Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực y tế

Cập nhật, 07:16, Thứ Ba, 05/03/2024 (GMT+7)

 

Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Mang Thít tiếp nhận đăng ký khám, chữa bệnh cho người dân bằng thẻ BHYT, CCCD.
Nhân viên Trung tâm Y tế huyện Mang Thít tiếp nhận đăng ký khám, chữa bệnh cho người dân bằng thẻ BHYT, CCCD.

Những năm gần đây, ngành y tế Vĩnh Long đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), chuyển đổi số (CĐS) một cách toàn diện, tạo sự thay đổi tích cực trong khám, chữa bệnh, nhờ đó mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh và nhân viên y tế.

Tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh

TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế, cho biết trong thời gian qua, ngành y tế Vĩnh Long tiếp tục thực hiện cải cách hành chính và CĐS mạnh mẽ trong công tác khám, chữa bệnh (KCB).

Qua đó, triển khai thực hiện các nội dung của Đề án Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (gọi tắt là Đề án 06) liên quan đến lĩnh vực KCB.

Qua thời gian triển khai thực hiện, Đề án 06 đã góp phần giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục KCB, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân không phải mang nhiều loại giấy tờ khi đi KCB.

Hiện, 15/15 BVĐK, bệnh viện chuyên khoa, trung tâm y tế tuyến huyện đã triển khai KCB BHYT bằng CCCD có gắn chip, giúp cơ sở KCB tra cứu thông tin thẻ BHYT bằng CCCD gắn chip thành công phục vụ làm thủ tục KCB BHYT. Sở Y tế khởi động triển khai đơn thuốc điện tử và liên thông đơn thuốc với hệ thống đơn thuốc quốc gia.

Năm 2023, Trung tâm Y tế huyện Mang Thít là một trong những đơn vị tiên phong trong việc triển khai CĐS y tế toàn diện của ngành y tế Vĩnh Long.

Đơn vị đầu tư hạ tầng công nghệ, máy móc trang thiết bị hiện đại, kết nối với hệ sinh thái phần mềm quản lý bệnh viện VNPT HIS; triển khai phần mềm PACS kết nối, lưu trữ hình ảnh CT, MRI, DSA, siêu âm;… cũng như triển khai các dịch vụ chăm sóc khách hàng đặt mục tiêu CĐS y tế toàn diện, nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh trực tiếp thụ hưởng những lợi ích, các dịch vụ tốt nhất về KCB.

“Tiếp nhận bệnh nhân sử dụng thẻ BHYT; CCCD qua hệ thống bắt số, gọi số, xếp hàng tại các khoa. Với những hình thức đăng ký này bệnh nhân chỉ mất khoảng 30 giây là đăng ký xong. Hệ thống giúp cho người bệnh đến khám bệnh chủ động trong việc bắt số thứ tự (vào trước- ra trước), không còn tình trạng ùn tắc, chen lấn, mất trật tự.

Các y bác sĩ chủ động trong việc phân luồng người bệnh khi lượng bệnh tăng cao tạo môi trường làm việc văn minh, hiện đại và chuyên nghiệp”- BS.CK2 Bùi Minh Tuấn- Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Mang Thít, cho biết.

Chú Nguyễn Thanh Sang (xã Tân Long Hội, huyện Mang Thít) cho hay: “Khi đến khám bệnh, tui được hướng dẫn quẹt thẻ BHYT để lấy số. Thay vì chen chúc để nghe gọi số, nay người bệnh có thể chủ động, chỉ cần theo dõi bảng điện tử và chờ đến lượt theo số thứ tự được cấp sẵn để vào phòng khám bệnh; đóng tiền hoặc nhận thuốc. Nhanh, tiện vô cùng, tui chịu lắm”.

Hướng xây dựng hệ thống y tế hiện đại

Đặc biệt, BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long đã triển khai thành công bệnh án điện tử. “Kể từ khi triển khai bệnh án điện tử, bệnh nhân không còn phải chờ đợi, không sợ làm mất kết quả xét nghiệm nếu đã từng đến KCB tại đây. Thông tin về tất cả các lần KCB của bệnh nhân đều được số hóa, lưu trữ một cách khoa học và sử dụng đơn thuốc điện tử,…

Thời gian làm thủ tục hành chính của nhân viên y tế giảm; y bác sĩ sẽ có thời gian tập trung vào chuyên môn điều trị và chăm sóc bệnh nhân hơn để nâng cao sự hài lòng cho người bệnh”- BS.CK2 Nguyễn Kim Tưởng- Phó Giám đốc chuyên môn, BVĐK Xuyên Á Vĩnh Long, cho biết.

Là bệnh viện hạng I tuyến tỉnh, thời gian qua, BVĐK tỉnh Vĩnh Long chú trọng đầu tư, phát triển ứng dụng CNTT, thúc đẩy CĐS bệnh viện. Thông qua các hệ thống kết nối trực tuyến, BVĐK tỉnh Vĩnh Long đã có sự phối hợp từ xa, cùng các chuyên gia xử lý kịp thời và cấp cứu thành công nhiều bệnh nặng mà không mất thời gian chuyển viện.

Theo BS.CK2 Nguyễn Thanh Truyền- Giám đốc BVĐK tỉnh Vĩnh Long, hiện nay, việc KCB tại BVĐK tỉnh Vĩnh Long được rút ngắn thời gian hơn khi bác sĩ có thể xem trước hồ sơ kết quả siêu âm, xét nghiệm nhanh trên máy mà không cần đợi bệnh nhân cầm kết quả về phòng khám.

“BVĐK tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong toàn bệnh viện, thực hiện CĐS, tiến tới xây dựng bệnh viện thông minh, như: triển khai phần mềm quản lý KCB mới; tổ chức khánh thành dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt QR Code, đăng ký khám bệnh từ xa, nhập liệu số hóa bệnh án, chữ ký số cho bác sĩ;..

Qua đó, hướng đến CĐS toàn diện với mục tiêu lấy người dân làm trung tâm, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác quản lý và chăm sóc sức khỏe Nhân dân”- BS Nguyễn Thanh Truyền cho biết.

Trong năm 2024, ngành y tế sẽ đẩy mạnh công tác cải cách hành chính và CĐS trong công tác KCB góp phần rút ngắn thời gian chờ KCB của người bệnh.

Theo Sở Y tế, hiện các cơ sở KCB tuyến tỉnh và tuyến huyện, thị xã, thành phố đang tập trung hoàn thành chương trình quản lý KCB trên phần mềm; các đơn vị tham gia sử dụng hệ thống KCB từ xa kết nối với các bệnh viện tuyến Trung ương và các cơ sở y tế trong cả nước đẩy mạnh công tác tập huấn, đào tạo, chỉ đạo tuyến, chia sẻ chuyển giao một số kỹ thuật chuyên môn sâu; đẩy mạnh ứng dụng tư vấn KCB từ xa, hỗ trợ kiến thức chăm sóc sức khỏe cho người dân.

Bác sĩ có thể đọc được ngay hình ảnh CT, MRI, DSA, siêu âm… đã được số hóa và truyền lưu trên hệ thống máy có kết nối với PACS, giúp cho việc chẩn đoán hình ảnh nhanh chóng hơn.
Bác sĩ có thể đọc được ngay hình ảnh CT, MRI, DSA, siêu âm… đã được số hóa và truyền lưu trên hệ thống máy có kết nối với PACS, giúp cho việc chẩn đoán hình ảnh nhanh chóng hơn.

Theo TS.BS Hồ Thị Thu Hằng- Giám đốc Sở Y tế tỉnh, việc ứng dụng CNTT, CĐS phục vụ sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe cộng đồng đã có bước phát triển. Người dân, người bệnh được hưởng lợi từ CĐS, ứng dụng CNTT trong công tác y tế như giảm thiểu thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian chờ đợi.

“Ngành y tế tỉnh nhà tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động CĐS trong hoạt động KCB, phòng bệnh và quản lý sức khỏe người dân dựa trên các nền tảng. Sẽ phát triển bệnh án điện tử trong các cơ sở KCB trong tỉnh. Ngành cũng xây dựng kế hoạch liên quan đến việc ứng dụng CNTT của ngành, để có kinh phí mua sắm, thuê phần mềm, đào tạo cũng như kiểm tra, giám sát các hoạt động này”- Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết.

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Các tin khác: