Đau đầu giá phân bón

Cập nhật, 06:11, Thứ Năm, 26/08/2021 (GMT+7)

(VLO) Trong bối cảnh dịch COVID-19 đang phức tạp, làm đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng trên thế giới thì giá vật tư đầu vào của ngành nông nghiệp cũng không phải là ngoại lệ.

Gần đây nhất, giá mặt hàng phân bón đang tăng cao đã gây không ít khó khăn trong sản xuất của nông dân.

Tại cuộc họp mới đây giữa Bộ Nông nghiệp- PTNT với các tỉnh- thành trọng điểm về lúa gạo vùng ĐBSCL, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Trần Thanh Nam cho rằng, việc tiêu thụ lúa gạo vụ Hè Thu năm 2021 ở các tỉnh ĐBSCL gặp khó khi ách tắc ở một số khâu.

Dự báo, sản lượng lúa ở ĐBSCL từ nay đến cuối năm vẫn dồi dào, một số nước đang tiếp tục mua gạo để dự trữ và nhu cầu sẽ rất lớn trong thời gian tới.

Tuy nhiên, một trong những vấn đề đặt ra hiện nay là giá vật tư nông nghiệp tăng cao khiến giá đầu vào sản xuất đội lên gây khó khăn cho người dân khi bước vào mùa vụ.

“Phải chăng giãn cách xã hội, giao thông trắc trở thì tất cả cùng tăng giá? Giá cả tăng ào ào thì nông dân sao chịu nổi”- Thứ trưởng Trần Thanh Nam nêu khó khăn.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh An Giang, nhiều loại phân bón đã tăng giá bất thường trong thời gian qua, có thời điểm tăng giá hơn 50%. Trong khi đó, với giá lúa bán ra chỉ được khoảng từ 5.000- 5.300 đ/kg nên nông dân chỉ đạt lợi nhuận vài trăm đồng mỗi kg, không đảm bảo được lợi nhuận 30%.

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT TP Cần Thơ, chi phí sử dụng phân bón trong sản xuất lúa chiếm 22%, cây ăn trái và rau màu là 20- 30%.

Vì vậy, việc giá phân bón tăng từ 15- 45% tùy loại tác động lớn đến sản xuất nông nghiệp. Do phân bón là mặt hàng thuộc diện bình ổn giá, vì vậy cần có rà soát chuỗi cung ứng phân bón, xác định điểm đứt nghẽn, tác nhân đẩy giá phân bón tăng.

Trong bối cảnh vật tư nông nghiệp tăng cao, giá nông sản giảm, nông dân suy nghĩ, đắn đo có nên sản xuất tiếp hay không!

Nếu như các bộ, ngành, địa phương không đưa ra những giải pháp tiêu thụ lúa gạo phù hợp trong bối cảnh hiện nay, rất có thể sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu, vấn đề an ninh lương thực, sinh kế và đời sống của hàng triệu hộ nông dân khi nông sản chưa thể tìm đầu ra ổn định.

N. HOÀNG