Ai chọn lối vào cao đẳng?

Cập nhật, 05:50, Thứ Tư, 26/07/2017 (GMT+7)

Khi lối vào đại học (ĐH) ngày càng trở nên dễ dàng hơn thì lối vào cao đẳng (CĐ) dường như hẹp lại- đó là nỗi lo “khổ lắm, nói mãi” của các trường CĐ. Các trường ĐH trong cả nước có hơn 400.000 chỉ tiêu, xấp xỉ với con số thí sinh đạt điểm ngưỡng đảm bảo chất lượng.

Vậy ai sẽ vào CĐ, lối đi nào cho các trường này để tồn tại, phát triển và khẳng định thương hiệu?

Học sinh Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long giao lưu với các đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động.
Học sinh Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long giao lưu với các đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động.

Những nỗi lo “khổ lắm, nói mãi”

Mùa tuyển sinh năm nay, hơn 500 trường CĐ (trừ các trường CĐ sư phạm), trung cấp (TC) không xuất hiện trong danh sách nguyện vọng trên hồ sơ của thí sinh thuộc hệ thống xét tuyển của Bộ GD- ĐT, vì các trường này đã được chuyển về Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội.

Trong khi đó, việc tuyển sinh vào các trường ĐH năm 2017 được mở rộng với những phương thức tuyển sinh riêng như: tuyển thẳng, xét tuyển bằng kết quả học tập, thí sinh được đăng ký nguyện vọng thoải mái.

Quan niệm “trọng bằng cấp” vẫn còn đang ăn sâu trong suy nghĩ của phần lớn các bậc phụ huynh và học sinh khiến cho việc thu hút thí sinh vào trường CĐ, TC, cơ sở dạy nghề gặp nhiều khó khăn. Một lãnh đạo trường CĐ đặt câu hỏi: “Nếu con anh có khả năng vào ĐH thì anh có muốn cháu học CĐ không?”

Trước tình hình trên, một số trường CĐ, TC ở TP Hồ Chí Minh đã quyết định giảm chỉ tiêu xét tuyển. Năm 2016, vì chỉ tuyển được 60% chỉ tiêu đối với bậc CĐ và 37,5% cho bậc TC nên năm nay, Trường CĐ Bách Việt đã giảm bớt chỉ tiêu xét tuyển xuống còn 2.200 sinh viên bậc CĐ và 800 sinh viên cho bậc TC.

Tại Vĩnh Long, năm 2016 các trường CĐ cũng khó khăn trong tuyển sinh, Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long và CĐ Cộng đồng Vĩnh Long cũng tuyển sinh dao động từ 50- 60% chỉ tiêu.

Nhiều trường CĐ tìm hướng đi khác là mở những ngành mới, ngành “hot”. Tuy nhiên, việc mở ngành mới cũng không giải quyết được đầu vào tuyển sinh mà đôi khi còn dẫn đến hệ lụy thừa giảng viên ở một số ngành.

Đã đến lúc các trường CĐ, TC phải chuyển đổi theo hướng tăng thực hành để người học có thể hòa nhập với công việc ngay sau khi ra trường. Bởi, chỉ có đào tạo ra những lao động lành nghề để nói không với thất nghiệp thì các trường mới khẳng định được uy tín của mình.

Chuyển đổi để tồn tại và phát triển

Thực tế cho thấy, phụ huynh và học sinh đã có những cái nhìn khác trong việc lựa chọn ngành nghề, trường học. Chuyện học CĐ, TC đã không còn quá xa lạ mà đôi khi trở thành đích đến của một số học sinh.

Trường CĐ Nghề Vĩnh Long từ sớm đã xác định mục tiêu đào tạo “lao động làm được việc theo yêu cầu doanh nghiệp”. Doanh nghiệp đặt hàng và gửi thông báo tuyển dụng về trường ngày một nhiều hơn. Từ đó, khẳng định được uy tín, thương hiệu và thu hút học sinh đến học.

Ông Trần Anh Tuấn- Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề Vĩnh Long cho biết: “Năm 2016, chúng tôi tuyển sinh đạt 108% chỉ tiêu và năm nay càng khả quan hơn vì đi nửa chặng đã đạt 80%”.

Ngoài chú trọng từ khâu tư vấn tuyển sinh cho phụ huynh và học sinh, trường còn ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp để đào tạo theo đơn đặt hàng.

“Hầu hết học viên ra trường đều có việc làm ngay đã tạo thành niềm tin để phụ huynh cho con em vào đây học”- ông Trần Anh Tuấn cho biết thêm.

Có thể nói, nếu các trường CĐ mạnh dạn chuyển đổi sang tăng cường thực hành, giảm lý thuyết, đào tạo ra những lao động có tay nghề cao thì sẽ thu hút được doanh nghiệp.

Trong buổi đối thoại và tuyển dụng trực tiếp tại Trường CĐ Nghề vừa qua, có 3 doanh nghiệp tư vấn trực tiếp cho học viên. Theo đó, mức lương cơ bản của học viên mới ra trường từ 6- 8 triệu đồng.

Không “chạy theo” các bạn để vào ĐH, nhóm bạn của Lương Nhựt An- Trường THPT Nguyễn Văn Thiệt (Mang Thít) đăng ký xét tuyển vào hệ CĐ ngành công nghệ kỹ thuật ôtô, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long.

Nhựt An cho biết: “Tụi em học lực trung bình hà, sợ học ĐH không nổi, với lại em muốn học nghề nhanh về phụ giúp gia đình”.

Trong nhóm có Trần Loan Xuân Vĩnh, có điểm thi THPT quốc gia với tổ hợp khối A là 17,5 điểm. Tuy nhiên, Vĩnh cũng không đăng ký xét tuyển hệ ĐH. Vĩnh cười: “Em định học 3 năm rồi đi làm, sau này nếu muốn em sẽ liên thông”.

Ngoài việc nâng cao chất lượng để tạo đầu ra cho học sinh, sinh viên; các trường CĐ, TC rất cần sự hỗ trợ từ nhiều phía trong việc định hướng giáo dục nhằm giúp dư luận có góc nhìn đúng đắn hơn về bậc học này.

Năm 2017, Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long xét tuyển 8 ngành hệ CĐ và 8 ngành hệ TC. Thời gian xét tuyển đến ngày 17/11/2017. Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long xét tuyển 16 ngành hệ CĐ và 22 ngành hệ TC với hơn 1.000 chỉ tiêu. Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long xét tuyển liên tục trong năm.

Đối tượng xét tuyển của cả 2 trường ở hệ CĐ là học sinh tốt nghiệp THPT và đối tượng xét tuyển TC là học sinh tốt nghiệp THCS.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN

TIN LIÊN QUAN