Nỗ lực "làm mới" chợ truyền thống

Kỳ 2: Mở "lối đi" từ chợ an toàn thực phẩm

Cập nhật, 05:09, Thứ Tư, 10/04/2024 (GMT+7)
Xây chợ an toàn thực phẩm, nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho tiểu thương, tăng niềm tin người tiêu dùng.
Xây chợ an toàn thực phẩm, nhằm góp phần nâng cao nhận thức cho tiểu thương, tăng niềm tin người tiêu dùng.

Thực hiện Quyết định 2569 của UBND tỉnh về xây dựng các điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tại các chợ trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025, Sở Công Thương đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, duy trì và nâng cao các tiêu chí về ATTP tại các chợ. Trong đó, chú trọng xây dựng mô hình chợ, điểm bán hàng ATTP.

Đồng thời, từng bước nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tiểu thương đối với người tiêu dùng, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển chợ truyền thống theo xu hướng văn minh, hiện đại.

Tăng niềm tin người tiêu dùng 
 
Toàn tỉnh hiện có 8 mô hình chợ ATTP, gồm: chợ Phước Thọ (TP Vĩnh Long), chợ Cái Ngang (huyện Tam Bình), chợ Đông Bình (TX Bình Minh), chợ Tân Thành và Tân Quới (huyện Bình Tân) và 3 chợ huyện (Long Hồ, Trà Ôn, Tam Bình); đồng thời có 536 điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo tiêu chí vệ sinh ATTP tại các chợ, với tổng vốn đầu tư gần 3 tỷ đồng.
 
Bà Nguyễn Thị Tố Quyên- Trưởng Phòng Quản lý thương mại Sở Công Thương cho hay, các điểm kinh doanh ATTP đều gắn bảng hiệu, có giấy phép đăng ký kinh doanh, giấy khám sức khỏe của người trực tiếp bán và vệ sinh sạch sẽ điểm kinh doanh.
 
Ngành chức năng định kỳ phối hợp với các đơn vị quản lý chợ kiểm tra ATTP. Đơn vị quản lý chợ thường xuyên tổng vệ sinh nhà lồng chợ, nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường. Hiện, các chợ đều ký hợp đồng thu gom vận chuyển rác, thành lập bộ phận vệ sinh quét rác khu vực chợ hàng ngày, thu gom vận chuyển rác đến điểm tập kết.
 
Theo ông Trương Thanh Sử- Phó Giám đốc Sở Công Thương, chợ ATTP được công nhận dựa trên 3 yếu tố. Đầu tiên là, người bán hàng tại điểm kinh doanh đảm bảo vệ sinh ATTP phải được tập huấn kiến thức về ATTP, đủ sức khỏe theo quy định. Thứ hai là, cơ sở vật chất phải được xây dựng theo tiêu chuẩn chợ kinh doanh thực phẩm. Cuối cùng là, hàng hóa kinh doanh phải kiểm soát được nguồn gốc một cách chặt chẽ. 
 
Nhìn chung, tại hầu hết các chợ ATTP, người bán đều được tập huấn kỹ năng cần thiết, kiểm tra sức khỏe; các điểm kinh doanh thực phẩm được xây dựng theo Tiêu chuẩn Việt Nam 11856:2017 về chợ kinh doanh thực phẩm, có biển hiệu ghi rõ tên mặt hàng kinh doanh; vệ sinh sạch sẽ khu vực kinh doanh thực phẩm và lối đi xung quanh quầy hàng; thực phẩm sống cách ly thực phẩm chín...
 
Đặc biệt, sản phẩm kinh doanh có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, bảo đảm truy xuất nguồn gốc, có sổ sách ghi chép hợp đồng, hóa đơn, chứng từ lưu giữ thông tin đến việc mua bán sản phẩm.
 
Hơn 5 năm thực hiện mô hình chợ ATTP, chợ Phước Thọ (TP Vĩnh Long) hiện có 83 điểm kinh doanh đảm bảo tiêu chí ATTP. Các mặt hàng thực phẩm tươi sống, rau củ quả được bố trí rộng rãi; quầy hàng kiên cố; tiểu thương có giấy xác nhận kiến thức ATTP, cam kết bán hàng đảm bảo nguồn gốc xuất xứ, có sổ theo dõi nguồn gốc thực phẩm. Ban quản lý chợ thường xuyên tuyên truyền về đảm bảo ATTP, kiểm tra việc kinh doanh các ngành hàng thực phẩm, kiểm tra bao bì, hạn sử dụng, kinh doanh thịt gia súc, gia cầm phải được kiểm dịch, có đóng dấu của chi cục thú y. 
 
Kinh doanh thịt heo tại quầy hàng rộng 3m2 với khung inox, điểm bày bán được lát gạch men sạch sẽ, chị Lê Mộng Nghi- tiểu thương tại chợ Long Hồ phấn khởi khi “quầy được trang bị thêm bảng hiệu để khách dễ nhận biết; điểm bán vệ sinh hơn trước, có đường thoát nước, lối đi thông thoáng nên người đi chợ không còn ngại vào chợ mỗi khi trời mưa”- chị Nghi nói.
 
Thường xuyên đi chợ Long Hồ, mấy tháng qua bà Phạm Thị Hoa (ngụ xã Phú Đức) đã sớm nhận ra sự khác biệt trong nhà lồng nông sản thực phẩm. Đó là, các quầy kinh doanh được nâng cấp khang trang, gắn biển hiệu nhận biết. “Hồi đó mấy tháng mưa, tôi rất ngại vào chợ do ngập nước, bốc mùi... Bây giờ đường vào chợ được lát bê tông, không còn ngập, ứ nước vào mùa mưa. Chỗ bán thịt, cá được bố trí riêng biệt, quầy sạp sạch sẽ, tiểu thương bán đúng giá chứ không nói thách”- bà Hoa nói. 
 
Trên thực tế, việc mở rộng các điểm kinh doanh ATTP tại các chợ không chỉ phục vụ tốt nhu cầu của người tiêu dùng, mà còn giúp tiểu thương hiểu rõ lợi ích của chợ ATTP và tuân thủ các quy định. Đây cũng là một trong những cách để tạo sức hút và giữ chân khách hàng cho chợ truyền thống.
Huyện Mang Thít hiện có 7 chợ (1 chợ hạng II, 6 chợ hạng III), với 491 hộ kinh doanh cố định và 255 hộ buôn bán không thường xuyên. Trong đó, một số nhà lồng chợ chưa khai thác hết mặt bằng; việc triển khai, xây dựng các điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo tiêu chí ATTP tại các chợ theo Quyết định 2569 của UBND tỉnh còn chậm, huyện mới triển khai tại 5 quầy bán thịt gia súc tại chợ An Phước.

Phát triển cơ sở hạ tầng

 
Với diện tích rộng hơn 1.500m2, chợ Long Hồ là nơi mua bán của 279 tiểu thương, trong đó 146 tiểu thương kinh doanh cố định, còn lại là không cố định.
 
Ông Nguyễn Hải Trân- Trưởng Ban Quản lý chợ Long Hồ cho hay: Chợ được quy hoạch xây dựng mô hình chợ ATTP từ năm 2020, với vốn xây dựng 519 triệu đồng, từ nguồn huy động tiểu thương. Hiện, nhà lồng nông sản thực phẩm có khoảng 87 quầy bán hàng ATTP. Năm 2023, tỉnh hỗ trợ thêm 350 triệu đồng để chợ tiếp tục xây dựng và hoàn thiện khu vực chợ cá đạt tiêu chí ATTP. Đến nay, việc kinh doanh của tiểu thương đã dần ổn định, đảm bảo vệ sinh môi trường, PCCC. Nhìn chung, mô hình chợ ATTP đã góp phần nâng cao mỹ quan đô thị; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của tiểu thương đối với người tiêu dùng; củng cố niềm tin, tăng sức hút cho chợ truyền thống trước sự cạnh tranh gay gắt của các hình thức kinh doanh hiện đại”.
 
Kinh doanh thịt heo hơn 10 năm tại chợ Long Hồ, chị Nghi chia sẻ: “Khi nhà lồng chợ nông sản thực phẩm chưa xây dựng, thì sạp của tôi làm bằng cây. Vài năm trước, ban quản lý chợ vận động góp vốn xây chợ ATTP. Lúc đầu, nhiều người ngại tốn kém, nên chưa đồng tình. Riêng tôi thì nhất trí làm sớm. Sau khi quầy sạp được xây lại bằng inox, lát gạch men cao ráo, sạch sẽ, nên người mua nhiều hơn. Mấy chị em xung quanh thấy vậy cũng làm theo”. 
 
Theo ông Nguyễn Hải Trân, đến nay 21/21 quầy bán thịt heo đều được làm mới kiên cố với khung nền lát gạch men hoặc inox. Trong đó, 15 quầy gắn biển hiệu. Tổng vốn tiểu thương đầu tư xây quầy hàng ATTP là 168 triệu đồng. 
 
Bên cạnh những thuận lợi, chợ Long Hồ vẫn còn gặp một số hạn chế trong việc mở rộng thêm các điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo tiêu chí vệ sinh ATTP do mặt bằng chợ hẹp; việc giải quyết tình trạng buôn bán lấn chiếm lòng đường, vỉa hè còn nhiều khó khăn; giá cả thị trường có nhiều biến động, một số dịch bệnh trên gia súc, gia cầm vẫn còn bùng phát gây ảnh hưởng đến việc buôn bán của tiểu thương…
 
Để phát triển mô hình chợ ATTP, Sở Công Thương đang tiếp tục nâng cấp, sửa chữa 15 chợ; xây dựng 2 mô hình chợ ATTP tại chợ Cái Nhum (huyện Mang Thít) và chợ Hiếu Phụng (huyện Vũng Liêm). Đồng thời, vận động tiểu thương tham gia xây dựng các điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo tiêu chí vệ sinh ATTP; tạo mối liên kết giữa các nhà sản xuất trong tỉnh với các đơn vị quản lý khai thác chợ, tạo hệ thống cung ứng hàng hóa đảm bảo ATTP, chất lượng, mẫu mã đẹp, phong phú cho người tiêu dùng. 
 
Năm 2021-2023, hệ thống chợ trong tỉnh được quan tâm đầu tư nâng cấp, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân. Theo đó, đã xây mới, nâng cấp, sửa chữa 64 chợ với tổng vốn đầu tư hơn 50 tỷ đồng.
 
Sở Công Thương đã phối hợp kiểm tra, hướng dẫn các đơn vị quản lý chợ trong việc bố trí, sắp xếp ngành hàng mua bán; hướng dẫn xây dựng các điểm kinh doanh theo tiêu chuẩn thiết kế chợ kinh doanh thực phẩm, niêm yết giá và bán đúng theo giá niêm yết, đảm bảo ATTP, xây dựng chợ văn hóa, văn minh thương mại, góp phần nâng chất tiêu chí số 7 về hạ tầng thương mại nông thôn trong xây dựng xã NTM, NTM nâng cao. Các đơn vị quản lý chợ đã thực hiện tốt các quy định về tổ chức quản lý chợ, đảm bảo vệ sinh môi trường, PCCC, ATTP. 
Nhằm tạo sức hút và giữ chân khách hàng, các chợ được sắp xếp gọn gàng, bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm, niêm yết giá, tiểu thương giao tiếp chuẩn mực...
Nhằm tạo sức hút và giữ chân khách hàng, các chợ được sắp xếp gọn gàng, bảo đảm các yêu cầu về an toàn thực phẩm, niêm yết giá, tiểu thương giao tiếp chuẩn mực...
Nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người tiêu dùng, Ban Quản lý chợ Vĩnh Long luôn quan tâm đầu tư cải tạo, sửa chữa cơ sở vật chất; bố trí, sắp xếp tiểu thương kinh doanh đảm bảo trật tự, vệ sinh, văn minh thương mại và phù hợp với nhu cầu của tiểu thương tại chợ.
 
“Thời gian qua, chúng tôi đã di dời một số hộ buôn bán trên các tuyến đường xung quanh chợ đến các khu vực thích hợp, tạo sự thông thoáng trong lưu thông hàng hóa, đảm bảo mỹ quan đô thị, thuận tiện cho người dân đến tham quan, mua sắm”- ông Phạm Thanh Tùng- Trưởng Ban Quản lý chợ Vĩnh Long cho biết. 

Toàn TP Vĩnh Long có 10 chợ (3 chợ hạng II, 7 chợ hạng III). Trong đó, chợ Phước Thọ (Phường 8) thực hiện mô hình chợ thí điểm đảm bảo ATTP. Đồng thời, có 108 điểm kinh doanh thực phẩm đảm bảo ATTP tại các chợ. Bà Ngụy Mộng Cầm- Trưởng Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long cho biết, năm nay, thành phố sẽ xây dựng 18 điểm kinh doanh đảm bảo ATTP tại chợ Cua (chợ Long Châu- điểm Phường 4) và chợ Trường An; đồng thời bà cũng kiến nghị hỗ trợ mở rộng, xây dựng các cửa hàng kinh doanh thực phẩm đảm bảo tiêu chí ATTP tại các chợ hạng II, giúp người tiêu dùng tiếp cận các sản phẩm đạt ATTP. Đồng thời, nâng cao ý thức, trách nhiệm của những tập thể, cá nhân sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THẢO TIÊN
 
>> Kỳ 3: Chuyển đổi mô hình quản lý chợ- đa lợi ích, lắm trở ngại