Bộ GD- ĐT vẫn còn lúng túng về quy chế thi

Cập nhật, 13:32, Thứ Năm, 26/03/2015 (GMT+7)

Chỉ còn vài tháng nữa là bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi đại học, cao đẳng, nhưng cho đến giờ này những người có trách nhiệm ở Bộ GD- ĐT vẫn còn lưỡng lự về quy chế thi mà bộ này vừa cải tiến.

Điều này thể hiện cách quản lý giáo dục rất “thời vụ”, chưa sẵn sàng cho những định hướng lâu dài.

Trong khi Bộ GD- ĐT chưa có quyết định chính thức, các trường vẫn tổ chức ôn tập cho học sinh có phần tự luận (ảnh minh họa).
Trong khi Bộ GD- ĐT chưa có quyết định chính thức, các trường vẫn tổ chức ôn tập cho học sinh có phần tự luận (ảnh minh họa).

Quy chế thi cần phải thông báo sớm

Xin được bắt đầu từ chuyện thi môn Ngoại ngữ năm nay, càng bộc lộ rõ sự lúng túng của Bộ GD- ĐT và sự thiếu chuyên nghiệp của những nhà quản lý cấp cao nhất của ngành giáo dục nước ta. Ở Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, trong khi ông Cục trưởng Mai Văn Trinh cho biết “dự kiến” bên cạnh phần thi trắc nghiệm môn Ngoại ngữ sẽ có thêm phần thi tự luận thì ông Cục phó Trần Văn Nghĩa cho rằng đang tiếp thu ý kiến của nhiều chuyên gia về vấn đề này. Hiện Bộ GD- ĐT vẫn còn cân nhắc và thông báo vào giữa tháng 3. Trong khi đó, ngày 6/3/2015, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã trả lời rằng bộ quyết định thêm phần tự luận cho môn Ngoại ngữ; nhưng đây chưa phải là ý kiến từ văn bản chính thức. Nghe những nhà quản lý giáo dục nước ta phát biểu cứ như chuyện đùa.

Bởi lẽ chuyện thi cử nó phải theo sát và thống nhất với chương trình đang đào tạo, chúng ta dạy học sinh những kỹ năng gì thi kiểm tra kỹ năng đó, chuyện đâu có gì phải “lăn tăn”. Và lẽ đương nhiên kế hoạch một kỳ thi quan trọng như thế phải được đề ra và thông báo ít nhất là trước 1 năm học, đáng lý ra là tính theo thời gian của một cấp học. Đối với một số trường học ở thành phố, các trường chuyên thì không ảnh hưởng nhiều, nhưng ở vùng nông thôn sẽ thật sự gặp khó khăn. Qua đó, tâm lý của một số học sinh còn hoang mang.

Một số ý kiến cho rằng, vấn đề không phải là có thêm phần tự luận hay không, nhưng nhiều người không đồng tình ở cái cách thông báo “lưỡng ước”, quá chậm trễ cận đến ngày thi mà vẫn chưa thể có quyết định rõ ràng. Có lẽ đã quá quen với những “cải tiến”, những thay đổi của Bộ GD- ĐT, nên hiện các trường cũng đã triển khai kế hoạch ôn tập, cơ bản vẫn có ôn tập phần tự luận.

Các trường ôn tập có phần tự luận

Theo thầy Hiệu trưởng Đặng Hoàng Dũng- Trường THPT Vĩnh Long, tâm lý của học sinh về môn Ngoại ngữ tương đối thoải mái vì năm 2014, đề thi THPT đã có phần tự luận, đến khi đại học, cao đẳng thì chỉ có trắc nghiệm. Năm nay, kết hợp kết quả để xét tuyển 2 mục tiêu, nếu đề thi ngoại ngữ có phần tự luận, các em cũng sẽ không ngỡ ngàng vì đã được làm quen nhiều trong trường học.

Trong khi đó, một ý kiến khác cho rằng, đề thi ngoại ngữ phần tự luận là phù hợp với mục tiêu tìm kiếm học sinh có khả năng ngoại ngữ và tư duy tốt. Khi học trong trường phổ thông, song song với học từ vựng, các em vẫn được học ngữ pháp, viết luận,... Kết quả của thi tự luận cũng đánh giá các kỹ năng đọc, hiểu, tư duy của các em về môn học này.

Tuy nhiên, ý kiến này cũng cho rằng, Bộ GD- ĐT cần sớm thống nhất có hay không phần thi tự luận để các trường có kế hoạch ôn tập phù hợp, cụ thể. Đồng thời giúp các em ổn định tâm lý khi quyết định chọn môn thi. Hiệu trưởng một trường THPT trên địa bàn TP Vĩnh Long cũng cho biết, tuy chưa có thông tin chính thức là môn Ngoại ngữ có tự luận hay không, song nhà trường vẫn triển khai ôn tập cho các em như các năm học trước, tức là có phần tự luận. Tuy nhiên, thầy cũng cho biết, phần tự luận thường chiếm số điểm nhỏ, chủ yếu là để phân loại học sinh. Do đó, nếu có phần tự luận trong đề thi năm nay, cũng không ảnh hưởng nhiều đến kết quả của các em. Trước mắt, các em nên ổn định tâm lý để ôn tập cho tốt.

Nhưng trách nhiệm của Bộ GD- ĐT là phải sớm có quyết định chính thức về vấn đề này. Một vấn đề vốn bản thân nó không phức tạp, nhưng cách điều hành của những người quản lý làm cho nó trở nên rối rắm.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- KHÁNH DUY