Xét tuyển ĐH- CĐ 2016: Ít nguồn tuyển, các trường có đủ tuyển sinh?

Cập nhật, 12:25, Thứ Tư, 10/08/2016 (GMT+7)

 

Nhiều trường lo lắng không đủ nguồn tuyển sinh.
Nhiều trường lo lắng không đủ nguồn tuyển sinh.

Điểm thi THPT quốc gia năm nay có mặt bằng chung thấp hơn cùng kỳ, trong khi đó, thí sinh dự thi lại giảm. Tổng số thí sinh dự thi để xét tuyển đại học- cao đẳng (ĐH- CĐ) lại ít hơn chỉ tiêu của các trường.

Đó là chưa kể số thí sinh bị điểm liệt, thí sinh không đậu tốt nghiệp, không đủ điểm đảm bảo chất lượng. Nguồn nào cho các trường tuyển sinh?

Cung không đủ cầu

Kết quả thống kê điểm thi THPT quốc gia năm 2016 mà Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD- ĐT) công bố cho thấy điểm thi thấp hơn nhiều so với cùng kỳ. Phổ điểm trung bình của các môn là từ 4,5- 6 điểm (năm 2015 là từ 5- 7 điểm). Đặc biệt, môn Ngoại ngữ chỉ đạt trung bình 3,3 điểm.

Năm 2016, tổng thí sinh dự thi là 887.400 em, giảm hơn 118.000 thí sinh. Trong đó, số thí sinh dự thi chỉ để xét tốt nghiệp là 286.129 em, thí sinh thi xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh ĐH- CĐ là 519.497. Thí sinh tự do thi lấy kết quả xét ĐH- CĐ là 81.770. Vậy, tổng số thí sinh đăng ký xét ĐH- CĐ năm 2016 là 601.267 thí sinh.

Trong khi, tổng chỉ tiêu tuyển sinh ĐH- CĐ năm 2016 từ các trường gửi về Bộ GD-ĐT lại lên đến 647.000. Ngoài ra, còn phải trừ đi khoảng 4.500 thí sinh bỏ thi, thí sinh rớt tốt nghiệp cùng 19.000 thí sinh bị điểm liệt (năm 2016).

Có nghĩa là, tổng chỉ tiêu cao hơn số thí sinh dự thi tạm đủ điều kiện xét tuyển ĐH- CĐ đến hơn 68.000 em. Đó là chưa kể con số đủ điều kiện này có bao nhiêu thí sinh đạt điểm từ ngưỡng đảm bảo chất lượng trở lên.

Thực tế cho thấy, dù các trường có đề án tuyển sinh riêng xét tuyển bằng học bạ hoặc xét tuyển luôn thí sinh dự thi ở cụm thi chỉ xét tốt nghiệp cũng không đủ nguồn tuyển. Bà Nguyễn Thị Thúy Liễu- Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Kinh tế- Tài chính Vĩnh Long cho biết: “Không phải thí sinh nào đủ điều kiện cũng muốn vào ĐH- CĐ, đó là chưa kể các em đi du học”.

Tại tỉnh Vĩnh Long, số thí sinh dự thi cũng giảm khoảng 1.200 em so với năm 2015. Số thí sinh dự thi để xét tuyển ĐH-CĐ khoảng 8.000 em, trong đó tổng chỉ tiêu các trường ở Vĩnh Long đã gần bằng con số này. Như vậy, nhu cầu thực tuyển của năm 2016 sẽ lớn hơn nguồn cung.

Các trường tốp trên và các trường ĐH thành viên của ĐH Quốc gia sẽ không lo vì số thí sinh điểm cao sẽ dồn về đây. Tuy nhiên, nhóm trường tốp giữa, trường đa ngành có điểm chuẩn từ điểm sàn trở lên sẽ cạnh tranh rất gay gắt.

Vừa qua, Bộ GD- ĐT cũng lo lắng về việc các trường top trên lại có điểm chuẩn xét tuyển bằng điểm sàn, nhiều chuyên gia lo lắng: mức điểm này sẽ gây hiểu nhầm cho thí sinh là điểm trúng tuyển và các em ồ ạt nộp hồ sơ vào.

Lo cạnh tranh, sợ hồ sơ ảo

Bức tranh điểm thi năm 2016 đã tối màu, dự kiến bức tranh tuyển sinh các trường ĐH ngoài công lập, ĐH- CĐ tỉnh càng ảm đạm hơn. Trừ những ngày đầu đông đúc, những ngày xét tuyển sau nửa thời gian của đợt 1 các trường càng vắng vẻ hơn. Nhiều người lo lắng các trường sẽ xé rào giành giật thí sinh.

Chú Mai Ngọc Toàn (Trà Ôn) cùng con trai vừa nộp hồ sơ vào một trường ĐH ở Vĩnh Long cho biết: “Cha con tui chỉ nộp một trường thôi vì nghe các cô chú ở đây tư vấn là chắc đậu rồi, khỏi nộp chỗ khác”.

Có mặt ở Trường ĐH An Giang lúc 13 giờ, trong khi 13 giờ 30 trường mới bắt đầu làm việc, thí sinh tên Hiếu cho biết: “Em đi xét tuyển một trường ở Cần Thơ và đã trúng tuyển nhưng em lại làm mất phiếu điểm nên đến trường xin lại giấy báo điểm khác để nhập học”. Một trường ĐH tỉnh khác trong khu vực ĐBSCL đã gọi điện đến từng thí sinh để báo tin trúng tuyển trong ngày 4/8.

Theo ông Cao Hùng Phi- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long: “Nếu các trường xét tuyển bằng học bạ theo đề án tuyển sinh riêng, có thể cấp giấy trúng tuyển ngay cho thí sinh. Riêng những trường hợp xét tuyển bằng điểm thi phải tuân thủ đúng thời gian quy định của Bộ GD- ĐT, tức là sau ngày 12/8”.

Trong năm 2015, phổ điểm cao hơn và thí sinh có dôi dư so với chỉ tiêu. Tuy nhiên, các trường ĐH- CĐ ngoài công lập, ĐH địa phương đã khó tuyển sinh và phải đóng cửa nhiều ngành.

Với tình hình căng thẳng như hiện nay, nhiều trường như đang đứng trên đống lửa. Bà Nguyễn Thị Thúy Liễu nói: “Những con số trên làm chúng tôi đang lo lắng vô cùng vì nguồn tuyển đã ít hơn chỉ tiêu thì tuyển sinh CĐ sẽ càng khó khăn hơn”.

Ngoài ra, đại diện nhiều trường còn lo lắng về lượng thí sinh ảo. Với quy định xét tuyển ở đợt xét tuyển đầu tiên: mỗi thí sinh được đăng ký xét tuyển 2 trường, mỗi trường 2 ngành thì con số ảo là 50%.

Ông Cao Hùng Phi cho rằng: “Số thí sinh nộp hồ sơ chỉ là con số ban đầu, vì các em có thể đậu cả 2 trường và có 2 cơ hội lựa chọn. Nếu trường không có đủ sức hút với thí sinh, con số ảo có thể là 50% hoặc còn hơn nữa!” Đối với các trường CĐ dù được Bộ GD- ĐT cho “chiếc phao” tuyển sinh, điểm sàn là tốt nghiệp THPT, thì kết quả tuyển sinh cũng khó khởi sắc hơn năm 2015.

Tuyển sinh đã không dễ dàng vì cầu nhiều hơn cung, tuy nhiên các trường ĐH- CĐ cạnh tranh bằng cách xé rào chưa hẳn đã giành được thí sinh. Chất lượng đào tạo, việc làm cho sinh viên chính là uy tín của trường và quyết định sự lựa chọn của thí sinh.

 

Khi đăng ký xét tuyển trực tuyến, thí sinh cần lưu ý, phải ghi đầy đủ và chính xác địa chỉ nhận giấy báo trúng tuyển. Phải đóng lệ phí xét tuyển thì hồ sơ đăng ký xét tuyển mới hoàn thành. Nếu hồ sơ nào không đóng lệ phí xét tuyển thì sẽ không được đưa vào danh sách xét tuyển. Như vậy sẽ không thể trúng tuyển. Vào website của trường đăng ký xét tuyển để tìm hiểu cách nộp lệ phí. Thông thường có 3 cách sau: nhắn tin điện thoại di động (theo cú pháp của từng trường hướng dẫn), đến bưu điện nộp lệ phí và nộp trực tiếp tại trường.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN