Hãy lắng nghe trẻ nói!

Cập nhật, 14:37, Chủ Nhật, 31/05/2015 (GMT+7)

Trẻ em là tương lai của mỗi quốc gia, dân tộc. Quốc gia càng phát triển thì việc chăm sóc giáo dục trẻ càng được chú trọng. Tháng hành động vì trẻ em năm 2015 với chủ đề “Lắng nghe trẻ em nói” là lời kêu gọi mọi người quan tâm hơn đến đời sống tinh thần, để hiểu các em cần gì, nghĩ gì.

Trẻ em cần được người lớn lắng nghe và tôn trọng ý kiến. Trong ảnh: Bảng điều em muốn nói của HS Trường Tiểu học thị trấn Trà Ôn.
Trẻ em cần được người lớn lắng nghe và tôn trọng ý kiến. Trong ảnh: Bảng điều em muốn nói của HS Trường Tiểu học thị trấn Trà Ôn.

Chăm đời sống

Đời sống của trẻ em ngày càng được cả xã hội quan tâm chăm sóc. Hiến pháp của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thúc đẩy quyền tham gia của trẻ em và phát động toàn xã hội tạo điều kiện cho trẻ em được nói lên tiếng nói của mình về các vấn đề liên quan.

Khoảng cách học sinh (HS) nông thôn- HS thành thị ngày càng được kéo gần. Chỉ tay vào những HS đang tung tăng trên sân trường, cô Nguyễn Kim Chung- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Du (TP Vĩnh Long) nói: “Mấy em học lớp 2 đó, thể trạng các em mấy năm gần đây phát triển hơn trước rất nhiều”.

Tỉnh Vĩnh Long hiện có hơn 213.000 trẻ em dưới 16 tuổi, chiếm hơn 20% dân số. Trong đó, có gần 3.800 em có hoàn cảnh đặc biệt; hơn 15.000 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; hơn 26.000 trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo. Trong năm 2014, tỉnh Vĩnh Long đã tặng học bổng, tặng quà, cặp phao, xe đạp, hỗ trợ phẫu thuật tim, trao gần 314.000 phần quà với tổng kinh phí hơn 22 tỷ đồng.

 

Nhí nhảnh trong bộ đồng phục tinh tươm, bé Lê Trần Ngân Vy- lớp 5/3 Trường Tiểu học Nguyễn Du khoe: “Hè rồi con được ba cho đi Hà Nội thăm Lăng Bác, con thích lắm. Năm nay, con học giỏi, ba hứa tháng 7 sẽ cho con du lịch Hàn Quốc luôn”!

Với đôi mắt tròn xoe, dáng mũm mĩm, bé Tào Minh Trung- lớp 4/3 đang ngồi gần Ngân Vy ở sân trường, cười tít mắt: “Nghỉ hè, con chỉ thích đi tắm biển thôi! Con đã được đi học bơi nên hè này con được tắm biển Vũng Tàu nè!”

Trường Tiểu học Bình Hòa Phước B (Long Hồ) có 298 HS thì có đến 86 em có hoàn cảnh khó khăn. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Thanh Tùng cho biết: “Với quyết tâm không để HS vì nghèo mà không được đến trường. Chúng tôi luôn thực hiện tốt công tác xã hội hóa với nhiều suất học bổng, tập sách cho các em”.

Trẻ em nói gì?

Không chỉ có cái ăn, cái mặc, trẻ em còn cần được người lớn lắng nghe. Em Nguyễn Phước Vân Khanh (14 tuổi, Long Hồ) có đời sống vật chất sung túc, cha mẹ thương yêu.

Tuy nhiên, đôi lúc Vân Khanh cũng buồn vì “cha mẹ em dành quá nhiều thời gian cho công việc và em chỉ gặp cha mẹ lúc ngủ”. Vân Khanh đang ở lứa tuổi dậy thì, em đã biết quan tâm đến nhiều vấn đề. Em chia sẻ: “Em muốn cha quan tâm em nhiều hơn, nói chuyện với em nhiều hơn”.

Em T.Trang- HS một trường THCS ở Tam Bình, không giấu được nước mắt khi nói về gia đình của mình. Khi mẹ mang thai Trang, cha em luôn ao ước đó là một đứa con trai để “nối dõi tông đường” vì trước em là 2 chị gái. 12 tuổi, Trang đã hiểu thế nào là sự kỳ thị giới tính của cha. “Em ước mình là con trai để cho cha vui, cho mẹ khỏi bị cha chửi bới”- Trang sụt sùi.

Cô bé tật nguyền Nguyễn Minh Hòa (14 tuổi, Phường 9- TP Vĩnh Long) trông hạnh phúc với nghề làm móng ở Trung tâm Hòa nhập trẻ khuyết tật tỉnh. Hòa bị khiếm thính nhẹ từ nhỏ, khả năng nói kém.

Cố gắng lắm em mới học đến lớp 8 Trường TH Cấp II- III Trưng Vương. Hòa chăm chú nghe từng câu hỏi, từ tốn trả lời từng câu: “Em thích đi học lắm nhưng em không theo kịp bạn. Em học làm móng. Mỗi ngày, em làm được từ 10.000- 35.000đ, em đưa cho mẹ mua đồ ăn, vui lắm”.

Mới đi học về lúc 16 giờ 30 phút thì một giờ sau, bé Ngọc Yến (Phường 2- TP Vĩnh Long) đã xách ba lô đi học thêm. Bé Yến mới học lớp 3 đã học thêm Anh văn và Toán suốt các buổi tối trong tuần, trừ thứ bảy và chủ nhật. Mẹ bé Yến cho rằng: “Đi học suốt ngày cũng tội nghiệp con mà không học thì sợ thua bạn thua bè”. Còn Yến phụng phịu: “Một tuần mà có cỡ 4 ngày thứ bảy và chủ nhật thì hay biết mấy, con sẽ ở nhà đọc truyện đã luôn”.

Đời sống vật chất của trẻ em đang ngày một nâng lên nhưng vẫn còn đó nhiều hoàn cảnh khó khăn, nhiều em nhỏ phải bỏ học tham gia lao động sớm. Song song đó, việc lắng nghe và tôn trọng những ý kiến của trẻ cũng cần được quan tâm thực hiện, để các em thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Bà Nguyễn Thị Lành- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: Bảo vệ trẻ em là trách nhiệm của toàn xã hội: xây dựng môi trường an toàn, lành mạnh cho trẻ; phòng chống xâm hại ngược đãi và bạo hành trẻ em; tôn trọng và lắng nghe ý kiến của các em, tăng cường giáo dục và trang bị cho các em kỹ năng tự bảo vệ mình.

Chị em bé Nguyễn Minh Hòa- Nguyễn Trúc Ngân

Minh Hòa: Em ước được đi du lịch. Hồi đó giờ em chỉ được đi về ngoại ở Đồng Tháp chơi. Em nghe nói tới Đà Lạt, Vũng Tàu, Nha Trang nhưng em không biết nó thế nào hết. Em thích có nhiều bạn lắm.

Trúc Ngân- HS lớp 3, Trường Tiểu học Nguyễn Huệ (Phường 2- TP Vĩnh Long): Con thương chị Hai lắm. Chị con hiền lúc nào cũng chăm sóc cho con. Khi nào lớn, con sẽ kiếm thiệt nhiều tiền để nuôi cha mẹ và chị Hai.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN