về nghề nghiệp của các bạn từ còn trên ghế nhà trường (học sinh THPT, sinh viên ĐH, CĐ) đã khá rõ ràng cũng như nhu cầu tìm việc làm thường xuyên của lao động, cả thị trường trong và ngoài nước. Trịnh Thái Nguyên (SN 2000, quê xã Bình Phước, huyện Mang Thít) đến với ngày hội tìm hiểu thông tin xuất khẩu lao động Hàn Quốc và “sẽ theo đuổi mục tiêu này” là một trong các trường hợp minh chứng nhu cầu như vậy.

Tại Mang Thít, đầu năm đến nay, Phòng Lao động-TB-XH phối hợp trung tâm GDNN- giáo dục thường xuyên và các xã, thị trấn tổ chức được 15 lớp đào tạo nghề (6 lớp xây dựng dân dụng, 5 lớp tiểu thủ công nghiệp, 4 lớp sinh vật cảnh) cho 270 học viên lao động nông thôn. Công tác này ở các địa phương triển khai tương tự.

Trên toàn tỉnh, Sở Lao động-TB-XH cho biết, gần 5 tháng qua các đơn vị chức năng và các địa phương đã tổ chức 72 lớp hỗ trợ đào tạo nghề cho 1.740 người lao động (kế hoạch năm nay là 5.000 người). Qua các lớp này, giúp người lao động nâng cao tay nghề, tăng thêm thu nhập, góp phần giảm nghèo bền vững; đồng thời góp phần đáp ứng yêu cầu cung ứng nguồn lao động có kỹ năng nghề cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất
kinh doanh.

Đánh giá bước đầu công tác này, ông Trần Văn Khái- Giám đốc Sở Lao động-TB-XH, cho rằng nhiều hoạt động tư vấn định hướng nghề nghiệp; các cơ sở GDNN trên địa bàn đã tích cực triển khai tuyên truyền, tổ chức mở lớp đào tạo nghề cho người lao động năm 2023. Theo sở, công tác GDNN tiếp tục được các cơ sở đào tạo, GDNN rà soát, đẩy mạnh... hướng tới đạt kế hoạch chỉ tiêu này năm nay.

Ở đó trước tiên, để học sinh, sinh viên, người lao động có điều kiện trang bị nghề nghiệp, tìm việc làm, tự tạo việc làm, tham gia thị trường lao động. Như nam sinh viên Trần Tấn Lộc, đang học ngành Điện- Điện tử Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long, đến dự ngày hội việc làm hôm 6-7/5 cùng bạn, cho biết thấy hào hứng khi có nhiều công ty tuyển dụng lao động tham dự.

“Em đang tìm một doanh nghiệp phù hợp với ngành học của mình, tìm hiểu thông tin điều kiện để sau khi ra trường có thể xin một việc làm ổn định”- nam sinh viên học năm thứ 3 nói.

Báo cáo công tác lao động việc làm 5 tháng qua, ngành chức năng cho biết toàn tỉnh đã giải quyết việc làm mới cho gần 11.000 lao động, trong đó gần 700 người đi xuất khẩu lao động. Ở chính sách bảo hiểm thất nghiệp, cơ quan có thẩm quyền đã ban hành quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp cho trên 4.900 người, hỗ trợ học nghề cho 739 người lao động thất nghiệp.

Bài, ảnh: MINH THÁI