Tạo việc làm thời dịch COVID-19

Cập nhật, 22:35, Thứ Tư, 16/06/2021 (GMT+7)

Đưa nguyên vật liệu của sản phẩm ghế, bàn xuống xã, ấp cho 5-7 hoặc hơn chục người lao động vừa học vừa làm... là cách vừa đem nghề về xóm làng, tuân thủ biện pháp phòng chống dịch bệnh, góp phần ổn định công việc, đời sống.

Công tác tạo việc làm được triển khai trong điều kiện đảm bảo nghiêm biện pháp phòng dịch bệnh.
Công tác tạo việc làm được triển khai trong điều kiện đảm bảo nghiêm biện pháp phòng dịch bệnh.

Hôm chủ nhật 13/6, lớp đan gia công khung ghế tại Ấp 8 (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) đã bắt đầu được triển khai. Có 8 chị em, cô dì là lao động nông nhàn, ở nhà chăm con giữ cháu hoặc đã nghỉ việc tại công ty tham gia học.

Chị Lê Thị Kim Thảo (44 tuổi) đến lớp học này qua Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mỹ Lộc và Chi hội Phụ nữ Ấp 8. Nhà chị làm ruộng. Trước chị làm công ty ở Khu công nghiệp Hòa Phú. Ảnh hưởng dịch bệnh cộng việc có con nhỏ, chị nghỉ làm công ty, về chăm con phụ ông xã lo đồng áng.

Chị Thảo kể trước có đan dây nhựa tròn gia công nên giờ khi đan khung ghế thì “nhìn qua là biết làm liền”. Giữa các việc nhàn rỗi này và thời điểm làm công nhân may được 13 năm trước đó, chị có mua máy may, máy khâu về nhà gia công sau giờ làm tại công ty. “Con COVID-19” đã khiến nhu cầu cũng như đơn hàng chững lại, chị gác việc may tại nhà. “Tạm nghỉ đã 3 tháng nay rồi, nay đăng ký học và bắt tay vào việc đan đát này để góp thêm một ít thu nhập nuôi con cái và chi tiêu đời sống”- chị Thảo nói như vậy.

Cô Nguyễn Thị Đào (56 tuổi) ngụ cùng ấp với chị Thảo và quanh quẩn làm việc lặt vặt ở nhà, cũng tham gia công việc đan đát trên. “Đươn (đan) “long mốt” cũng dễ, nhìn qua sơ sơ thấy... làm được rồi, vừa làm vừa coi thêm chị em có hoa tay”– cô Đào bày tỏ.

Lớp đan đát này do Cơ sở Cai nghiện ma túy tỉnh Vĩnh Long (trực thuộc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội) phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp ở huyện Tam Bình mở cho người lao động ở nông thôn trong lúc bị ảnh hưởng chung của dịch COVID-19. Đầu tháng 5 đến nay, các lớp tương tự như vậy đã được mở ở các xã Lục Sĩ Thành, Hòa Bình, Tích Thiện (Trà Ôn); Ngãi Tứ, Long Phú, Tường Lộc, Mỹ Lộc (Tam Bình) cho những chị em, cô dì lao động nông thôn nhàn rỗi như trên.

Ông Võ Văn Chiến- Trưởng Phòng Quản lý học viên thuộc Cơ sở Cai nghiện ma túy- cho biết cơ sở nhận đơn hàng và tùy mỗi địa điểm mà cung cấp nguyên vật liệu cho người lao động học và làm theo nhu cầu. Thường trên sản phẩm, công đoạn đầu cần máy móc thì do học viên ở cơ sở cai nghiện làm, xong đưa đến các xã và xuống ấp để chị em gia công tiếp; xong thu về cơ sở hoàn thành công đoạn cuối để thành phẩm giao cho công ty.

Ông Chiến cho hay, chủ yếu là đan đát các sản phẩm khung ghế, bàn bằng dây nhựa. Vật liệu này dễ vận chuyển xuống địa phương, chi phí thấp và để ra được giá thành cao hơn cho người gia công. Rồi tùy nhu cầu và khả năng của người gia công, khi thành thạo việc mức thu nhập bình quân không dưới 50.000 đ/người/ngày.

Chị Lê Thị Phong Lan-Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Mỹ Lộc- cho hay: Hiện tại, hội phối hợp tổ chức 3 điểm dạy học nghề đan này tại Ấp 8, Ấp 9 Mỹ Tân với dự trù khoảng 60 lao động là chị em, cô dì ở nhà nội trợ, giữ con chăm cháu. Chia sẻ thêm, chị Lan nói ảnh hưởng chung của dịch bệnh, khá nhiều chị em phụ nữ lo lắng, ở góc độ hội sẽ vận động tuyên truyền vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh vừa để các chị em yên tâm đến học nghề, có công ăn việc làm. Như đã từng tổ chức trước đây, công việc quen thuộc này góp phần giải quyết việc làm thời vụ, góp phần tăng thêm thu nhập, chăm lo cuộc sống của người dân nông thôn.

Theo Cơ sở Cai nghiện ma túy, hoạt động này tiếp tục được phối hợp mở rộng ở nông thôn trong hướng tới, theo nhu cầu của người lao động và điều kiện của các địa bàn. Ngoài việc tạo được việc làm, thu nhập cho chị em hội viên phụ nữ, hoạt động còn gắn với công tác hỗ trợ việc làm cho người nghiện sau khi được quản lý, điều trị cai nghiện hiệu quả và tái hòa nhập cộng đồng.

Bài, ảnh: MINH THÁI

 

 

Tags: COVID-19
Các tin khác: