Nỗ lực "làm mới" chợ truyền thống

Kỳ cuối: Đổi mới để phát triển và giành lại "chỗ đứng"

Cập nhật, 05:34, Thứ Sáu, 12/04/2024 (GMT+7)
 
Chợ truyền thống cần thay đổi để phát triển và giữ vững “chỗ đứng” trong lòng người tiêu dùng.
Chợ truyền thống cần thay đổi để phát triển và giữ vững “chỗ đứng” trong lòng người tiêu dùng.
Từ xưa đến nay, chợ truyền thống được xem là địa điểm mua bán ưa thích của người dân, gắn với nét đẹp văn hóa, đời sống dân cư. Tuy nhiên, khi nhịp sống xã hội ngày càng phát triển, chợ truyền thống đang mất dần thị phần, mất đi những giá trị vốn có và đứng trước nguy cơ bị mai một. Điều này đòi hỏi cần có những giải pháp hữu hiệu để chợ truyền thống có thể thay đổi, phát triển và luôn có được “chỗ đứng” trong lòng người tiêu dùng. 
 
 
Cần thay đổi quyết liệt
 
Toàn tỉnh hiện có 115 chợ. Trong đó, 1 chợ hạng I; 17 chợ hạng II; 97 chợ hạng III và chợ tạm. Hiện, đa số chợ trong tỉnh là chợ hạng III, thuộc vùng nông thôn, chỉ nhóm chợ vào buổi sáng sớm, nguồn thu từ chợ rất thấp không đủ để tái đầu tư nâng cấp chợ, trong khi ngân sách địa phương còn hạn chế, nên việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo các chợ chưa được quan tâm đúng mức.
 
Hàng năm, ngân sách chi trả lương cho bộ máy hoạt động của ban quản lý (BQL) chợ rất lớn, nhưng lương của cán bộ BQL chợ vẫn còn thấp, do phải “nuôi” bộ máy làm việc quá đông... 
 
Trước những khó khăn trên, bà Nguyễn Thị Tố Quyên- Trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương khuyến nghị, UBND cấp huyện nhân rộng mô hình BQL quản lý nhiều chợ, nhằm giảm bớt biên chế BQL chợ, xây dựng bảng lương đơn vị sự nghiệp theo vị trí việc làm nhằm cải thiện lương cho cán bộ quản lý chợ.
 
Hàng năm phân bổ ngân sách địa phương để đầu tư nâng cấp, sửa chữa các chợ hạng III đã xuống cấp; nhân rộng mô hình doanh nghiệp (DN) và HTX kinh doanh, khai thác và quản lý chợ, nhằm xã hội hóa công tác quản lý chợ, thu hút nguồn vốn DN, HTX đầu tư xây dựng phát triển chợ.
 
Thời gian qua, mặc dù các ngành, các cấp đã tập trung chỉ đạo quyết liệt nhưng nhiều địa phương vẫn chưa đạt chỉ tiêu về phát triển chợ nông thôn, do vốn đầu tư từ ngân sách còn hạn chế, quỹ đất công tại các chợ còn ít, khó khăn trong công tác nâng cấp, mở rộng chợ. Từ đó, không đảm bảo đủ mặt bằng để sắp xếp hộ kinh doanh vào chợ.
 
Song song đó, do điều kiện kinh doanh chưa phát triển, nên gặp khó trong công tác thu hút, kêu gọi đầu tư từ bên ngoài... Bên cạnh, chất lượng quy hoạch tại một số nơi chưa tốt, khi xác định địa điểm xây dựng, chưa khảo sát kỹ quy mô thị trường, tập quán tiêu dùng cũng như thói quen mua bán của người dân. Trong khi đó, các DN, HTX chỉ đơn thuần quản lý, kinh doanh chợ, chưa chủ động khai thác hết tiềm năng phát triển của chợ. 
 
Cùng với việc khuyến nghị “UBND cấp huyện chỉ đạo tăng cường kiểm tra thường xuyên các chợ đã thực hiện chuyển đổi mô hình DN và HTX kinh doanh, khai thác và quản lý chợ nhằm phối hợp thực hiện tốt công tác quản lý chợ”- bà Nguyễn Thị Tố Quyên cũng lưu ý, cần thực hiện đúng phương án, kế hoạch bố trí sắp xếp mặt bằng chợ đã được phê duyệt, công tác duy tu sửa chữa chợ, phương án thu phí chợ, vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm (ATTP)… 
 
Nhận định “các HTX chợ thu phí mặt bằng theo Quyết định 06 của UBND tỉnh “ban hành quy định giá của các dịch vụ được chuyển từ phí sang cơ chế giá theo quy định tại Luật Phí và lệ phí trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long” như hiện nay là khá thấp so với chi phí”- ông Nguyễn Văn Chiến- Phó Trưởng Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Vũng Liêm đề nghị: Xem xét điều chỉnh tăng giá thu mặt bằng để cân đối hoạch toán thu chi phù hợp. Theo đó, mức đề xuất tăng giá 10-15%. Bên cạnh, tiếp tục hỗ trợ địa phương mời gọi các nhà đầu tư xây dựng chợ, phố chợ; hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà nông sản sạch và xây dựng khu ATTP tại chợ Vũng Liêm; hướng dẫn xây dựng mô hình chợ ATTP tại chợ Hiếu Phụng...
 
Trên thực tế, việc đầu tư, xây dựng các điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo tiêu chí ATTP tại các chợ đòi hỏi phải có địa điểm, diện tích bố trí phù hợp, thuận lợi cho việc kinh doanh, trong khi đa số các chợ chưa đảm bảo về mặt bằng, vị trí, diện tích phù hợp để bố trí. Song song đó, nguồn kinh phí để thực hiện đầu tư tương đối lớn nên khó vận động DN, HTX và tiểu thương thực hiện. 
 
Với mong muốn tuyên truyền, nhân rộng điển hình và giúp người tiêu dùng được tiếp cận sản phẩm ATTP, khuyến khích việc sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm an toàn, bà Nguyễn Thị Tố Quyên đề xuất: Có kế hoạch bố trí ngân sách (từ nguồn thu của chợ) hỗ trợ đầu tư nâng cấp các điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo tiêu chí vệ sinh ATTP. Bên cạnh, kiểm tra các chợ ATTP, các điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo tiêu chí ATTP tại các chợ, nhằm duy trì việc đảm bảo ATTP. 
 
Yêu cầu “chợ ATTP cần quản lý tốt nguồn gốc thực phẩm”- ông Nguyễn Văn Liệt- Phó Chủ tịch UBND tỉnh lưu ý: Về quy hoạch cần xem lại cái gì được, chưa được, cái gì cần, xem có cần mở rộng quy hoạch thêm không, tránh trường hợp xây chợ cho lớn nhưng chẳng có mấy người vào. Ngoài ra, Sở Công Thương cần phối hợp với Sở GT-VT, UBND thành phố tham mưu UBND tỉnh để có hướng chỉ đạo trong công tác quản lý chợ, lòng đường, lề đường để tránh những bất cập. 
 
Vừa làm mới, vừa lưu giữ nét chợ xưa 
 
Để chợ truyền thống phát triển song hành với các loại hình buôn bán khác, đã đặt ra yêu cầu cần phải tìm hướng đi mới, nhằm đảm bảo vừa giữ gìn nét truyền thống, văn hóa riêng vừa đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng trong thời đại mới, ông Nguyễn Mạnh Hùng- Trưởng Ban Kinh tế- Ngân sách HĐND tỉnh lưu ý: Tăng cường phối hợp giữa các sở, ngành để kêu gọi đầu tư; tập huấn các đơn vị quản lý chợ về phương thức quản lý, chuyển đổi số, quảng bá thương hiệu chợ, quản lý hàng hóa; phối hợp kết nối cung cầu, cung ứng và tiêu thụ hàng hóa cho chợ truyền thống; hỗ trợ tiểu thương tiếp cận tín dụng ưu đãi để phát triển kinh doanh; kêu gọi tiểu thương tham gia, chuyển đổi các mặt hàng đang bị ế ẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ, văn hóa kinh doanh, đảm bảo xuất xứ nguồn gốc hàng hóa, tận dụng ưu thế của thương mại điện tử, quan tâm kinh doanh sạch đẹp, văn minh lịch sự, ATTP để phục vụ nhu cầu người dân. 
 
Trước tình hình một số chính sách của tỉnh ban hành đến nay đã bộc lộ những bất cập, chưa phù hợp với thực tế, dẫn đến nhận thức và thực hiện của một số cá nhân, tổ chức chưa đúng quy định, ông Nguyễn Mạnh Hùng khuyến nghị, UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn rà soát toàn bộ các chính sách của tỉnh có liên quan đến công tác quản lý và phát triển chợ để kịp thời tham mưu sửa đổi, bổ sung phù hợp với tình hình thực tiễn và căn cứ pháp lý hiện hành; kịp thời tập huấn, triển khai các chính sách đảm bảo việc thống nhất thu các loại phí, giá; đặc biệt là phương án đấu giá khai thác chợ, xác định giá khởi điểm đấu giá đảm bảo đúng quy định. 
 
Hiện, một số công trình phục vụ cho hoạt động chợ đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Vì vậy, cần quan tâm bố trí ngân sách đầu tư lại từ nguồn thu chợ, đầu tư hạ tầng thương mại; duy trì các chợ truyền thống kết hợp với thu hút du khách, phát triển du lịch; kịp thời nâng cấp sửa chữa các hạng mục chợ xuống cấp, đảm bảo kinh phí thực hiện tiêu chí số 7 về cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn trong xây dựng xã NTM, NTM nâng cao. Song song đó, chỉ đạo khẩn trương công tác giải phóng mặt bằng để xây dựng kè chợ Vĩnh Long. 
 
Hiện, có 2 hình thức quản lý chợ, đó là: BQL chợ- mô hình đơn vị sự nghiệp do Nhà nước quản lý và mô hình chuyển đổi- do DN, HTX kinh doanh, khai thác và quản lý chợ. Cùng với những hiệu quả bước đầu, vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc trong công tác phối hợp, thời gian chuyển đổi... Trong đó, việc ký hợp đồng giao cho DN, HTX quản lý và phát triển chợ trong 5 năm là khá ngắn, vì vậy nhiều đơn vị kiến nghị xem xét tăng lên 7-10 năm hoặc nhiều hơn để mạnh dạn đầu tư và thu hồi vốn.
 
Bà Lê Thị Thúy Kiều- Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cho rằng: Điều này là cần thiết nhằm tạo điều kiện thu hút, chuyển đổi chợ thuận lợi hơn. Đồng thời, lưu ý cần có sự quan tâm trong công tác quy hoạch, phát triển hệ thống chợ, mạnh dạn định hướng đề án phát triển chợ; đánh giá kỹ lưỡng các loại hình quản lý hiện nay, để triển khai, khai thác hiệu quả. Bên cạnh, cần có sự phối hợp nhịp nhàng giữa địa phương, BQL chợ, DN, HTX kinh doanh, khai thác chợ. Cùng với đó, thường xuyên quan tâm, theo dõi, kiểm tra hệ thống chợ, nắm bắt kịp thời khó khăn, vướng mắc, để tham mưu UBND tỉnh có định hướng chỉ đạo để tháo gỡ và cùng phát triển. 
 
Trên thực tế, cùng với những khó khăn, vướng mắc, chợ truyền thống cũng có những ưu thế riêng về tính tiện lợi, gần nhà dân, cùng nụ cười đon đả, hiếu khách của người bán hàng. Đó là, chị bán cá sẵn sàng giúp khách hàng rửa thêm chanh, muối... cho bớt tanh. Đó là anh bán thịt gà, không chỉ làm sạch mà còn vui vẻ cắt khúc sẵn theo yêu cầu người mua...
 
Các mặt hàng thiết yếu tại các chợ đảm bảo cung ứng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Các mặt hàng thiết yếu tại các chợ đảm bảo cung ứng ra thị trường, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng.
Chợ truyền thống không chỉ là nơi mua- bán, mà còn là giao lưu tình cảm, lưu giữ đậm nét văn hóa bản địa. Cùng với những đổi thay phù hợp với thời đại, chợ cũng cần lưu giữ nền tảng truyền thống hồn cốt văn hóa, có thể thực hiện những chợ phiên về sản vật lẫn những “đặc sản” văn hóa bản địa, trở thành điểm đến du lịch đặc biệt của một khu vực nào đó. Chính vì vậy, chợ luôn có “chỗ đứng” và có sự gắn bó riêng trong lòng mỗi người và là kênh mua bán vừa thỏa mãn nhu cầu mua sắm, vừa thỏa mãn nhu cầu giao thoa văn hóa. 
 
Hy vọng, trước những khó khăn và áp lực cạnh tranh, chợ truyền thống sẽ tìm “lối đi riêng” đặc thù của từng nơi, từng vùng vừa làm mới, vừa giữ gìn cái cũ làm thành thế mạnh cạnh tranh để tồn tại và phát triển một cách… khỏe khoắn cùng dòng chảy đổi thay không ngừng của thời đại và nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng.
Chị Nguyễn Thị Thúy Liễu- khóm Tân Phú (phường Tân Hòa): Tôi đi chợ vì thích “gần nhà, đi lại thuận tiện”. Thời gian qua, một số chợ được sửa chữa, nâng cấp, nên đi mua sắm thoải mái hơn, mặt hàng sắp xếp dễ lựa chọn, người bán hàng vui vẻ và có thêm lựa chọn trong việc thanh toán không dùng tiền mặt (chuyển khoản, quét mã QR...). Để người mua gắn bó với chợ, thì giá cả cần hợp lý, đồ ăn tươi, ngon và các mặt hàng bày bán phải phong phú để khách hàng có nhiều lựa chọn.
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THẢO TIÊN
 
Các tin khác: