Nỗ lực "làm mới" chợ truyền thống

Kỳ 3: Chuyển đổi mô hình quản lý chợ- đa lợi ích, lắm trở ngại

Cập nhật, 14:55, Thứ Năm, 11/04/2024 (GMT+7)

 

Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ góp phần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác hiệu quả chợ truyền thống.
Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ góp phần khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác hiệu quả chợ truyền thống.

Thực hiện Nghị định 02 của Chính phủ về quản lý và phát triển chợ, bên cạnh việc phát triển hạ tầng thương mại và thực hiện đề án chợ an toàn thực phẩm (ATTP), tỉnh Vĩnh Long đã và đang thực hiện việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ ban quản lý (BQL) sang doanh nghiệp (DN), HTX kinh doanh, khai thác chợ.

Qua đó, khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư, khai thác hiệu quả hệ thống chợ; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh, khơi thông nguồn lực để phát huy tốt vai trò của chợ truyền thống trong việc thúc đẩy giao thương, tăng thu ngân sách, đóng góp tích cực vào sự tăng trưởng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của địa phương.

Chuyển đổi 50/115 chợ

Đến nay, toàn tỉnh đã chuyển đổi 50/115 chợ sang mô hình DN, HTX kinh doanh, khai thác chợ, chiếm 43,5%. Trong đó, 35 chợ do DN quản lý, còn lại do HTX quản lý. Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ đã góp phần tăng thu cho ngân sách 30- 50% đối với nguồn thu từ chợ, giảm vốn ngân sách đầu tư cho xây dựng, nâng cấp sửa chợ hàng năm; tạo điều kiện cho các đơn vị quản lý chợ chủ động khai thác tiềm năng, lợi thế để đầu tư xây dựng chợ hoạt động theo hướng văn minh, hiện đại, đảm bảo các quy định về vệ sinh ATTP, PCCC. Qua đó, phát huy hiệu quả trong việc thu hút, tập trung nguồn hàng tại địa phương và các vùng lân cận, cũng như đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa và tiêu dùng của người dân.

Trước khi chuyển đổi mô hình quản lý chợ, các địa phương đều triển khai lấy ý kiến của hộ tiểu thương. Nhìn chung, đa số đều đồng tình, thống nhất thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ, nên không làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh mua bán của tiểu thương, giúp tiểu thương an tâm buôn bán theo kế hoạch sắp xếp ngành hàng, vị trí kinh doanh chợ đã được phê duyệt.

Tại huyện Vũng Liêm, trong số 13/13 chợ đã chuyển đổi mô hình quản lý chợ, chợ được xây dựng khang trang, rộng rãi nhất là chợ Vũng Liêm với khoảng 1,5ha, riêng khu vực tự sản tự tiêu gần 0,7ha. Chợ có 380 quầy kinh doanh được sắp xếp, bố trí theo từng ngành hàng, có gắn bảng hiệu, mái lợp tôn, nền lát bê tông; khu vực chợ có nhà vệ sinh, bãi giữ xe.

Theo ông Nguyễn Văn Chiến- Phó Trưởng Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Vũng Liêm, năm 2017-2020, các chợ đã chuyển đổi từ BQL chợ sang DN, HTX kinh doanh, khai thác và quản lý chợ. Đến nay, các chợ đều hoạt động hiệu quả; tiểu thương buôn bán cơ bản ổn định; đảm bảo vệ sinh môi trường (VSMT), ATTP, PCCC. Việc chuyển đổi mô hình làm giảm bộ máy quản lý nhà nước (giảm hơn 100 biên chế); giảm chi tiêu và tăng thu ngân sách (khoảng 2,8 tỷ đồng/năm); phát huy tiềm năng của chợ, tạo việc làm cho DN, HTX.

TX Bình Minh hiện có 7 chợ (1 chợ hạng II, 6 chợ hạng III) phân bố tại 7 xã, phường (xã Đông Bình không có chợ) do 3 DN kinh doanh, khai thác. Năm 2022-2023, các chợ được DN quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp, với tổng kinh phí trên 12 tỷ đồng. Theo đó, các chợ đều có phương án PCCC; xây dựng nội quy, quy chế và phương án sắp xếp, bố trí các khu vực hàng hóa đảm bảo tiêu chí ATTP, VSMT…

Ông Lê Thanh Thuận- Trưởng Phòng Kinh tế TX Bình Minh đánh giá: “Thực hiện mô hình DN kinh doanh, khai thác và quản lý chợ đã tạo tính chủ động trong công tác xây dựng và quản lý chợ; huy động được nguồn vốn trong DN để đầu tư cải tạo, phát triển chợ, từng bước thực hiện văn minh thương mại; góp phần tăng lợi nhuận cho DN, tăng thu ngân sách từ chợ. Theo đó, thu nộp ngân sách trong 3 năm qua đạt hơn 1,2 tỷ đồng. Bên cạnh, giảm vốn ngân sách chi cho hoạt động quản lý chợ hàng năm”.

Bà Võ Thị Đậm- Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển hạ tầng kỹ thuật Bình Minh cho biết: “Chợ Cái Vồn có diện tích hơn 3.000m2, gồm 417 lô kinh doanh với 336 hộ tiểu thương. Năm 2021, công ty bắt đầu đầu tư, khai thác và quản lý chợ Cái Vồn, đến nay hoạt động kinh doanh tương đối ổn định, mỗi năm đều có lợi nhuận. Đồng thời, công ty cũng quan tâm đầu tư, xây dựng, nâng cấp trang thiết bị chợ ngày càng hiện đại; đảm bảo PCCC, VSMT, ATTP; giải quyết được nhiều việc làm, thực hiện tốt việc an sinh xã hội”.

Năm 2022, Sở Công Thương ra mắt mô hình “Chợ 4.0- Thanh toán không dùng tiền mặt” tại chợ Vĩnh Long. Đây là mô hình đầu tiên được triển khai tại chợ truyền thống. Hiện, trên 240 tiểu thương nhà lồng chợ C và dãy trái cây đường 3 Tháng 2, đăng ký trở thành điểm chấp nhận thanh toán của Viettel Money, kết nối 30 ngân hàng và các ví điện tử; hỗ trợ tiểu thương, khách hàng giao dịch chuyển nạp, rút tiền và mua bán trực tuyến nhanh chóng, dễ dàng hơn.

Thông qua mô hình này, ngành công thương kỳ vọng các tiểu thương, cơ sở, doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ tăng cường chuyển đổi số, đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt trong giao dịch cung ứng hàng hóa, dịch vụ.

Nhiều “nút thắt” cần tháo gỡ

Theo Sở Công Thương, bên cạnh những kết quả tích cực, công tác chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác và quản lý chợ vẫn còn nhiều khó khăn. Một số DN, HTX khai thác, quản lý chợ chưa sắp xếp ngành hàng hợp lý, hạn chế trong đảm bảo VSMT, PCCC, ảnh hưởng văn minh thương mại.

Các đơn vị quản lý chợ chủ yếu quan tâm nguồn thu nên việc sắp xếp mặt bằng chợ chưa hợp lý, vẫn còn tình trạng lấn chiếm hành lang, vỉa hè; mâu thuẫn giữa tiểu thương với tiểu thương và giữa tiểu thương với đơn vị quản lý.

Một số hạng mục công trình tại các chợ đã xuống cấp như chợ Tân An Luông, Trung An, Hiếu Thành, Quới Thiện và Trung Hiệp (huyện Vũng Liêm), nhưng chưa được sửa chữa kịp thời gây ảnh hưởng đến việc mua bán của người dân. Thời gian hợp đồng khai thác chợ là 5 năm chưa phù hợp, do các DN, HTX cần thời gian dài hơn để hoàn vốn và sinh lợi. Việc phối hợp giữa các đơn vị quản lý chợ với UBND huyện, xã, liên minh HTX và một số phòng chức năng cấp huyện còn hạn chế…

Đồng tình với nhận định trên, ông Lê Thanh Thuận- Trưởng Phòng Kinh tế TX Bình Minh cho hay, đa phần các chợ đã được chuyển đổi nằm ở vùng nông thôn, không thu hút nhiều tiểu thương, thời gian họp chợ ngắn nên nguồn thu của chợ khá thấp. Ngoài ra, kinh doanh thương mại điện tử đang cạnh tranh với sức mua ở chợ, gây ảnh hưởng đến doanh thu của DN. Nguồn ngân sách dành cho sửa chữa, nâng cấp, mở rộng chợ rất hạn chế nên việc đầu tư xây dựng, sửa chữa, cải tạo các chợ chưa được quan tâm đúng mức”.

Theo UBND huyện Long Hồ, toàn huyện hiện có 18 chợ (16 chợ hạng III và 2 chợ hạng II) phân bổ ở 14 xã, thị trấn (xã Phước Hậu không có chợ), với 838 hộ kinh doanh cố định và 647 hộ buôn bán không cố định. Thời gian qua, công tác chuyển đổi mô hình từ BQL chợ sang DN, HTX khai thác, quản lý nhưng tiến độ còn rất chậm và gặp nhiều khó khăn, như một số chợ khai thác nguồn thu chưa tốt, nên chưa có nguồn kết dư để đầu tư sửa chữa,
nâng cấp chợ…

Bán hàng ăn uống tại chợ Hàn Thẻ (xã Lộc Hòa, huyện Long Hồ), chị Trần Thị Thu Xuân bày tỏ: “Tôi bán cố định tại đây hơn 3 năm, mỗi ngày bán từ 3 giờ sáng đến 11 giờ trưa. Hiện, khu vực này vẫn chưa có mái che, nắng thì thức ăn mau hư, mưa thì ướt; thuê dù để che thì không khả quan mà tốn kém, tôi mong sớm được bố trí mái che”.

Ông Nguyễn Tấn Phương- Trưởng Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Long Hồ, cho biết: “Giai đoạn 2018-2023, huyện chỉ mới chuyển đổi 3/18 chợ (Phú Quới, Hàn Thẻ và Hòa Ninh) từ mô hình BQL chợ sang DN, HTX kinh doanh, khai thác quản lý, do cơ quan chuyên môn chưa có kinh nghiệm về công tác lập hồ sơ; trình tự phê duyệt phương án đấu giá, bố trí sắp xếp mặt bằng chợ… cho DN, HTX tham gia khai thác, kinh doanh tại các chợ; công việc này khá phức tạp và tốn nhiều thời gian. Sắp tới, huyện tiếp tục thực hiện hoàn thành đấu giá lại việc kinh doanh, quản lý và khai thác chợ Phú Quới giai đoạn 2024-2028; đồng thời kêu gọi đầu tư khu thương mại, dịch vụ Phước Yên”.

Bà Ngụy Mộng Cầm- Trưởng Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long, cho biết: “Năm 2021, Công ty CP Bách Thiên Lộc Market đã tiếp nhận chuyển giao khoán kinh doanh, khai thác và quản lý chợ Tân Hội. Tuy nhiên, trong thời gian hợp đồng công ty đã gặp khó khăn về kinh tế do ảnh hưởng từ dịch COVID-19 nên đã chấm dứt hợp đồng và nộp giao khoán 9 tháng với số tiền hơn 250 triệu đồng. Năm nay, thành phố tiếp tục khảo sát thực tế lấy số liệu xây dựng phương án đấu giá đối với chợ Long Châu, Phước Thọ và Trường An”.

Năm 2024, TP Vĩnh Long thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ BQL sang DN, HTX kinh doanh, khai thác và quản lý chợ tại 3 chợ (Long Châu, Phước Thọ và Trường An); huyện Long Hồ chuyển đổi 2 chợ (Tân Thới, Long Hiệp); TX Bình Minh chuyển đổi chợ Thuận An. Ngoài ra các địa phương tiếp tục chuyển đổi các chợ hạng III khi đáp ứng các điều kiện chuyển đổi.

Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI- THẢO TIÊN

>> Kỳ cuối: Đổi mới để phát triển và giành lại “chỗ đứng”