Cần bổ sung quy định cấm sử dụng hóa chất độc hại tác động trực tiếp lên giống, cây trồng

Cập nhật, 19:55, Thứ Năm, 24/05/2018 (GMT+7)

Trong phiên thảo luận về dự án Luật Trồng trọt, đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Vĩnh Long có ý kiến đóng góp cho dự án luật này.

Đại biểu Lưu Thành Công- đơn vị tỉnh Vĩnh Long

Luu Thanh Cong.JPG
Luu Thanh Cong.JPG

Tôi tán thành việc chúng ta cần ban hành Luật Trồng trọt. Như chúng ta biết, trồng trọt có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế nước ta vì nó chiếm đến 71,5% GDP và trên 50% kim ngạch xuất khẩu của ngành nông nghiệp cả nước.

Việc ban hành luật lần này nhằm tạo hành lang pháp lý để phát triển lĩnh vực trồng trọt được tốt hơn, làm sao chúng ta có giống cây trồng chất lượng để cạnh tranh hiệu quả với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới.

Qua nghiên cứu dự thảo luật, tôi thấy khi luật đi vào cuộc sống thì đối tượng điều chỉnh tập trung chủ yếu là nông dân.

Do vậy, dự thảo luật cần phải ngắn gọn, sử dụng từ ngữ dễ hiểu, rõ ràng, tuy nhiên qua nghiên cứu thì tôi chưa thấy được điều đó vì còn nhiều cụm từ trong dự thảo luật còn khó hiểu.

Đi vào cụ thể, ở phần giải thích từ ngữ tôi thấy còn nhiều quá, khoảng 43 phần giải thích từ ngữ, điều tôi quan tâm là có những từ ngữ không cần giải thích như “trồng trọt”, “canh tác”, “phân bón”, “sản xuất phân bón”, “đóng gói phân bón”, “buôn bán giống”… tôi nghĩ những từ ngữ này nông dân nhiều khi còn rành hơn mình.

Ở Điều 8 đối với những hành vi bị cấm, luật quy định có 12 hành vi bị cấm theo tôi là khá bao quát. Tôi đề nghị thêm một hành vi cấm nữa là sử dụng hóa chất độc hại tác động trực tiếp lên giống, cây trồng không theo đúng quy trình bảo vệ thực vật, làm ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe con người.

Vấn đề này hiện nay diễn ra rất nhiều trên các loại trái cây, rau, củ, quả… làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ở Chương II về giống, cây trồng, tôi đề nghị cần có thêm quy định về xử phạt trong vi phạm về sử dụng giống cây trồng. Bởi vì, hiện nay rất nhiều trường hợp sử dụng giống cây trồng không qua khảo nghiệm, một số loại đã gây tổn hại rất lớn đến môi trường đất, môi trường tự nhiên…

Một vấn đề theo tôi hết sức quan trọng đối với quy định về trách nhiệm của UBND các cấp, nhiều cử tri rất mong muốn ban hành luật để tạo hành lang pháp lý nhằm hỗ trợ cho hoạt động trồng trọt của người dân.

Cụ thể cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của UBND về vai trò định hướng, quy hoạch đất, giống cây trồng, có kế hoạch thu mua, sơ chế, chế biến và tiêu thụ cho nông dân.

Như chúng ta biết, hiện nay việc quản lý hoạt động trồng trọt còn nhiều bất ổn, tình trạng trồng tự phát đã xuất hiện ở nhiều địa phương dẫn đến cung vượt cầu, giá cả bấp bênh khiến cho nhiều nông dân rơi vào hoàn cảnh khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang- đơn vị tỉnh Vĩnh Long

Nguyen Thi Minh Trang.jpg
Nguyen Thi Minh Trang.jpg

Qua nghiên cứu dự thảo luật, tôi thấy bố cục thiết kế các điều luật chưa cân đối, có những chương theo tôi rất quan trọng nhưng trình bày rất sơ sài và thiếu tính cụ thể.

Điển hình như Chương V quy định về thu hoạch, mua bán, bảo quản, sơ chế, chế biến, xuất khẩu, nhập khẩu sản phẩm trồng trọt…

Đây là vấn đề được cả xã hội quan tâm nhưng dự thảo luật chỉ gói gọn trong 5 điều (từ Điều 73- Điều 77) dài khoảng một trang.

Khi đọc chương này, tôi chưa thấy có đề cập đến việc Chính phủ sẽ quy định chi tiết để thực hiện các điều khoản nên rất băn khoăn, đề nghị ban soạn thảo cần quy định chi tiết hơn để dễ áp dụng trong thực tiễn.

Tôi rất phấn khởi khi dự thảo luật cho khảo nghiệm giống cây trồng trong biến đổi gien (Điều 13, Chương II).

Tôi cho rằng đây là một vấn đề mới và còn nhiều ý kiến khác nhau, do vậy cần quy định cụ thể, chặt chẽ, chi tiết hơn, đồng thời cần có thêm quy định khuyến khích các mô hình ứng dụng công nghệ cao.

Đối với quy định về giống cây trồng, trong thực tế sản xuất hiện nay, có những giống phù hợp với tất cả các vùng nhưng cũng có những giống chỉ phù hợp với vùng này nhưng không phù hợp với vùng khác hoặc có những giống phù hợp chỉ 1- 2 vụ…

Do đó, luật cần quy định các đơn vị sản xuất giống phải công khai thông tin này trên bao bì sản phẩm khi lưu hành trên thị trường.

Tôi cho rằng, nếu như có những quy định chặt chẽ về khảo nghiệm giống, về khâu lưu hành đối với giống cây trồng chính, kết hợp với những điểm mới quy định tại Chương IV hướng tới việc tuân thủ về quy hoạch vùng sản xuất, liên kết sản xuất, bảo vệ môi trường, bảo vệ hiệu quả các nguồn tài nguyên,

kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất… sẽ giúp công tác quản lý nhà nước về trồng trọt ngày càng tốt hơn. Đồng thời sẽ góp phần từng bước làm thưa dần cũng như chấm dứt “điệp khúc” trồng, chặt của người nông dân như thời gian qua.

TÂM- HUỲNH (ghi)