Nỗ lực "làm mới" chợ truyền thống

Cập nhật, 07:08, Thứ Ba, 09/04/2024 (GMT+7)
Chợ truyền thống là một trong những kênh buôn bán phổ biến và quan trọng trong hoạt động cung ứng hàng hóa cho người dân từ thành thị đến nông thôn. Để nâng cao hiệu quả hoạt động chợ, Chính phủ đã ban hành Nghị định 02 về quản lý và phát triển chợ. Tại Vĩnh Long, UBND tỉnh ban hành các quyết định về chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ; xây dựng các điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm tại các chợ... 
 
Cùng với những kết quả đạt được, chợ truyền thống đang đối mặt với muôn vàn khó khăn. Điều này đặt ra cần có những giải pháp để tháo gỡ vướng mắc, bất cập trong công tác quản lý và phát triển chợ. Qua đây, không chỉ tạo ra hướng đi mới cho chợ truyền thống trong xu thế hiện đại mà còn phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu buôn bán, tiêu dùng của người dân, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội.
Kỳ 1: Chợ xuống cấp, sức mua giảm
 
Chợ Vĩnh Long hiện có 7 nhà lồng và các khu vực kinh doanh. Qua thời gian dài sử dụng, nhiều nơi bị xuống cấp, cần được sửa chữa, gia cố.
Chợ Vĩnh Long hiện có 7 nhà lồng và các khu vực kinh doanh. Qua thời gian dài sử dụng, nhiều nơi bị xuống cấp, cần được sửa chữa, gia cố.
Qua rồi thời hoàng kim- người mua kẻ bán tấp nập, chợ truyền thống đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Hiện, nhiều tiểu thương buôn bán ế ẩm, cầm chừng trước sự cạnh tranh gay gắt với các kênh bán hàng hiện đại và bị thất thế so với những người bán hàng ở vị trí đắc địa. Cùng với đó, điều kiện mua bán không thuận tiện, cơ sở vật chất xuống cấp... khiến cho kênh bán hàng truyền thống vốn bị “lép vế” trước xu thế tiêu dùng hiện đại lại càng trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. 
 
Nhà lồng chợ vắng khách, sức mua giảm
 
Là trung tâm giao lưu kinh tế lớn của tỉnh, chợ Vĩnh Long còn là đầu mối giao thương, nơi trao đổi hàng hóa giữa TP Vĩnh Long với các huyện, thị và các tỉnh thành trong cả nước. Chợ có diện tích gần 12.900m2 với khoảng 2.015 hộ tiểu thương, buôn bán 87 ngành hàng. Hàng ngày, có khoảng 10.000 lượt khách hàng và tiểu thương trao đổi, mua bán. 
 
Chợ hạng I- Vĩnh Long còn là nơi tiêu thụ hàng nông sản của tỉnh và các địa phương khác. Mỗi ngày, chợ cung ứng ra thị trường hàng chục tấn rau, củ, quả, thịt, cá... Hoạt động mua bán tại chợ góp phần bình ổn thị trường, phát triển thương mại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và giải quyết việc làm.
 
Bên cạnh những kết quả đạt được, chợ và tiểu thương đang đối mặt với rất nhiều khó khăn. Chị Nguyễn Thị Phượng- tiểu thương nhà lồng chợ cá chợ Vĩnh Long than thở: “Sáng giờ tôi chỉ bán cho mối, còn bán lẻ chừng 200.000đ, tới trưa thì ngồi ngủ gục hoặc tám chuyện rồi về. Trước đây, tôi ra chợ bán từ 4- 6 giờ sáng có thể kiếm được 1-2 triệu đồng, có lời chút đỉnh, nhưng gần đây buôn bán rất ế”. 
 Tầng 1 nhà lồng bách hóa tổng hợp chợ Phước Thọ không có tiểu thương vào thuê kinh doanh trong nhiều năm nay.
Tầng 1 nhà lồng bách hóa tổng hợp chợ Phước Thọ không có tiểu thương vào thuê kinh doanh trong nhiều năm nay.
Chị Phượng lý giải, khu vực bán cá chợ đêm (đường 1 Tháng 5), trước đây 8-9 giờ tối mới bắt đầu và bán đến 4 giờ sáng thì dọn, nhưng nay chợ “nhóm sớm, dọn trễ”- nhóm từ 5 giờ chiều tới 6-7 giờ sáng hôm sau. Tâm lý chung của khách hàng là cần thuận tiện, cứ tấp vô mua là xong, khỏi tốn công gửi xe rồi đi bộ vô nhà lồng chợ. Chính vì vậy, khi chợ đêm còn bán, thì tiểu thương trong đây... “ngồi đồng”. Hồi đó, khu này có cả trăm hộ bán, nhưng giờ chỉ còn khoảng một nửa “cầm cự” ở đây. 
 
“Lúc trước, tôi bán tới 6 giờ tối chưa về. Hiện, 4 giờ chiều tôi bắt đầu dọn”- chị Phượng nói và cho hay: Trong đây bán ế quá, các chị bưng ra ngoài lộ bán thì không được phép vì đã được bố trí mặt bằng cố định. Cứ bị la thì bưng vô, rồi canh ban quản lý chợ hết giờ làm việc, kéo cửa “cái sột” thì tủa ra lộ bán. Trong vòng 2 tiếng, có thể bán được vài chục ký cá. Cũng số lượng đó, nhưng bán ở đây phải ngồi từ sáng tới chiều, nhưng có khi bán không bằng. Song, hàng tháng vẫn phải đóng tiền thuế, mặt bằng...
 
Khu vực bán cá chợ đêm, vào lúc sáng sớm và tan tầm, việc đi lại rất khó khăn, do người bán lấn chiếm hết lòng, lề đường, xe đậu mua tấp nập, gây ảnh hưởng đến PCCC, văn minh đô thị, vệ sinh an toàn thực phẩm, an ninh trật tự... “Mỗi lần họp, tiểu thương đều phản ánh, nhưng không dẹp được, xe của cơ quan chức năng đi đằng này, thì đằng kia đã bỏ chạy, giống như... “bắt cóc bỏ dĩa”. Các vựa ở đây cũng đợi lúc tối thì để hàng lên xe kéo ra chợ đêm bán, còn tôi bán hàng đông lạnh, không thể kéo cả tủ đông ra, cũng không bưng hàng nổi”- chị Phượng thở dài. 
 
45 năm bán quần áo ở chợ Long Hồ, bà Trần Thị Ánh Tuyết đã chứng kiến được những thay đổi của chợ qua từng thời kỳ, từ lúc chỉ bắt cái sạp nhỏ bán tới lúc vô nhà lồng chợ. Bà cho biết: Đã qua rồi cái thời “buôn bán tấp nập, người đi chợ đông”. Dần dần, việc buôn bán chậm lại... Kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát cho đến nay, thì càng ế ẩm hơn, có khi tận 3- 4 ngày không bán được đồng nào, nên... nản lắm! 
 
“Cả tháng bán chưa được 5 triệu đồng, trong khi tiền thuế, mặt bằng, điện, vệ sinh... tốn hơn 1 triệu đồng/tháng. Ế quá, không đủ tiền xoay xở, nên tôi đóng tiền chậm”- giọng bà Tuyết trầm buồn và thở dài: “Buôn bán khó khăn, nhưng tôi không có việc gì khác để làm, thấy bế tắc luôn. Giờ muốn nghỉ bán cũng không được vì đồ đạc nhiều quá và đã chôn vốn trong đây rất nhiều”. 
 
Qua đi thực tế tại các chợ, chúng tôi nhận thấy khu vực tự sản, tự tiêu, hàng nhu yếu phẩm thì còn có khách. Đối với các khu vực còn lại, đa phần tiểu thương đều than vắn thở dài vì “sức mua giảm, chợ vắng khách”, nhất là các mặt hàng giày dép, quần áo, vải sợi... Mua bán ế ẩm, nhiều tiểu thương trả lại quầy hàng.
 
Tại chợ Phước Thọ (TP Vĩnh Long), khu vực nhà lồng bách hóa trên lầu cũng bỏ trống từ nhiều năm nay. Hiện, rất nhiều chợ chưa khai thác hết mặt bằng, điển hình như: chợ Vũng Liêm có 96 ki-ốt, nhưng chỉ cho thuê được 18 ki-ốt. Nhiều ki-ốt đóng cửa hoặc tận dụng làm kho chứa đồ. Có nơi chỉ lác đác vài hộ bán trông rất ảm đạm. Buổi trưa, tiểu thương chủ yếu... nằm ngủ, lướt điện thoại.
 
Đối mặt muôn vàn khó khăn
 
Thực hiện Quyết định 1944 của UBND tỉnh về công bố tình huống khẩn cấp: nguy cơ sụt lún, sạt lở bờ sông Cổ Chiên và sông Long Hồ (đoạn từ bến phà An Bình đến giáp tuyến kè sông Long Hồ), trong đó nhà lồng chợ cá, rau củ quả và trụ sở làm việc của Ban Quản lý chợ Vĩnh Long cần di dời gấp, nhưng chưa có chỗ bố trí mới. Mong muốn có vị trí mới “phù hợp, thuận tiện mua bán, để ổn định và có thu nhập”- chị Phượng cũng trăn trở: “còn vốn thì có thể đeo được, vốn ít chắc khó trụ lâu”. 
 
Nhà lồng bách hóa chợ Long Hồ, sau hơn chục năm xây dựng đã xuống cấp. Bà Tuyết than thở: “Phải mướn người che mủ, mưa lâm râm còn chịu được, nhưng mưa lớn thì tạt ướt hết, trong khi quần áo, vải vóc rất dễ thâm kim và ẩm mốc”.
 
Nhìn xung quanh, thấy nhiều quầy bán quần áo tối thui, chúng tôi thắc mắc: “Tối vậy sao khách thấy đường mua?”. Bà Tuyết lý giải: “Khách ít vô đây, mở điện thì... tốn tiền, cuối tháng không trả nổi”.
 
Khó khăn chung của các chợ hiện nay là nhiều nhà lồng chợ đi vào sử dụng qua thời gian dài, như: chợ Vĩnh Long có những khu vực được xây cách đây khoảng 50 năm, đã bị xuống cấp nghiêm trọng.
 
Trong khi đó, ngân sách còn hạn chế, không đủ để đầu tư hạng mục mới hay nâng cấp, sửa chữa lớn. Bên cạnh, việc sắp xếp, bố trí ngành hàng tại một số chợ chưa phù hợp, nơi bán thịt cá xen lẫn rau củ, gây mất vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc sắp xếp mặt bằng chưa tốt, nên tiểu thương khiếu nại, phản ánh...
 
Xen lẫn khu vực chợ còn có những dãy nhà phố, mỗi hộ kinh doanh ngành hàng khác nhau. Tình trạng mua bán tự phát, lấn chiếm lòng, lề đường, vỉa hè diễn ra thường xuyên, khi bị nhắc nhở thì... chỉ chấp hành trong thời gian ngắn. 
 
Buôn bán ế ẩm kéo dài, làm ảnh hướng đến sinh kế của tiểu thương, do đứng trước sự cạnh tranh khốc liệt với phương thức thương mại điện tử, bán hàng online, trong khi khả năng tiếp cận công nghệ thông tin của nhiều tiểu thương còn hạn chế, không theo kịp với xu thế mới. Qua tìm hiểu, nhiều tiểu thương chỉ biết dùng điện thoại để nghe và gọi.
 
Trong đó, có người còn không nhớ được số điện thoại của mình, thì việc đăng hàng bán online hay livestream bán hàng còn quá xa vời, chưa kể cần phải có năng khiếu... Cùng với đó là, tâm lý e ngại học hỏi, chưa tự tin để chuyển đổi. 
 
Song song đó, hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, chợ cóc, chợ tạm, điểm họp chợ tự phát, bán hàng trên xe đẩy, buôn bán trái phép, lấn chiếm lối vào chợ, vi phạm mốc lộ giới diễn ra nhiều năm, nhưng chưa có biện pháp xử lý triệt để, làm ảnh hưởng trực tiếp đến việc buôn bán của tiểu thương trong chợ và ảnh hưởng đến công tác PCCC, ATGT, vệ sinh môi trường, văn minh đô thị. 
 
Nhận định “khó khăn của tiểu thương cũng là nỗi trăn trở của lãnh đạo Sở Công Thương và Ban Quản lý chợ”- ông Trần Nhựt Thanh- Giám đốc Sở Công Thương cho biết: UBND tỉnh đã chỉ đạo sở quyết liệt trong công tác quản lý và phát triển chợ. Song, việc quản lý vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc do chợ và nhà phố đan xen. Trong khi đó, chợ do Ban Quản lý chợ quản lý, nhưng lòng đường do Sở GT-VT quản lý, lề đường thì do UBND thành phố và Phòng Quản lý đô thị quản lý. Đây là sự chồng chéo, bất cập trong cơ chế quản lý. 
 
“Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp và thực hiện tốt cơ chế phối hợp, xử lý quyết liệt các trường hợp vi phạm. Hiện, tình trạng bán hàng la, hàng kéo đã giảm nhiều”- ông Trần Nhựt Thanh nói và thừa nhận: Việc mua bán lấn chiếm lòng, lề đường không những gây mất mỹ quan, mà còn làm nhếch nhác bộ mặt chợ và ảnh hưởng đến tiểu thương. Song, mua hàng trong chợ thì phải gửi xe đi vô, trong khi nhà lồng chợ bị xuống cấp, dơ bẩn, người đi chợ e ngại, nên... “tạt ngang đâu đó mua đại cho rồi”. 
 
“Nhờ chỉnh trang, sắp xếp lại các ngành hàng, từ năm 2020 đến nay, bộ mặt của chợ Vĩnh Long đã thông thoáng hơn, xe PCCC có thể vào khi chẳng may có sự cố xảy ra. Song, “làm dâu trăm họ”, không thể nào làm hài lòng hết 100% tiểu thương. Trên thực tế, người bán ở đầu đường lúc nào cũng bán được nhiều hơn người ở cuối đường. Thời gian tới, chúng tôi cố gắng sắp xếp ổn thỏa, để tiểu thương buôn bán thuận tiện hơn”- ông Trần Nhựt Thanh nói.
 
* Ông Trần Nhựt Thanh- Giám đốc Sở Công Thương
Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh đã chỉ đạo quyết liệt về tình trạng khẩn cấp đối với khu vực có nguy cơ sạt lở. Theo đó, phải đồng loạt di dời nhà lồng chợ cá, rau củ quả và trụ sở làm việc của Ban Quản lý chợ Vĩnh Long. Chúng tôi đã đề xuất, trình lên UBND tỉnh những phương án tối ưu nhất, không để tiểu thương bị thiệt thòi. Trong đó, nghiên cứu bố trí gần bờ sông cho tiện mua bán cá và để chợ được hoạt động liên tục cả ngày đêm. 
* Ông Nguyễn Hải Trân- Trưởng Ban Quản lý chợ Long Hồ
Do tình hình buôn bán ế ẩm kéo dài, nên tiểu thương còn nợ tiền mặt bằng và việc thu hồi rất khó khăn. Hiện, nhà lồng bách hóa chợ xuống cấp và bị dột mưa. Bên cạnh, mặt bằng chợ nhỏ hẹp, chưa đáp ứng được nhu cầu mua bán. Cùng với đó, dân cư sống xen kẻ xung quanh chợ, ảnh hưởng không nhỏ đến việc chỉnh trang, sắp xếp, bố trí mặt bằng. 
Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI - THẢO TIÊN
>> Kỳ 2: Mở “lối đi” từ chợ an toàn thực phẩm