Bài ca không quên bên tượng đài chiến sĩ Gạc Ma

Cập nhật, 04:53, Chủ Nhật, 12/03/2023 (GMT+7)
Hài cốt máu xương các chiến sĩ hòa vào biển đảo về hội tụ nơi đây nên được gọi là mộ gió.
Hài cốt máu xương các chiến sĩ hòa vào biển đảo về hội tụ nơi đây nên được gọi là mộ gió.

(VLO) Chúng tôi đứng bên tượng đài các chiến sĩ Gạc Ma lồng lộng gió, phía trước là biển trời xanh thẳm. Nơi ấy, 35 năm trước 64 chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, lấy máu mình nhuộm đỏ lá cờ Tổ quốc để quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Để lại khúc ca Gạc Ma bi hùng ngàn đời sau còn nhớ mãi!

Công trình của lòng biết ơn

Khu tưởng niệm Chiến sĩ Gạc Ma nằm trong lòng vịnh Cam Ranh xinh đẹp, thuộc trung tâm của bãi Dài (huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa).

Công trình được xây dựng trên khu đất rộng hơn 25.000m2 nhằm tưởng nhớ 64 chiến sĩ Hải quân Việt Nam đã anh dũng hy sinh vào 14/3/1988 trong Chiến dịch CQ-88.

Khu tưởng niệm với tượng chiến sĩ hiên ngang nằm giữa vòng tròn bất tử, như lòng yêu nước, như tình cảm của người dân cả nước gắn kết không rời với vòng tròn bất tử Gạc Ma.
Khu tưởng niệm với tượng chiến sĩ hiên ngang nằm giữa vòng tròn bất tử, như lòng yêu nước, như tình cảm của người dân cả nước gắn kết không rời với vòng tròn bất tử Gạc Ma.

Khu tưởng niệm này đi vào hoạt động từ tháng 7/2017, với vốn đầu tư hơn 130 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn và người lao động trong cả nước.

Khu tưởng niệm gồm các hạng mục như: tượng đài, khu bảo tàng ngầm, mộ gió, quảng trường hòa bình, khuôn viên cây xanh.

Lá cờ đỏ sao vàng tung bay trên nền trời xanh thẳm như hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng thấm máu được các anh giữ vững và cắm trên đảo Cô Lin.

Tượng đài có tên “Những người nằm lại phía chân trời” hình vòng cung, khắc họa hình ảnh 64 người con của Tổ quốc trong những giây phút cuối cùng đã đứng thành vòng tròn bất tử trước súng đạn của kẻ thù quyết tâm bảo vệ cờ Tổ quốc.

Được đến với bảo tàng trong khu tưởng niệm Gạc Ma, chúng tôi có cảm giác như mình được đến biển đảo, được sống với không gian của những chiến sĩ Gạc Ma 35 năm trước.

Phòng trưng bày được xây dựng dưới mặt đất nằm ở vị trí trung tâm là nơi lưu giữ những hiện vật lịch sử về quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các chiến sĩ Gạc Ma cùng sự kiện chiến dịch CQ-88.

Thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ Gạc Ma- chúng tôi xem khu tưởng niệm là địa chỉ đỏ, là bài ca bất tử trong hàng triệu trái tim nhân dân Việt Nam.
Thắp hương tưởng nhớ các chiến sĩ Gạc Ma- chúng tôi xem khu tưởng niệm là địa chỉ đỏ, là bài ca bất tử trong hàng triệu trái tim nhân dân Việt Nam.

Cảm động làm sao lá thư của người chiến sĩ gửi về cho gia đình trước lúc lên tàu ra Gạc Ma, ngày 10/3/1988, liệt sĩ Nguyễn Tất Nam viết: “Chị đừng lo cho em, nhận được thư, chị biên thư lại cho em nhé. Nhớ gửi cả hình cháu Quang Trung cho em nữa!” Lá thư này đã được gia đình tặng cho khu tưởng niệm làm vật trưng bày.

Tôi ấn tượng với tấm ảnh cưới của liệt sĩ Đinh Ngọc Doanh cùng với vợ là cô Đỗ Thị Hà những tấm ảnh cưới đã 40 năm vẫn được gìn giữ như báu vật suốt nhiều năm được đem tặng khu lưu niệm.

Phía sau tượng đài là những ngôi mộ, không phải là mộ vô danh, không phải là ngôi mộ tập thể, mà là mộ gió ở khu vực trung tâm của khu tưởng niệm.

Mộ bia ghi tên 64 liệt sĩ hy sinh với đầy đủ họ tên, năm sinh, quê quán. Các chiến sĩ đã hy sinh hài cốt máu xương hòa vào biển đảo, nhờ gió đưa hồn các anh về hội tụ nơi đây nên được gọi là mộ gió.

Tên anh thành bất tử

Tôi còn nhớ lần đầu tiên nghe kể chuyện Gạc Ma từ người đồng nghiệp trong chuyến anh đi công tác Trường Sa hơn chục năm trước.

Các anh đã để lại hoài bão tuổi thanh xuân để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu nơi biển trời Tổ quốc, để lại gia đình người thân qua những kỷ vật đơn sơ.
Các anh đã để lại hoài bão tuổi thanh xuân để bảo vệ những cột mốc tiền tiêu nơi biển trời Tổ quốc, để lại gia đình người thân qua những kỷ vật đơn sơ.

Cả đoàn công tác đã đứng từ đảo Cô Lin hướng mắt về phía đảo Gạc Ma mà trào nước mắt. Mất mát bi thương nhưng các chiến sĩ Hải quân vẫn chiến đấu ngoan cường để giành giật từng tấc đảo với kẻ thù.

Đoàn đã thả vòng hoa xuống biển mong hoa đến chỗ anh nằm. Khi đó, khu tưởng niệm chiến sĩ tượng đài chiến sĩ Gạc Ma chưa được xây dựng.

Lắng nghe câu chuyện trước lúc hy sinh, Thiếu úy Trần Văn Phương đã hô vang quyết tâm: “Thà hy sinh chứ không chịu mất đảo, hãy để máu của mình tô thắm lá cờ truyền thống của quân chủng Hải quân”,... Hình ảnh chiếc tàu HQ 505 bị bắn cháy phần đuôi vẫn cố gắng lao hết tốc lực lên bãi, trở thành cột mốc sống bảo vệ chủ quyền Cô Lin.

Chúng tôi hiểu rằng, 35 năm biển có thể xóa nhòa mọi dấu vết nhưng hình ảnh người chiến sĩ Gạc Ma như khúc ca bi tráng năm nào sẽ không phai nhòa trong ký ức bao thế hệ.

Và bài học kinh nghiệm trong công cuộc bảo vệ chủ quyền Tổ quốc không được lơ là, mất cảnh giác dù một phút, một giây.

Cuộc chiến bảo vệ chủ quyền Tổ quốc chính nghĩa của các chiến sĩ Hải quân Việt Nam như nhắc nhở chúng ta cho tương lai, Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, thế hệ đời đời con cháu Việt Nam chúng ta có trách nhiệm giữ gìn.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN