Những "quả ngọt" đầu tiên

Cập nhật, 16:45, Thứ Sáu, 20/03/2015 (GMT+7)

Sau hơn một học kỳ triển khai, giáo viên đã dần quen với cách đánh giá mới đối với học sinh (HS) tiểu học. Từ đó, những thay đổi đã cho ra những “quả ngọt” đầu tiên…

Quen dần với đánh giá mới

Ngay từ những ngày đầu triển khai quy định, nhiều trường, thầy cô giáo đã bày tỏ những khó khăn nhất định. Đặc biệt là tập cho HS quen dần với cách “đi học mà không có điểm”. Tại Trường Tiểu học Thanh Đức B, thầy Võ Thành Long- Hiệu trưởng nhà trường cho biết, từ những khó khăn ban đầu, hiện giáo viên đã quen dần với cách đánh giá mới. Công việc cũng được sắp xếp hợp lý hơn. Từ đó, vai trò, trách nhiệm của giáo viên được nâng lên rõ rệt, gần gũi và theo sát HS hơn.

Từ tinh thần đó đã cho ra những “quả ngọt” đầu tiên, giúp các em HS từng bước phát triển từng năng lực riêng của mình. Ảnh minh họa
Từ tinh thần đó đã cho ra những “quả ngọt” đầu tiên, giúp các em HS từng bước phát triển từng năng lực riêng của mình. Ảnh minh họa

Cũng theo cô Sơn Thị Nga, quy định mới cũng mở ra cho công tác liên kết chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh. Qua đó, cùng nhau theo dõi quá trình học tập cũng như sự tiến bộ của HS…Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trà Côn C Sơn Thị Nga cho biết, do đặc điểm của nhà trường, ngay từ đầu triển khai đã gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã cố gắng làm quen. Hiện giáo viên đã quen dần và đánh giá cao tinh thần của quy định.

Cô giáo Nguyễn Thị Thảo Lam- Trường Tiểu học Trà Côn C cho biết: Việc thay đổi cách đánh giá làm HS khó làm quen trong thời gian đầu, các em không biết mình bao nhiêu điểm, mình có hơn các bạn khác hay không... Tuy nhiên, hiện tại, sau khi giáo viên ghi đánh giá sẽ giải thích cho các em lời nhận xét này là như thế nào. Những ưu- khuyết điểm, từ đó các em sẽ có những cố gắng để hoàn thiện mình hơn…

Những “quả ngọt” đầu tiên

Có thể nói, quy định về cách đánh giá mới là một sự thay đổi lớn ở bậc học tiểu học. Theo đó, HS không còn phụ thuộc vào điểm số, không gây áp lực cho các em và phụ huynh. Đồng thời phù hợp với từng lứa tuổi, giúp các em phát triển những kỹ năng, phẩm chất tốt.

Sau hơn một học kỳ thực hiện, giáo viên đã quen với cách đánh giá mới, gần gũi và theo dõi sát HS hơn.
Sau hơn một học kỳ thực hiện, giáo viên đã quen với cách đánh giá mới, gần gũi và theo dõi sát HS hơn.

Theo cô Nguyễn Thị Thảo Lam, nhận xét hàng ngày giúp các em thấy rõ mình cần rèn luyện thêm gì. Cũng không quan trọng điểm số cao thấp mà giúp các em tự tin phát huy những khả năng mà mình có. Ví dụ như em này vẽ đẹp, em khác hát hay,… mà những lời nhận xét là một cách để giáo viên động viên đúng hướng.

Cô Sơn Thị Nga còn cho biết, bên cạnh cách đánh giá mới, việc khen giấy khen không theo mẫu cũng cho thấy giáo dục tiểu học thay đổi từng ngày. Dựa trên kết quả thi cuối mỗi học kỳ, cùng lời nhận xét và giấy khen cụ thể năng lực, phụ huynh sẽ thấy rõ con em mình học tập và phát triển tới đâu…

Còn theo thầy Võ Thành Long, việc đánh giá HS theo quy định mới sẽ giúp đánh giá toàn diện hơn về các mặt, thay vì chỉ có kiến thức các em đã học. Thông qua những nhận xét, đánh giá và định hướng giúp các em phát triển, HS sẽ từng bước phát triển năng lực của mình, phát triển các hành vi như: tự phục vụ, tự quản; giao tiếp, hợp tác; tự học và giải quyết vấn đề; chăm học, chăm làm, tích cực tham gia các hoạt động; kỷ cương, đoàn kết;…

Trong khi đó, một số ý kiến cho rằng, thay đổi cách đánh giá HS cấp tiểu học tuy bước đầu đã có những “quả ngọt”. Song vẫn còn cần thời gian để đánh giá một cách toàn diện. Việc cần làm và làm xuyên suốt là nhà trường, giáo viên, phụ huynh cần nắm rõ và “hiểu nhau” hơn cùng nhau thực hiện tốt, góp phần thay đổi căn bản, toàn diện giáo dục.

Lãnh đạo một trường tiểu học cho rằng, vai trò của giáo viên là rất quan trọng để thực hiện thay đổi theo cách đánh giá mới. Theo đó, tuy sẽ giảm được áp lực về điểm số nhưng để thực hiện hiệu quả, giáo viên cần thể hiện cao hơn nữa tinh thần trách nhiệm, sự công tâm của mình trong từng lời nhận xét…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

 

 

 

Quy định không dùng điểm số đánh giá thường xuyên đối với bậc tiểu học của Bộ GD- ĐT (Thông tư 30) chính thức được áp dụng từ ngày 15/10/2014.

Song song với việc triển khai đánh giá thường xuyên bằng nhận xét, các trường tiểu học cũng triển khai đến toàn thể giáo viên, phụ huynh về các quy định dạy thêm học thêm. Theo các trường, Bộ GD- ĐT nghiêm cấm dạy thêm đối với HS tiểu học, không tổ chức đội tuyển tham gia các kỳ thi,… sẽ giảm rất nhiều áp lực cho cả phụ huynh và HS…