Thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Cập nhật, 15:59, Thứ Năm, 11/04/2024 (GMT+7)
Những vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở trường học là bệ phóng phát triển những ý tưởng của sinh viên.
Những vườn ươm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo ở trường học là bệ phóng phát triển những ý tưởng của sinh viên.
Hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (KNĐMST) được xác định là một trong những động lực then chốt để thúc đẩy phát triển kinh tế. Thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế, triển khai nhiều nhiệm vụ với những bước đi cụ thể nhằm thúc đẩy hoạt động KNĐMST. 
 
Lợi thế để thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
 
Trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của các doanh nghiệp KNĐMST đã góp phần đáng kể vào những thành tựu phát triển chung của đất nước. Khuyến khích phát triển doanh nghiệp KNĐMST cho phép khai thác tốt hơn nguồn lao động, nguồn vốn, công nghệ và thị trường. Đặc biệt doanh nghiệp KNĐMST là môi trường thuận lợi để khai thác tối đa lượng chất xám, tinh thần làm giàu, ước mơ vươn mình ra thế giới của thế hệ trẻ hiện nay.
 
Ông Nguyễn Văn Giới- Phó Giám đốc Sở KH-CN cho biết, là một trong những địa phương có nhiều cơ sở đào tạo bậc ĐH và CĐ của vùng ĐBSCL, Vĩnh Long có thế mạnh để khởi nghiệp, đặc biệt là KNĐMST. Giai đoạn 2021-2023, sở đã phối hợp tổ chức 9 khóa tập huấn đào tạo cho các đối tượng là lãnh đạo, quản lý sở ngành; giảng viên chuyên viên các trường ĐH, CĐ; học sinh, sinh viên các trường.
 
Trong chương trình liên tịch của Sở KH-CN với các trường ĐH trên địa bàn đã tổ chức 4 hội thảo với trên 400 đại biểu tham dự. Thực hiện đăng hơn 40 bản tin tuyên truyền KNĐMST do Cục Thông tin KH-CN quốc gia phát hành trên cổng thông tin điện tử của Sở KH-CN… 
 
Bên cạnh đó, UBND tỉnh phối hợp với Trung tâm KNĐMST của ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh tư vấn xây dựng mô hình hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp KNĐMST tại Trung tâm Ứng dụng KH-CN Vĩnh Long.
 
Trong khuôn khổ đề tài “Xây dựng mô hình và triển khai hoạt động hỗ trợ KNĐMST tỉnh Vĩnh Long”, Sở KH-CN Vĩnh Long đã phối hợp với Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH-CN TP Hồ Chí Minh tổ chức các khóa đào tạo, tập huấn cho các đối tượng là lãnh đạo, quản lý các sở ngành, giảng viên các trường ĐH, CĐ... 
 
UBND tỉnh đã ban hành nhiều chính sách, kế hoạch, chương trình hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là KNĐMST. Trên cơ sở đó, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã ra đời với cách làm mới, đầy sáng tạo.
 
Điển hình như dòng sản phẩm từ nấm bào ngư xám của Công ty TNHH MTV Thực phẩm sạch An An (Snack nấm bào ngư, canh nấm bào ngư ăn liền…); các sản phẩm từ khoai lang tím (bánh phồng khoai lang, nui khoai lang, ống hút khoai lang…) của Công ty TNHH Bánh Nhật Ngọc; sản phẩm mứt xoài từ xoài cát núm Vũng Liêm của Cơ sở sản xuất chế biến thực phẩm FOODO; sản phẩm lạp xưởng từ cá tra của Cơ sở sản xuất kinh doanh lạp xưởng cá H-FOOD…
 
Theo Sở KH-ĐT, bình quân hàng năm có khoảng 250 doanh nghiệp mới thành lập với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 1.000 tỷ đồng. Đồng thời với việc tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển và khuyến khích khởi nghiệp; Vĩnh Long không ngừng nỗ lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp để tăng cường thu hút, huy động nguồn lực này, tạo động lực thúc đẩy, đóng góp quan trọng nhất vào quá trình phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh.
 
Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã phát triển 1.683 doanh nghiệp với tổng số vốn đăng ký là 12.995 tỷ đồng, 576 chi nhánh và văn phòng đại diện, 1.160 địa điểm kinh doanh…
 
Vượt qua những khó khăn, thách thức
 
Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, song hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp và KNĐMST của tỉnh vẫn chưa tương xứng với tiềm năng và thế mạnh. Quá trình khởi nghiệp vẫn thiếu những “startup” đúng nghĩa, nhiều “điểm nghẽn” còn tồn tại như: nguồn lực và năng lực của các tổ chức hỗ trợ thúc đẩy khởi nghiệp còn hạn chế; các bộ phận được giao nhiệm vụ thúc đẩy khởi nghiệp phần lớn làm kiêm nhiệm nên chưa tập trung và thiếu giải pháp đột phá.
 
Sự kết nối giữa các tổ chức hỗ trợ trong hệ sinh thái khởi nghiệp như cộng đồng doanh nghiệp, các viện nghiên cứu- trường ĐH, cơ quan chức năng địa phương… chưa chặt chẽ, thiếu sự gắn kết. 
 
Trong nỗ lực truyền thêm nhiều cảm hứng về tinh thần KNĐMST cho những người trẻ, Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh phân hiệu Vĩnh Long đã thành lập vườn ươm KNĐMST Mekong thực hiện chương trình ươm tạo dự án, chương trình huấn luyện đào tạo ngắn hạn, hoạt động kết nối hệ sinh thái khởi nghiệp rộng khắp các khu vực.
 
TS Bùi Quang Hùng chia sẻ: Thành lập vườn ươm KNĐMST Mekong sẽ là bệ phóng vững chắc cho việc phát triển những ý tưởng của sinh viên từ khi ngồi ghế nhà trường, giúp đỡ cho các thanh niên có những ý tưởng khởi nghiệp; hỗ trợ và kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế để phát triển các dự án khởi nghiệp trở thành các công ty khởi nghiệp thành công; phát huy tiềm năng và thế mạnh của địa phương trong các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, giáo dục, y tế…
 
Là một trong những người khởi nghiệp từ nông sản địa phương, anh Nguyễn Thanh Việt- Công ty TNHH Bánh Nhật Ngọc thành công tại các cuộc thi khởi nghiệp trong và ngoài tỉnh cùng dự án bộ sản phẩm từ khoai lang với giải nhì cuộc thi khởi nghiệp ĐBSCL 2018; giải nhất cuộc thi khởi nghiệp tỉnh Vĩnh Long năm 2019; vào top những dự án khởi nghiệp do Trung ương Đoàn tổ chức…
 
Góp ý cho việc thành lập Trung tâm KNĐMST của tỉnh trong tương lai, anh Việt đề xuất: “Xây dựng đội ngũ hướng dẫn viết các ý tưởng, dự án theo hướng đổi mới sáng tạo; kết nối với các tổ chức, các quỹ để tăng cường kêu gọi đầu tư cho các dự án. Hướng dẫn thực hiện hồ sơ, thủ tục đơn giản, nhanh chóng.
 
Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức giao lưu học hỏi, kết nối tìm đầu ra cho sản phẩm. Và điều cần thiết nhất là đội ngũ trong tổ chức khởi nghiệp phải thật sự trẻ, nhiệt huyết, thân thiện, sát tay cùng các ý tưởng”…
 
Trong thời gian tới, để khắc phục hạn chế, phát huy thế mạnh, Vĩnh Long đã thông qua nhiều giải pháp quan trọng nhằm tạo môi trường thuận lợi để kết nối hệ sinh thái KNĐMST.
 
Ông Nguyễn Văn Giới cho biết, về môi trường pháp lý, cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế chính sách, hành lang pháp lý để bàn giao kết quả nghiên cứu khoa học của các viện nghiên cứu, trường ĐH cho các cá nhân, tổ chức có nhu cầu hoàn thiện công nghệ, ươm tạo công nghệ tạo sản phẩm…, từ đó phát triển thành doanh nghiệp KH-CN để hưởng các cơ chế ưu đãi về thuế, đất đai và các ưu đãi khác.
 
Về trụ cột văn hóa trong khởi nghiệp, tiếp tục và đẩy mạnh các cuộc thi ý tưởng và dự án khởi nghiệp, các cuộc thi khởi nghiệp của các tổ chức đoàn thể nhằm phát động phong trào KNĐMST với sự tham gia của nhiều thành phần như thanh niên, phụ nữ, học sinh, sinh viên.
 
Ông Nguyễn Văn Giới nhấn mạnh, một trong những chiến lược trọng tâm để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp KNĐMST là phát triển tiềm lực KH-CN, hỗ trợ KNĐMST thông qua các vườn ươm được xem là “hạt nhân”. Về vốn đầu tư, tập trung các nguồn lực để hỗ trợ ươm tạo doanh nghiệp KNĐMST, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các nguồn lực về tài chính…
Bài, ảnh: PHƯƠNG THƯ
Các tin khác: