Cần quy hoạch dài hơi để cam sành phát triển bền vững

Cập nhật, 06:51, Thứ Sáu, 24/02/2023 (GMT+7)

Thời gian qua, nông dân trồng cam trên địa bàn tỉnh thất thu vì giá cam sành giảm mạnh, chỉ còn dao động từ 3.000- 6.000 đ/kg. Với mức giá này, nhà vườn trồng cam lỗ nặng. Thực tế, so quy hoạch được UBND tỉnh phê duyệt, thì diện tích trồng cam sành trên địa bàn tỉnh đã vượt hơn 30%.

Do đó, để cây cam sành phát triển ổn định, cần có sự quản lý về quy hoạch vùng trồng, đa dạng hóa đầu ra cho trái cam cũng như cần sự chung tay, liên kết của nông dân, HTX cam sành…

Kỳ 1: Giá thấp do cung vượt cầu

 Diện tích cam sành tăng “nóng” trong những năm gần đây. Ảnh: TẤN ANH
Diện tích cam sành tăng “nóng” trong những năm gần đây. Ảnh: TẤN ANH

Thực trạng cam sành rớt giá mạnh thời gian qua là kết quả của việc nguồn cung vượt cầu. Trong khi giá bán trước Tết Nguyên đán 2023 vào khoảng 8.000- 10.000 đ/kg, nhiều nhà vườn đã “neo” lại chờ lên giá, trong khi nguồn tiêu thụ trong và ngoài nước sau đó lại vô cùng bấp bênh.

Diện tích tăng “chóng mặt”

Theo Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Vĩnh Long, cây cam sành là một trong những loại cây ăn trái có tốc độ phát triển nhiều nhất trong thời gian qua do liên tục trong nhiều năm giá cam sành trên thị trường ổn định ở mức khá cao (trung bình hơn 10.000 đ/kg). Cùng với đó, nhà vườn áp dụng kỹ thuật canh tác mới có thể nâng năng suất cam sành lên từ 70- 100 tấn/ha (7- 10 tấn/công).

Với năng suất cao cộng với giá bán tốt nên người trồng cam sành thu lợi nhuận cao, bình quân 300- 500 triệu đồng/ha/năm. Đó chính là nguyên nhân làm cho nhiều người đổ xô trồng cam và thuê thêm đất, kể cả đất trồng lúa để trồng cam sành.

Hiện toàn tỉnh có hơn 17.000ha cam sành, tăng gần 3.000ha so năm 2020. Cam sành được trồng nhiều nhất tại huyện Trà Ôn (gần 10.000ha), huyện Tam Bình (hơn 3.300ha), huyện Vũng Liêm (hơn 2.800ha).

Trong khi đó, theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn, toàn huyện hiện có 9.561,8ha cam sành, chiếm 43,7% diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện. Qua thống kê, diện tích trồng cam sành trên đất lúa là 7.661,8ha, chiếm 87,8% diện tích cam sành toàn huyện. Trong đó, diện tích có hiệu quả kinh tế là 4.828,4ha, diện tích cam tơ 4.050,6ha và diện tích kém hiệu quả 682,8ha.

Với diện tích cam sành chiếm hơn một nửa so với tổng diện tích cả tỉnh, theo ông Nguyễn Văn Tám- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Trà Ôn, diện tích cam sành của huyện tăng nhanh trong giai đoạn 2018-2022, do người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa. Trong 5 năm, diện tích cam sành tăng 5.659,4ha (từ 3.902,5ha năm 2018 lên 9,561,8ha năm 2022). Các xã có diện tích trồng cam nhiều của huyện như: Thuận Thới, Hựu Thành, Thới Hòa, Trà Côn, Hoà Bình, Nhơn Bình,...

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, thực tế, để chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nông dân luôn chọn cây có hiệu quả kinh tế cao trong thời điểm trước mắt. Cam sành là loại cây dễ trồng, thích nghi với nhiều loại đất nên được nông dân trồng nhiều.

Thời gian qua, cây cam sành giúp tăng thu nhập trên cùng đơn vị diện tích canh tác và phần lớn diện tích chuyển đổi thực hiện đúng theo mục tiêu chuyển đổi tạm thời (không chuyển đổi mục đích sử dụng). Tuy nhiên, so quy hoạch được UBND tỉnh Vĩnh Long phê duyệt, thì diện tích cam sành hiện đã vượt hơn 30%.

Cung vượt cầu

Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Trà Ôn (ngày 13/2/2023), với diện tích cam sành năm 2022 là 9.561,8ha, với năng suất bình quân khoảng 70 tấn/ha/năm, sản lượng năm 2022 ước đạt 340.000 tấn; giá trị sản xuất (tính theo giá cố định năm 2010) đạt 5.392 tỷ đồng, chiếm 70% giá trị sản xuất nông lâm thủy sản.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, giá thu mua cam sành giảm và dao động từ 3.000- 5.000 đ/kg (giảm 12.000- 13.000 đ/kg so với cùng kỳ năm 2022), trong khi giá thành sản xuất cam sành hiện nay khoảng 5.000- 7.000 đ/kg, như vậy với mức giá hiện tại người trồng cam không có lợi nhuận.

Theo số liệu điều tra của Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Trà Ôn, thì toàn huyện hiện có trên 45 cơ sở, HTX thu mua cam sành với sản lượng trên 300 tấn/ngày (sản lượng thu mua này chỉ bằng khoảng 30% so với trước đây); ước sản lượng cam sành thu hoạch từ nay đến hết tháng 3/2023 khoảng 60.000 tấn.

Trong khi đó, báo cáo từ Huyện ủy Trà Ôn (ngày 16/2/2023), sản lượng cam cần tiêu thụ trên địa bàn huyện khoảng 57.140 tấn, trong đó đã tiêu thụ 34.340 tấn, còn lại 22.800 tấn. Với số lượng cơ sở, HTX thu mua trên địa bàn chỉ đạt 300 tấn ngày, giá thu mua chỉ dao động từ 2.000- 5.000 đ/kg tùy loại. Nguyên nhân giá cam giảm sâu là do nhà vườn neo giá, dẫn đến cam quá lứa (chín, xồ) nên giá càng thấp. Mặt khác một số nhà vườn vì muốn bảo vệ cây nên bán trái giá thấp, làm ảnh hưởng giá ngoài thị trường.

Còn theo ông Nguyễn Văn Tám, một nguyên nhân khác nữa là diện tích cam sành của huyện đang trong giai đoạn thu hoạch rộ và chủ yếu tiêu thụ nội địa tại các tỉnh miền Bắc và miền Trung. Nhưng hiện nay thị trường tiêu thụ đang giảm sản lượng thu mua và chủ yếu mua cam chín vỏ còn xanh (hạn chế mua cam chín vỏ vàng, cam xồ vỏ xấu).

Ở góc độ thị trường tiêu thụ, theo ông Hồ Trung Nghĩa- Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương), việc sụt giảm giá cam có thể do các năm trước tình hình tiêu thụ cam ổn định, giá khá cao, nhất là đợt cao điểm dịch COVID-19, từ đó người nông dân chuyển đổi sang trồng cam với tốc độ khá nhanh, sản lượng cam thu hoạch cũng tăng mạnh.

Sau Tết Nguyên đán 2023, giá cam sành giảm do cung vượt cầu, sức tiêu thụ của một số HTX cũng giảm, chỉ đạt khoảng 30% so với trước.
Sau Tết Nguyên đán 2023, giá cam sành giảm do cung vượt cầu, sức tiêu thụ của một số HTX cũng giảm, chỉ đạt khoảng 30% so với trước.

Bên cạnh đó, thời điểm trước Tết Nguyên đán 2023, giá cam dao động từ 8.000- 10.000 đ/kg, với giá bán này, nhiều nông dân “đợi” giá tăng và “neo” qua Tết, chính vì thế dẫn đến lượng cam quá lứa còn nhiều và giá giảm như thời gian qua.

“Đặc biệt là thị trường tiêu thụ cam chính là các tỉnh phía Bắc, do thời tiết trước Tết Nguyên đán khá lạnh, nên nhu cầu sử dụng cam của người dân cũng giảm trong khi nguồn cung quá lớn. Hiện nay thị trường Trung Quốc chưa cho phép nhập cam, dẫn đến không thể xuất khẩu mặt hàng này”- ông Hồ Trung Nghĩa chia sẻ thêm.

Ông Nguyễn Như Cường- Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp- PTNT)

Giá cam giảm trong thời gian qua, nguyên nhân ban đầu do diện tích trồng phát triển “nóng” trong những năm gần đây. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là không có đầu ra. Cam sành Vĩnh Long chủ yếu tiêu thụ thị trường nội địa, và chỉ dùng để vắt nước, mùa lạnh thì miền Bắc lại ít sử dụng. Cam của chúng ta cũng không xuất khẩu được. Nguyên nhân do hạt nhiều, xơ nhiều. Việc đưa vào chế biến cũng khó. Chỉ mỗi ăn tươi như cắt múi hoặc pha nước.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

>> K 2: Tìm “đầu ra” cho cam sành

 
 
Các tin khác: