Khẳng định tính Đảng trong hoạt động văn học nghệ thuật

Cập nhật, 12:53, Chủ Nhật, 09/04/2023 (GMT+7)
Vĩnh Long đã làm tốt công tác giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống hát bộ trong nhiều năm qua.
Vĩnh Long đã làm tốt công tác giữ gìn và phát huy bộ môn nghệ thuật truyền thống hát bộ trong nhiều năm qua.

(VLO) Tổng kết 15 năm công tác triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị, về “tiếp tục xây dựng và phát triển văn học, nghệ thuật (VHNT) trong thời kỳ mới” là hội nghị có ý nghĩa vô cùng quan trọng vừa được Tỉnh ủy Vĩnh Long tổ chức. Báo cáo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã cho thấy bức tranh toàn diện, qua đó có những định hướng, dẫn đường cho hoạt động VHNT Vĩnh Long trong tình hình mới.

Chưa có những tác phẩm lớn xứng tầm

Những mặt hạn chế, yếu kém của VHNT Vĩnh Long chủ yếu là những vấn đề chung của cả nước, có những tác động lớn mang yếu tố thời đại, toàn cầu.

Sự bùng nổ của mạng xã hội, kỹ thuật số đã tạo nên sức ép lớn trước hết về lĩnh vực sáng tác, sáng tạo, biểu diễn và giữ gìn, phát huy những giá trị VHNT dân tộc, truyền thống.

Nhưng chính từ những khó khăn chung này, đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt của lãnh đạo tỉnh đối với VHNT và sự nỗ lực của văn nghệ sĩ Vĩnh Long trong giai đoạn 15 năm qua.

Trong đó, vấn đề quan điểm sáng tác, mục đích sáng tác, biểu diễn… trước hết và trên hết cần phải tuyệt đối bảo đảm tính Đảng được xem là sự định hướng, dẫn dắt cho mọi sự sáng tạo.

Đảng tôn trọng quyền tự do sáng tạo, nhưng mọi sự sáng tạo đều phải phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc, phục vụ nhân dân và không xâm hại đến thuần phong mỹ tục, những giá trị truyền thống.

Đây là vấn đề cốt lõi về mặt lý luận, cũng như điểm tựa cho thực tiễn sáng tác, sáng tạo của văn nghệ sĩ. Điều này, đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nêu trong báo cáo: “Trước thực tiễn lịch sử và thực tiễn mới của nghệ thuật, vấn đề tự do sáng tạo đang dần được nhận thức một cách đúng đắn, sâu sắc và khoa học hơn.

Việc sáng tạo VHNT của tỉnh được mở rộng, phát huy sáng tạo của văn nghệ sĩ nhưng không làm ảnh hưởng đến truyền thống văn hóa, thuần phong mỹ tục của quốc gia, dân tộc, không đi ngược lại chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Từ đó, mọi đóng góp sáng tạo, thể nghiệm, tìm tòi thông qua các tác phẩm VHNT của văn nghệ sĩ được tôn trọng, phát huy giá trị một cách hợp lý và hiệu quả.

Trong điều kiện sáng tạo VHNT, việc giới thiệu, quảng bá các tác phẩm luôn có sự kiểm duyệt nhằm vừa đảm bảo tính định hướng, tính chiến đấu, vừa tôn trọng tác giả về quyền công dân và tư cách của người nghệ sĩ trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng”.

Tuy nhiên, phải nhìn nhận một cách khách quan rằng trong 15 năm qua hầu hết trên các lĩnh vực VHNT Vĩnh Long chưa có những tác phẩm lớn, xứng đáng với nền VHNT đồ sộ của dân tộc và xứng tầm với vùng đất quê hương vốn được mệnh danh là “Địa linh nhân kiệt”.

Cũng có nhiều nguyên nhân khách quan, do chưa có sự đầu tư chiều sâu, dài hơi cho những hoạt động biểu diễn, đầu tư cho công tác đào tạo đội ngũ hoạt động chuyên nghiệp hay những đề án ươm mầm cho những tài năng trên các lĩnh vực.

Đây cũng là tình hình chung của cả nước, trước sự lấn át của quá nhiều loại hình giải trí tràn lan đến từ trong và ngoài nước, thị hiếu, nhu cầu hưởng thụ và gu thẩm mỹ của khán giả, độc giả cũng phần nhiều bị “nhiễu loạn”, nhất là trong giới trẻ, thanh thiếu niên. Giới tinh hoa sáng tạo VHNT cũng dần bị chìm khuất.

Điểm sáng của hoạt động VHNT quần chúng, phong trào

Không có những tác phẩm lớn xứng tầm, không xuất hiện những tài năng lớn, nhưng nhìn chung về nghệ thuật quần chúng, phong trào được Ban Thường vụ Tỉnh ủy đánh giá cao. Đặc biệt, công tác xây dựng và phát triển VHNT quần chúng.

Trước hết là thực trạng các hoạt động VHNT quần chúng; hiệu quả của các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị VHNT truyền thống của dân tộc.

Qua 15 năm, ngành văn hóa tổ chức biểu diễn nghệ thuật trên 150 chương trình mới, trên 2.000 buổi phục vụ các nhiệm vụ chính trị, các sự kiện văn hóa lớn của tỉnh và của đất nước; tổ chức trên 60 cuộc liên hoan, hội thi, hội diễn cấp tỉnh...

Các hoạt động nhằm góp phần phát huy những giá trị văn hóa dân gian, dân tộc thiểu số như liên hoan đờn ca tài tử, liên hoan đờn hát dân ca Nam Bộ, liên hoan nghệ thuật quần chúng đồng bào Khmer…

Ngoài ra, đã liên kết trên 300 cuộc với các cơ quan, đoàn thể, cá nhân để tổ chức các chương trình, dịch vụ văn hóa- nghệ thuật; tham dự các cuộc hội thi, hội diễn, liên hoan cấp tỉnh, khu vực và toàn quốc...

Hoạt động các CLB văn nghệ quần chúng, Trung tâm Văn hóa nghệ thuật tỉnh có hơn 10 CLB VHNT hoạt động, thu hút gần 400 hội viên.

Trong đó, các CLB hoạt động nổi bật, sôi nổi và mang tính văn nghệ quần chúng như: CLB đờn ca tài tử, nhóm nghệ thuật đường phố… Đặc biệt là các CLB vừa hoạt động tại chỗ, vừa hoạt động lưu động.

Việc tổ chức các CLB văn nghệ quần chúng nhằm phát huy sự sáng tạo, tính chủ động của công chúng trong tổ chức, quản lý và tham gia hoạt động; tạo môi trường học tập, trau dồi phát huy năng khiếu, đáp ứng nhu cầu và sở thích của công chúng.

Hiện nay, tỉnh có 157 CLB văn nghệ quần chúng cấp huyện với 351 hội viên, thường xuyên hoạt động phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương.

Đời sống kinh tế- xã hội của tỉnh phát triển, tạo nên diện mạo mới cho đất nước, quê hương, đó là điều kiện thuận lợi, chất liệu phong phú để người nghệ sĩ sáng tạo, nuôi dưỡng và cho ra đời những tác phẩm có giá trị, nâng cao chất lượng toàn diện hoạt động VHNT trong tình hình mới.

Nghị quyết số 23 của Bộ Chính trị tiếp tục là nền tảng quan trọng, có tính định hướng, dẫn đường cho văn nghệ sĩ tích cực sáng tạo, nêu cao ý thức lao động nghệ thuật để cống hiến nhiều hơn. Kỳ vọng nhiều tác phẩm ra đời, bám sát nhiệm vụ chính trị có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, góp phần xây dựng con người, phát triển xã hội.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG

Các tin khác: