Ngày xuân nghe bạn trẻ nói chuyện khởi nghiệp

Cập nhật, 13:05, Thứ Năm, 15/02/2024 (GMT+7)
Dù hướng đi riêng nhưng các bạn trẻ ấy có điểm chung là nhạy bén, mạnh dạn dấn thân tìm kiếm cơ hội, chinh phục khó khăn trên con đường khởi nghiệp. Ngày xuân, nghe các bạn nói chuyện khởi nghiệp mới thấy rõ hơn sự quyết tâm, vươn lên khẳng định bản thân, phát triển kinh tế của tuổi trẻ hôm nay.

 

 Chị Phạm Thị Thùy Dương chia sẻ: Làm nghề gì cũng phải có đam mê,  không ngại khó thì mới mang lại hiệu quả được.
Chị Phạm Thị Thùy Dương chia sẻ: Làm nghề gì cũng phải có đam mê, không ngại khó thì mới mang lại hiệu quả được.
Những ngày cuối năm, chúng tôi ghé thăm mô hình nuôi ốc bươu đen của chị Phạm Thị Thùy Dương- Bí thư Chi đoàn khóm Tân Bình (phường Tân Hội, TP Vĩnh Long).
 
Tiếp chuyện với chúng tôi sau khi giao cho khách hàng hơn 10kg ốc thịt, chị cười tươi rói nói: Khách hàng chủ yếu là mối quen nên chỉ cần đặt hàng trên Zalo, Facebook hay “a lô” là mình “ship” đến tận nơi. 
 
Rót ly nước mát mời chúng tôi giải khát, chị bắt đầu kể về quá trình bén duyên với mô hình nuôi ốc bươu đen này. Trước đây, vì hoàn cảnh gia đình đơn chiếc lại khó khăn nên mới học xong năm nhất trung cấp kế toán, chị đành gác lại việc học rồi đi làm ở TP Hồ Chí Minh để có thêm kinh tế phụ gia đình.
 
Thế nhưng sau vài tháng “thấy không hợp” chị quyết định về quê khởi nghiệp bằng nguồn lực sẵn có. Xuất phát từ ao nuôi cá trước đây của gia đình không mang lại hiệu quả kinh tế, chị nảy sinh ý tưởng tận dụng để nuôi ốc bươu đen, vì “thấy ốc này lúc nào cũng có đầu ra”.
 
Với số vốn ban đầu 10 triệu đồng, chị ra chợ lựa mua những con ốc bươu đen to, khỏe. Từ 5kg đến 50kg rồi 100kg, chị thả hết xuống ao. “Tưởng vài tháng nó đẻ trứng, nở con lớn lên là mình bắt đem bán. Có ngờ đâu, ốc mua về bị sốc nước, sưng vòi hao hụt gần hết. Vậy là lỗ vốn”- chị kể.
 
Hiểu được vì sao mình thất bại, chị bắt đầu tham khảo cách nuôi ốc này trên mạng, vừa tìm đến học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước. Rồi chị qua trang trại nuôi ốc ở Đồng Tháp mua 5kg trứng ốc tiếp tục gây dựng lại mô hình. Chị chia sẻ: “Lần này thì chắc nịch vì trứng ốc nở ra con khỏe, cộng thêm mình tích lũy được kinh nghiệm nên hơn 4 tháng đã cho kết quả khả quan”. 
 
Đến nay, mỗi tháng mô hình cung cấp gần 150kg ốc thương phẩm, với giá dao động từ 45.000- 60.000 đ/kg. Bên cạnh, chị còn kết hợp với việc cho ấp trứng nở bán ốc giống và bán trứng ốc. Qua đó, cho thu nhập hơn trăm triệu đồng/năm. Chưa dừng lại ở đó, chị còn nắm bắt xu hướng kinh doanh online trà sữa, bánh, trái cây… với thu nhập hàng tháng mười mấy triệu đồng.
 
Với khát vọng vươn lên, chị đã đưa kinh tế gia đình ngày càng khấm khá. “Làm nghề gì cũng vậy, mình phải có đam mê, không ngại khó thì mới mang lại hiệu quả được. Dù mỗi ngày tất bật nhưng tôi thấy rất vui và cuộc sống thật ý nghĩa”- chị bộc bạch.
 
Trong ánh nắng ấm áp ngày xuân, chúng tôi tìm đến xã Bình Phước (Mang Thít) để gặp anh Võ Minh Tâm- Bí thư Chi đoàn ấp Phước Thượng. Đón chúng tôi là chàng thanh niên mến khách, có nụ cười thật tươi và giọng nói rất hiền.
Anh Võ Minh Tâm đã tìm hướng đi mới, phù hợp để phát triển kinh tế gia đình.
Anh Võ Minh Tâm đã tìm hướng đi mới, phù hợp để phát triển kinh tế gia đình.
Đưa chúng tôi tham quan mô hình nuôi dế của gia đình, anh cho biết: Cuối năm 2017, anh tốt nghiệp ĐH Luật, khi đó chuyện làm ăn của gia đình đang gặp khó. Tìm hướng đi mới để phát triển kinh tế, anh bấy giờ hình thành nhiều ý tưởng, mô hình nuôi con gì, trồng cây gì để cho hiệu quả kinh tế nhanh, bền vững. 
 
Qua tìm hiểu, anh quyết định khởi nghiệp với mô hình nuôi dế, bởi chi phí đầu tư thấp, thức ăn cũng dễ tìm, thêm nữa ở địa phương anh chưa có mô hình này. Thế là anh mua 2kg dế về nuôi thử. Nhờ tự mày mò cách nuôi dế qua nhiều kênh khác nhau đã giúp anh vượt qua những trở ngại ban đầu về kỹ thuật chăm sóc, quy cách chuồng trại… 
 
Theo anh, dế không chỉ dùng làm thức ăn cho các cơ sở nuôi chim, cá cảnh hay làm mồi câu, dế còn được chế biến thành các món ăn. Nhờ vậy, mô hình nuôi dế thương phẩm, dế giống của gia đình anh ngày càng đạt hiệu quả hơn. Hiện mô hình của anh có quy mô gần 40 chuồng dế, nuôi theo hình thức xoay vòng. Đến nay từ mô hình nuôi dế này, gia đình anh có thu nhập trên 15 triệu đồng/tháng sau khi trừ chi phí.
 
Anh chia sẻ: “Thanh niên đừng nghĩ phải khởi nghiệp với những vấn đề lớn lao, ý tưởng quá cao xa mà hãy bắt đầu từ những công việc rất gần gũi, phù hợp gắn với đời sống”.
 
Khởi nghiệp là một quá trình phấn đấu, trên đường đi đó có nhiều chông gai nên phải có đam mê, yêu thích và tự tin mới có thể đi đến vạch đích. Trước khi khởi nghiệp cũng phải biết nên chọn ngành nghề mà nơi mình sống có lợi thế cạnh tranh, phải hiểu biết thị trường.
 
Với suy nghĩ ấy mà anh Nguyễn Ngọc Tân (Khóm 2, TT Long Hồ), đã mạnh dạn khởi nghiệp với mô hình nuôi lươn không bùn, dù biết rằng đã có không ít người nuôi gặp khó mà không duy trì được lâu dài.
 
Và khi bắt tay vào thực hiện mô hình, anh cũng không ngoại lệ, nhất là khó khăn trong việc tìm nguồn vốn cũng như kỹ thuật nuôi. Thế nhưng, với sự nhạy bén, chủ động trong cách nghĩ, cách làm để vươn lên, anh đã xoay được nguồn vốn cũng như nắm được một số kỹ thuật để xây dựng mô hình, với quy mô ban đầu 2 bể.
 
Vụ nuôi đầu tiên, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tiêu thụ lươn thịt gặp nhiều khó khăn. Sau khi trừ chi phí, anh thu về hơn 15 triệu đồng, thành quả mang lại không được như mong muốn.
 
Không nản chí, anh bắt đầu thả nuôi lứa tiếp theo 4.000 con lươn giống, với quy mô 24m2. Quá trình nuôi thực tế anh đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm để dần hoàn thiện quy trình nuôi, từ đó mô hình cho hiệu quả khởi sắc hơn... “Vụ này tôi bán khoảng một tấn lươn thương phẩm. Với giá trung bình 130.000 đ/kg, Tết năm nay gia đình cũng thu về kha khá”- anh cho biết.
Nguyễn Ngọc Tân (bên phải) luôn kiên trì, quyết tâm vươn lên trên con đường khởi nghiệp.
Nguyễn Ngọc Tân (bên phải) luôn kiên trì, quyết tâm vươn lên trên con đường khởi nghiệp.
 
Ngoài mô hình trên, anh còn dành tâm huyết với mô hình “Tiệm rửa xe thanh niên” của mình. Để động viên tinh thần khởi nghiệp của anh, Huyện Đoàn Long Hồ đã “tiếp sức” một phần kinh phí để anh mở rộng quy mô cũng như tu bổ các vật dụng cần thiết... Với hai mô hình này, đã mang lại cho anh nguồn thu nhập ổn định, khả quan.
 
Có thể thấy mô hình khởi nghiệp của các bạn trẻ trên chưa phải là mô hình nông nghiệp thông minh, chưa có hàm lượng công nghệ cao, quy mô cũng chưa gọi là lớn. Song, bằng năng lượng dồi dào của tuổi trẻ, cùng khát vọng làm giàu trên đất quê nhà, các bạn đã tạo lập được những “quả ngọt” ban đầu cho riêng mình.
 
Năm mới, khởi đầu mới. Tin rằng với tinh thần không ngại thử thách cùng sự cầu tiến của mình, các bạn sẽ gặt hái được nhiều thành công trên con đường khởi nghiệp phía trước.
 
Bài, ảnh: CẨM HUỆ