Xem dự báo nhân lực để chọn ngành

Cập nhật, 11:58, Chủ Nhật, 05/04/2015 (GMT+7)

Vấn đề việc làm sau khi ra trường được rất nhiều thí sinh quan tâm. Vậy, học ngành nào ra trường dễ có việc làm? Nhu cầu nhân lực của ĐBSCL thời gian tới ra sao?

Thí sinh cần được tư vấn chọn ngành sao cho vừa hợp với sở thích, năng lực, vừa phù hợp nhu cầu nhân lực.
Thí sinh cần được tư vấn chọn ngành sao cho vừa hợp với sở thích, năng lực, vừa phù hợp nhu cầu nhân lực.

Đọc quy hoạch để chọn ngành

Bên cạnh những yếu tố chủ quan để một sinh viên (SV)ra trường dễ dàng kiếm việc làm, thì việc lựa chọn ngành học phù hợp với nhu cầu tuyển dụng của xã hội- ngay thời điểm tốt nghiệp- cũng là một trong những yếu tố
quan trọng.

ThS. Trần Hữu Hiệp- Vụ trưởng Vụ Giáo dục BCĐ Tây Nam Bộ cho rằng: Sau khi ra trường, SV thường có tâm lý làm việc tại quê hương hoặc khu vực mình đang sinh sống. Năm 2015, có kết quả thi rồi các em mới chọn trường đó là một thuận lợi lớn. Cũng theo ông Hiệp phân tích: Định hướng khu vực ĐBSCL ưu tiên nông nghiệp, thủy sản, công nghiệp chế biến, công nghệ sinh học, các ngành khác cũng có nhu cầu.

Theo cơ cấu kinh tế hiện nay, có khoảng 32% ở lĩnh vực nông nghiệp, 36% ở lĩnh vực công nghiệp và 42% dịch vụ. Vậy, lao động các ngành nông nghiệp, công nghiệp còn ít, trong khi nhu cầu của khu vực này cần phát triển các ngành chế biến nông sản, công nghệ thực phẩm,… Thí sinh ở khu vực này cũng lưu ý mình được thêm 1 điểm ưu tiên (Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ).

TS Lê Thị Thanh Mai- Trưởng Ban Công tác SV (ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh) cho rằng: Một trong những quan điểm phát triển của vùng là phát huy cao nhất tiềm năng, lợi thế của các địa phương, nhất là lợi thế về sản xuất nông nghiệp, thủy sản và kinh tế biển; đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển theo chiều sâu; phát triển bền vững các khu vực đồng bằng và ven biển.

Giải pháp nào cho nguồn nhân lực

Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội 2011- 2020 được thông qua tại Ðại hội Ðảng toàn quốc lần thứ XI xác định “phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục quốc dân; gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ” là 1 trong 3 đột phá phát triển nhanh, bền vững đất nước đến năm 2020.

Tuy nhiên, sự lựa chọn ngành học sau THPT còn lệch so với cơ cấu kinh tế. Do đó, cần phải có những giải pháp đồng bộ, trong đó công tác quy hoạch và hướng nghiệp cần được chú trọng nhiều hơn nữa.

TS Lê Thị Thanh Mai cho rằng: Ðối với địa phương và các trường THPT cần tăng cường công tác giới thiệu thông tin để định hướng học sinh chọn ngành học, chuẩn bị nguồn nhân lực tương thích với quy hoạch cơ cấu kinh tế, đặc biệt đối với các ngành công nghiệp, học sinh nên quan tâm nhiều đến các ngành như thủy điện, chế biến nông- lâm sản, thực phẩm, khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp sản xuất phân bón và chế biến thực phẩm; công nghiệp cơ khí, điện tử, điện dân dụng: cơ giới hóa nông- lâm nghiệp chuyên sản xuất và sửa chữa các loại máy móc, thiết bị bảo quản, chế biến nông- lâm sản...

Ðối với các trường ÐH, CÐ: rà soát quy mô, cơ cấu đào tạo theo vùng; tăng cường kết nối nhằm đảm bảo cung ứng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của địa phương. Khi chuẩn bị làm đề án tuyển sinh năm 2015, các trường đã có những bước khảo sát nhu cầu nhân lực trong khu vực. ThS Trần Thanh Tùng- Hiệu Trưởng Trường CĐ Cộng đồng Vĩnh Long cho biết: Trường có các ngành như công nghệ thực phẩm, thủy sản,…Tuy nhiên, trong năm 2014 không mở được ngành thủy sản do thí sinh chỉ chạy theo thị trường, không theo nhu cầu xã hội.

Theo phân tích của TS Lê Thị Thanh Mai: Nếu như năm 2011 tỷ trọng các ngành dịch vụ chiếm khoảng 57,7% thì đến năm 2014 là 56,7%, tuy giảm 1% nhưng vẫn còn vượt hơn 20% so với quy hoạch. Ðiều này tất yếu cũng dẫn đến thách thức đối với số SV tốt nghiệp các ngành học thuộc ngành dịch vụ nếu tham gia thị trường lao động ở vùng ĐBSCL. Trong khi đó, các ngành nông- lâm- ngư nghiệp, tỷ trọng chọn ngành chỉ đạt ở mức 9- 10%, còn chênh lệch xa so với quy hoạch cơ cấu kinh tế 30,5%, điều này tiềm ẩn không chỉ nguy cơ thiếu nguồn nhân lực mà còn tác động không tốt đến việc phát huy tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng.

Hiện nay, thí sinh thường tập trung thi vào các ngành dịch vụ. Thực tế, nhu cầu nhân lực không có sự chênh lệch cao giữa các khối ngành. Do đó, các khối ngành kỹ thuật- công nghệ cần tăng cường công tác giới thiệu quảng bá thông tin, tìm kiếm ứng viên tiềm năng từ các trường THPT.

Nhằm cung cấp thông tin rõ ràng đến thí sinh, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long tổ chức tư vấn tuyển sinh cho từng trường THPT. Các em sẽ được tư vấn chuyên sâu, tham quan nhà xưởng để hiểu hơn các ngành đào tạo của trường.

Dự đoán, cơ cấu kinh tế đến năm 2020, phấn đấu tỷ trọng nông- lâm- ngư nghiệp trong GDP của vùng là nông nghiệp 30,5%; công nghiệp- xây dựng 35,6%; dịch vụ 33,9%.

Bài, ảnh: CAO THỤY