"Tìm thấy nhau" trong tuyển dụng- tìm kiếm việc làm

Cập nhật, 12:09, Thứ Ba, 15/02/2022 (GMT+7)

 

Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời được tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề.
Người lao động làm thủ tục hưởng bảo hiểm thất nghiệp, đồng thời được tư vấn giới thiệu việc làm, hỗ trợ học nghề.

(VLO) Nhu cầu tuyển dụng lao động của doanh nghiệp trong năm 2022 sẽ tăng, sự dịch chuyển lao động giữa các địa phương để đáp ứng yêu cầu sản xuất, tìm kiếm việc làm... được dự báo là một trong các điểm mới của thị trường lao động, việc làm năm nay.

Vừa sau Tết Nguyên đán Nhâm Dần, ngày 8/2, bạn Nguyễn Quốc Duy (ngụ xã Thanh Bình- Vũng Liêm) chạy xe máy lên Đồng Nai để chuẩn bị vào làm tại một công ty lĩnh vực điện tử.

Đã có 4 năm kinh nghiệm làm việc ở đây, sau thời gian tạm nghỉ việc về quê do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nay khi thị trường lao động đang dần phục hồi, nam công nhân 24 tuổi quay lại công việc cũ khi nhu cầu cần nguồn nhân lực và cũng để tích lũy thêm cho mình “vài năm nữa em lập gia đình”.

Chị Bích Ngọc (42 tuổi) làm nghề may gia công cho một cơ sở tại TP Hồ Chí Minh nhiều năm nay. Ảnh hưởng dịch COVID-19 năm ngoái khiến chị tạm ngưng việc và ở nhà. Nhưng lúc gần Tết chị đã quay lại công việc khi cơ sở may cần đáp ứng thị trường tiêu dùng cuối năm. Hôm 12/2, chị cũng đã quay lại thành phố để tiếp tục công việc.

Hiện tại nhiều lao động cần công việc để có thu nhập, ổn định đời sống sau tác động của dịch COVID-19 và trong bối cảnh thị trường lao động, việc làm đã dần phục hồi, ổn định.

Thực hiện vai trò kết nối việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động đến được với nhau, năm 2021, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh Vĩnh Long đã kết nối 710 doanh nghiệp với nhu cầu tuyển dụng gần 44.700 lao động; có gần 13.000 lao động có nhu cầu tìm kiếm việc làm và qua đó đã giới thiệu việc làm cho gần 2.800 người.

Nhu cầu tuyển dụng cao và nhu cầu tìm việc nhiều. Qua thu thập thông tin, phân tích, dự báo thị trường lao động năm nay, cho thấy có nhiều chuyển biến tích cực.

Sau Tết, nhu cầu tuyển dụng cao, nhu cầu tìm việc nhiều, qua đó dịch chuyển lao động cũng tăng.
Sau Tết, nhu cầu tuyển dụng cao, nhu cầu tìm việc nhiều, qua đó dịch chuyển lao động cũng tăng.

Ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến cho việc làm, thị trường lao động gặp khó nhưng đồng thời tạo ra nhận thức mới, xu hướng dịch chuyển trong thị hiếu tiêu dùng, giao dịch thương mại...

Xu hướng này cũng chính là cơ hội để các doanh nghiệp có thể tận dụng để tái cơ cấu sản xuất, hình thành các chuỗi giá trị mới, phát triển trong tình hình mới.

Tổng hợp đến giữa tháng 1/2022, thông qua kết nối cung cầu lao động, Trung tâm Dịch vụ việc làm cho biết có 734 doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng với nhu cầu tuyển hơn 49.000 lao động; trên 13.200 lao động đăng ký tư vấn tìm việc làm (gồm doanh nghiệp có nhu cầu tuyển từ cuối năm 2021 và doanh nghiệp đăng ký tuyển dụng mới năm 2022). Trong tháng đầu năm, đơn vị đã kết nối giới thiệu việc làm cho 120 lao động.

Theo dự báo, trong năm 2022, sự dịch chuyển lao động giữa các địa phương và lao động vào tỉnh sẽ tăng, cộng với lực lượng lao động tiếp tục được bổ sung là sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng. Hình thức tuyển dụng lao động trực tuyến phát triển mạnh, đồng thời chính sách tuyển dụng và sử dụng lao động linh hoạt.

Tuy nhiên, dự báo tình trạng mất cân đối cung cầu lao động còn tiếp tục diễn ra, nguồn cung lao động chưa đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp, vì vậy sẽ có cạnh tranh trong chính sách tuyển dụng lao động.

Dự báo đề xuất doanh nghiệp cần có chế độ chính sách thu hút, giữ chân người lao động, chú trọng tạo việc làm bền vững cho người lao động. Đây là một trong các giải pháp hữu hiệu nhằm ổn định và phát triển sản xuất của doanh nghiệp.

Với nam công nhân Quốc Duy quay lại công ty khi nhu cầu nhân lực cần. Với chị Hồng Ngọc là kinh nghiệm làm việc và sự gắn bó với cơ sở may mặc nhiều năm. Đó chính là sự hỗ trợ, “tìm thấy nhau” giữa nhu cầu tuyển dụng và tìm việc làm, góp phần ổn định thị trường lao động.

Kế hoạch năm 2022, Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh sẽ đẩy mạnh tổ chức các phiên giao dịch việc làm, dự kiến tổ chức 30 hoạt động giao dịch việc làm gồm: 1 ngày hội việc làm, 12 phiên định kỳ, 12 phiên trực tuyến, 4 phiên lưu động và 1 phiên chuyên đề. Qua đây thu hút nhiều công ty, doanh nghiệp và người lao động tham gia, nhằm kết nối các đơn vị tuyển dụng với người lao động có nhu cầu tìm việc.

Bài, ảnh: MINH THÁI

Các tin khác: