Giáo dục- từ gian khó đi lên

Cập nhật, 05:36, Thứ Tư, 03/05/2017 (GMT+7)

Kể từ năm 1992, ngành giáo dục tỉnh Vĩnh Long đã trải qua 25 năm đi qua gian khó từ cơ sở vật chất đến nguồn lực cán bộ, giáo viên. Đến nay, có thể nói, ngành giáo dục tỉnh nhà đã có nhiều thành tựu đáng tự hào…

Những ngày đầu gian khó

Cơ sở vật chất được đầu tư đúng mức, mạng lưới trường lớp đã rộng khắp đến các vùng sâu, vùng xa.
Cơ sở vật chất được đầu tư đúng mức, mạng lưới trường lớp đã rộng khắp đến các vùng sâu, vùng xa.

Theo cuốn Lịch sử tỉnh Vĩnh Long (1732- 2000), năm học 1992- 1993, tỉnh Vĩnh Long có 87 trường trung học (cấp 2 và cấp 3), 374 lớp mẫu giáo.

Phần lớn trường lớp mới mở rộng trong giai đoạn 1976- 1990 đều bằng tre, lá. Các trường ở vùng sâu, vùng xa đều phải học 3 ca, thậm chí có nơi 4- 5 ca.

Có thể điểm danh nhiều địa phương trong tỉnh vào năm 1992 không có trường hoặc cơ sở vật chất nghèo nàn như Ngãi Tứ (Tam Bình), Hòa Bình, Vĩnh Xuân (Trà Ôn),… chuyện đi học của học sinh vô cùng khó khăn.

Xã Hòa Bình- vùng Bưng Sẩm ngày xưa- nay đã khoác lên mình chiếc áo mới với đường nhựa, đèn điện bừng sáng.

Những ngôi trường được xây dựng khang trang, chất lượng giáo dục ngày càng được nâng cao, trở thành một trong những điểm sáng về giáo dục trên địa bàn tỉnh…

Thầy Phó Hiệu trưởng Huỳnh Văn Út- Trường THCS- THPT Hòa Bình- nhớ lại vào khoảng những năm 1990, cơ sở vật chất thiếu thốn, sách vở, đường đi khó khăn không thể tả được.

Theo thầy, trước đây học sinh cứ học hết bậc THCS thì có một số em phải nghỉ học, một số em phải ra tới Tam Bình hoặc Trà Ôn mới học được bậc THPT.

Là người theo sát với từng “nhịp đập” của giáo dục tỉnh nhà từ lúc còn là giáo viên, rồi cán bộ quản lý của Sở GD- ĐT, thầy Trần Hoàng Túy- nguyên Quyền Chánh Văn phòng (Sở GD- ĐT) nhớ lại:

Những năm 1992, nhiều xã không có trường mầm non, hay còn gọi là “xã trắng”. Tỷ lệ trẻ học mẫu giáo còn rất thấp, cơ sở vật chất vô cùng thiếu thốn, đường sá khó khăn.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở GD- ĐT- cho biết: Những năm đầu tái lập tỉnh, nhiều địa phương thiếu trường, trường thì thiếu phòng, thiếu điện, thiếu nhà vệ sinh, phòng học tre lá tạm bợ.

Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cũng thiếu, nhiều giáo viên chưa được chuẩn hóa, một số giáo viên dạy nhiều tiết, dạy trái môn, phần lớn giáo viên mầm non là hợp đồng. Từ năm 1992- 2000, toàn tỉnh chỉ có 4 trường tiểu học đạt chuẩn quốc gia.

25 năm xây dựng và phát triển

Thành tựu qua 25 năm là nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.
Thành tựu qua 25 năm là nâng cao trình độ dân trí, đào tạo nguồn nhân lực và bồi dưỡng nhân tài.

Qua 25 năm xây dựng và phát triển, được sự quan tâm từ Trung ương, địa phương, các nguồn lực xã hội, sự quyết tâm, trách nhiệm, nỗ lực, phấn đấu của toàn ngành… đến nay, ngành giáo dục đã có những thành tựu đáng tự hào.

Theo đó, ngành GD- ĐT đã xây dựng kế hoạch thực hiện chương trình của Tỉnh ủy về xây dựng kết cấu hạ tầng tỉnh Vĩnh Long đồng bộ theo hướng hiện đại hóa với mục đích là hoàn chỉnh hệ thống GD- ĐT, xây dựng đồng bộ về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học.

Theo bà Nguyễn Thị Quyên Thanh, đến nay toàn tỉnh có gần 69% giáo viên trên chuẩn, trên 86% cán bộ quản lý trên chuẩn.

Đã thay thế toàn bộ các điểm trường bằng tre lá và xây dựng kiên cố đạt gần 100%. 100% trường có nhà vệ sinh, 100% xã- phường- thị trấn đều có trường mẫu giáo, mầm non.

Toàn tỉnh hiện có 447 trường học mầm non, phổ thông, 8 trung tâm giáo dục nghề nghiệp- thường xuyên, 1 trung tâm giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật, 1 trường trung cấp, 5 trường CĐ, 3 trường ĐH… Có 185/447 trường mầm non, phổ thông đạt chuẩn quốc gia.

Việc phát triển quy mô, mạng lưới trường lớp, trường đạt chuẩn quốc gia, nâng chuẩn cán bộ quản lý, giáo viên,… đã góp phần nâng cao chất lượng GD- ĐT.

Vĩnh Long cũng đã hoàn thành xóa mù chữ, phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 1997, hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi năm 2004, phổ cập giáo dục THCS năm 2005 và là một trong những tỉnh- thành hoàn thành công tác phổ cập giáo dục đúng quy định.

Đặc biệt, năm 2016, Vĩnh Long được công nhận hoàn thành phổ cập giáo dục mầm non trẻ 5 tuổi.

Bà Nguyễn Thị Quyên Thanh chia sẻ, chất lượng giáo dục được giữ vững và nâng cao qua từng năm, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp THPT được nâng lên (năm 2016 đứng đầu khu vực ĐBSCL), đã từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh nhà. “Nếu như năm 1992 chỉ có 16% học sinh trúng tuyển ĐH, CĐ thì đến nay, tỷ lệ này trên 46%”- bà nói.

Từ năm 2002 đến nay, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, ngành GD- ĐT đã được đầu tư hơn 1.155 tỷ đồng đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học, góp phần nâng cao chất lượng GD- ĐT trên địa bàn.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY