Cần quy hoạch dài hơi để cam sành phát triển bền vững

Kỳ 2: Tìm "đầu ra" cho cam sành

Cập nhật, 08:00, Thứ Hai, 27/02/2023 (GMT+7)

Trong khi sản lượng cam sành ở nhà vườn còn nhiều, giá thấp thì thời gian qua, các ngành chức năng trong tỉnh đã thúc đẩy các hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM), kết nối cung cầu (KNCC) cùng “bắt tay” để tìm đầu ra cho sản phẩm.

Số lượng cam sành chín phải tiêu thụ nhiều trong khi nguồn tiêu thụ giảm dẫn đến việc giá cam giảm mạnh.
Số lượng cam sành chín phải tiêu thụ nhiều trong khi nguồn tiêu thụ giảm dẫn đến việc giá cam giảm mạnh.

“Bắt mạch” đúng bệnh “rớt giá”

Khi giá cam sành giảm, Trung tâm XTTM (Sở Công Thương) đã cùng một số đơn vị liên quan, doanh nghiệp, HTX bàn phương án tìm đầu ra cho cam sành.

Theo đánh giá ngành công thương (ngày 14/2), diện tích cam sành trên toàn tỉnh hơn 17.000ha, diện tích hiện đang cho trái khoảng 5.000ha tập trung chủ yếu tại Vũng Liêm, Tam Bình, Trà Ôn. Giá cam sành trung bình tại vườn khoảng 3.000 - 5.000 đ/kg, có nơi 6.000 đ/kg.

Theo ông Hồ Trung Nghĩa- Giám đốc Trung tâm XTTM, việc sụt giảm giá cam có nhiều nguyên nhân, lượng cung vượt cầu và các thị trường tiêu thụ chủ yếu “ngưng tạm thời” dẫn đến tình trạng trên.

Ghi nhận tại HTX Cam sành Phương Thúy (huyện Trà Ôn) vào ngày 16/2, HTX có hơn 65ha cam, hiện giá bán trung bình tại vườn là từ 3.000- 6.000 đ/kg. “HTX có 2 loại cam, cam loại 2 còn khoảng 300 tấn, cam loại 1 đẹp còn xanh khoảng 1.500 tấn. Hy vọng thời gian tới tình hình sẽ ổn định, giá tăng trở lại”, ông Nguyễn Tấn Phương- Giám đốc HTX, cho biết.

Trong khi đó, ghi nhận tại HTX Cam sành Thắm Tài (huyện Trà Ôn), HTX có khoảng 159ha cam, trong đó cam cho thu hoạch là trên 60ha. Ngày 20/2, giá cam thu mua tại vườn của các thành viên đã đạt 5.000- 6.000 đ/kg. Theo ông Lê Văn Tài- Giám đốc HTX Cam sành Thắm Tài, với tình hình này, dự báo giá cam sẽ tiếp tục tăng.

“Có thể nói, giá cam giảm thời gian qua chỉ là tạm thời do một số nguyên nhân đã được nhận định. Do đó người trồng cũng không nên quá lo lắng bởi hiện nay, thị trường tiêu thụ cam tương đối ổn định. Tuy nhiên, thời gian tới người trồng cam cũng nên tự rút kinh nghiệm để tránh tình trạng cam rớt giá do nguồn cung vượt cầu như mấy ngày qua”, ông Tài chia sẻ.

Tìm đầu ra từ hoạt động XTTM

Để hỗ trợ người nông dân tiêu thụ cam sành, theo ông Hồ Trung Nghĩa, trước mắt trung tâm XTTM sẽ cùng các doanh nghiệp, HTX thống nhất triển khai nhiều giải pháp để tìm đầu ra cho sản phẩm, càng nhiều điểm đầu ra càng tốt. Hiện một số HTX cam sành cũng đã liên kết với nhau, phối hợp để cung cấp cho thị trường TP Hồ Chí Minh.

Riêng trung tâm cũng đã làm việc với một số địa phương như các quận: 5, 8, 10, Bình Tân,… tìm điểm kinh doanh miễn phí để các HTX, doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh cam của tỉnh cung cấp cho người dân thành phố. Ngoài ra, đơn vị cũng đã làm việc với một số hệ thống siêu thị lớn để cung cấp cam.

“Hiện Quận 8 cũng đã tiêu thụ vài chục tấn cam, sắp tới một số địa phương khác của TP Hồ Chí Minh cũng sẽ tham gia. Ngoài ra, dự kiến đến cuối tháng 2/2023, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị KNCC với chợ đầu mối Bình Điền, Thủ Đức để tìm đầu ra bền vững, lâu dài cho cam sành Vĩnh Long”, ông Hồ Trung Nghĩa cho biết thêm.

Tại địa điểm kinh doanh của chị Trần Huế Phương (đường Nguyễn Văn Thiệt, Phường 4, TP Vĩnh Long) luôn tấp nập từng xe tải cam được tập kết, phân loại và đưa đi tiêu thụ. Chị Phương cho biết, đã có hơn 100 tấn cam được đưa đi tiêu thụ.

“Giá thu mua tại vườn là 5.000 đ/kg, chúng tôi tiêu thụ với giá 6.000 đ/kg đã tính chi phí bao bì, vận chuyển và hao hụt. Tuy số lượng tiêu thụ ít so với sản lượng chung nhưng cũng đã góp phần động viên tinh thần cho người nông dân thời gian qua”, chị Phương cho biết.

Tại một điểm tập kết khác trên đường 2 Tháng 9 (Phường 1, TP Vĩnh Long), hàng ngày cũng có trên dưới 10 tấn cam được tiêu thụ. Chị Phương Thảo- Chủ cửa hàng trái cây sạch Phương Thảo, cho biết cửa hàng đã bán được hơn 60 tấn cam sành, chủ yếu là bán lẻ trên địa bàn TP Vĩnh Long và TP Hồ Chí Minh.

“Chúng tôi thống nhất là thu mua tại vườn là 5.000 đ/kg, bán ra với giá 6.000 đ/kg để bù vào các chi phí phát sinh khác. Theo dự báo, tình hình giá cam sẽ tăng trở lại trong thời gian tới. Hiện cũng đã có thương lái bắt đầu đi mua trở lại, giá sẽ nhích lên trong những ngày tới. Ghi nhận vào ngày 22/2, giá cam sành tại vườn vào khoảng 6.500- 7.000 đ/kg”, chị Phương Thảo cho hay.

Trong khi đó, một số địa phương ở TP Hồ Chí Minh cũng đã có văn bản đề nghị kết nối tiêu thụ cam sành Vĩnh Long. Bà Đào Thị Ánh Tuyết- Phó Trưởng Phòng Kinh tế Quận 5 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, địa phương đã đặt hàng khoảng 14- 15 tấn cam để tiêu thụ trên địa bàn quận với giá thu là 6.000 đ/kg, bán ra 7.000 đ/kg sau khi đã cộng các chi phí phát sinh.

“Đợt đầu chúng tôi sẽ kết nối tiêu thụ khoảng 15 tấn, đợt sau sẽ tham mưu cho Trung tâm Thương mại An Đông tạo điều kiện bố trí khu vực và vận động xây dựng một số điểm kinh doanh miễn phí trên địa bàn quận để nhà vườn ở Vĩnh Long có thể tự mua bán sản phẩm cam sành. Đặc biệt, chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền đến người dân thành phố biết địa điểm bán để mua cam sành Vĩnh Long”, bà Đào Thị Ánh Tuyết chia sẻ.

Theo Trung tâm XTTM tỉnh, thời gian tới trung tâm sẽ phối hợp với Sở Nông nghiệp- PTNT, các địa phương xây dựng thông tin sản xuất nông sản. Trong đó bao gồm các mặt hàng, sản lượng, chất lượng, mùa vụ thu hoạch để hỗ trợ giới thiệu nông sản Vĩnh Long vào các hệ thống siêu thị, các hệ thống phân phối lớn, đặc biệt là thị trường phía Bắc và các thành phố lớn để đảm bảo liên kết tiêu thụ.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

>> K cuối: Liên kết, tạo thế mạnh trong sản xuất
Các tin khác: