Già hóa dân số và nhu cầu chăm sóc người cao tuổi

Cập nhật, 13:46, Thứ Sáu, 25/10/2019 (GMT+7)

Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số từ năm 2011 và hiện có khoảng 10,1 triệu người cao tuổi (NCT), chiếm 11% tổng dân số. Bên cạnh sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, việc đẩy mạnh xã hội hóa công tác chăm sóc NCT đang trở thành một yêu cầu thiết yếu trong điều kiện hiện nay.

Nhiều người cao tuổi rèn luyện thể dục thể thao để được sống lâu, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội.
Nhiều người cao tuổi rèn luyện thể dục thể thao để được sống lâu, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Tỷ lệ NCT đang tăng nhanh

Được xếp vào nhóm 10 nước có tốc độ già hóa nhanh nhất thế giới, dự báo đến năm 2030, tỷ lệ NCT ở Việt Nam chiếm 17% và đến năm 2050 chiếm 25% dân số cả nước. Dân số già hóa nhanh tạo những áp lực rất lớn trong việc ban hành và thực thi những chính sách liên quan, nhất là công tác chăm sóc sức khỏe để NCT sống khỏe và sống tốt.

Hiện tỷ lệ NCT tham gia BHYT là khoảng 96% trên tổng số NCT, cho thấy Đảng và Nhà nước quan tâm đến các chế độ, chính sách đối với NCT, đặc biệt thông qua việc cấp thẻ BHYT cho NCT từ 80 tuổi trở lên được chăm sóc sức khỏe.

Khi con người bước sang tuổi ngoài 50 thì nhiều chức năng của cơ thể bị suy giảm. Sự suy giảm chức năng ở mỗi người không giống nhau, nhưng có điều giống nhau ở NCT là tuổi càng cao càng mắc nhiều bệnh tật bởi sức đề kháng của các cụ bị suy giảm, mất tự chủ trong sinh hoạt hàng ngày. Bên cạnh, sự tổn thương về tinh thần do tuổi già, sức khỏe yếu còn nghiêm trọng hơn hao tổn vật chất.

Những năm gần đây, tuổi thọ của người Việt Nam tăng lên, song số tuổi sống khỏe mạnh vẫn thấp. Tỷ lệ NCT mắc bệnh cao, trung bình mỗi NCT Việt Nam phải chịu 14 năm bệnh tật trong cuộc sống của mình và 95% mang nhiều bệnh lý song hành với NCT như các bệnh tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường, ung thư, thoái hóa khớp, loãng xương, sa sút trí tuệ...

NCT ở Việt Nam đang đối mặt với thách thức “sống thọ nhưng chưa sống khỏe”. Đồng hành với tuổi thọ luôn có những bệnh lý đi kèm. Vì vậy, chính sách để NCT sống khỏe và sống tốt đang là vấn đề cần được quan tâm.

Theo các chuyên gia y tế, NCT là đối tượng cần được khám sức khỏe định kỳ nhằm theo dõi tình trạng sức khỏe, phát hiện bệnh sớm để có kế hoạch chăm sóc, điều trị bệnh tốt nhất.

Một số bệnh ở NCT như bệnh tim mạch, tăng huyết áp… sẽ trở nên trầm trọng và khó chữa trị nếu bị phát hiện muộn. Trong khi đó, nếu được phát hiện sớm thì việc điều trị lại dễ dàng và tiết kiệm chi phí. Nhiều NCT ngại đến bệnh viện, phó mặc sống chết do số phận, vì sợ ưu phiền nếu phát hiện ra bệnh tật. Ngày nay, y học tiên tiến, ung thư vẫn có thể chữa khỏi nếu phát hiện ra sớm.

Vậy nên, bà Nguyễn Thị Bích Hà (64 tuổi, Phường 4- TP Vĩnh Long) luôn đúng lịch kiểm tra sức khỏe tổng quát ít nhất 6 tháng một lần, làm các xét nghiệm theo yêu cầu của bác sĩ để tầm soát bệnh thật kỹ.

Để NCT sống thọ, sống khỏe

Đối với NCT vốn quý nhất là sức khỏe, với họ “sức khỏe là vàng” chính vì vậy nhiều người còn tích cực rèn luyện thể dục thể thao để được sống lâu, sống khỏe, sống có ích cho gia đình và xã hội.

Mỗi sớm tinh sương hay lúc nắng ngả về chiều, tại các công viên, quảng trường và các khoảng sân rộng, dễ dàng bắt gặp từng nhóm NCT cùng luyện tập dưỡng sinh. Nhiều NCT còn tự chọn cho mình các môn thể dục, thể thao rèn luyện sức khỏe như: chạy xe đạp, đi bộ, tập các động tác cho “thư giãn gân cốt” hoặc sử dụng các máy tập được bố trí sẵn ngoài trời để rèn luyện sức khỏe.

Bà Nguyễn Thu Hồng (65 tuổi, TP Vĩnh Long) nói vui là “muốn khỏi uống thuốc thì hãy tập luyện”, bà cũng là người rất kỹ lưỡng trong ăn uống để phòng tránh bệnh tật, đồng thời bà cũng rất nhiệt tình trong các hoạt động ở địa phương vì hoạt động nhiều cũng là cách để rèn luyện sức khỏe và thấy mình là người có ích cho xã hội.

Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc (TP Hồ Chí Minh) vẫn nổi tiếng là người giỏi “bắt mạch” cho từng lứa tuổi với những bài viết, quyển sách đầy duyên dáng. Khi chớm về già, ông cho ra mắt quyển “Già ơi… chào bạn!”, viết cho người, cũng là cho mình- như ông tâm sự. Ông bảo, già là một giai đoạn tất yếu của vòng đời, một chuyện đương nhiên khi “người ta tích tuổi”, cớ sao phải lảng tránh?

Có trẻ thì có già, đó là một nhịp điệu của vũ trụ, đâu cần phải khổ đau vì già, trái lại, phải làm sao để có một tuổi già hạnh phúc. Thế mới có khẩu hiệu “Sống lâu, sống khỏe, sống vui” đầy ý nghĩa của chương trình chăm sóc sức khỏe NCT của Việt Nam.

“Tích tuổi mà ít ốm đau, biết sống hữu ích cho mình, cho người, với chất lượng cuộc sống cao nhất có thể có được thì hẳn là tốt hơn và đúng với điều Tổ chức Y tế thế giới kêu gọi: Hãy sống một tuổi già tích cực!”- bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc khẳng định.

Với mong muốn NCT sống thọ, sống vui khỏe, Bộ Y tế đang nỗ lực trong việc hoàn thiện các cơ chế chính sách và nâng cao năng lực cho tuyến y tế cơ sở để dự phòng và quản lý các bệnh không lây nhiễm, phù hợp với giai đoạn dân số già và gánh nặng bệnh tật ở NCT.

Hiểu về sức khỏe NCT, những biến đổi của cơ thể theo tuổi tác giúp chúng ta chủ động hơn để giữ gìn sức khỏe, chào đón tuổi già và sống một đời sống viên mãn khi về già.

Thời gian qua, tỉnh Vĩnh Long đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể, gia đình, cộng đồng xã hội và NCT về những thách thức của quá trình già hóa dân số, yêu cầu nhiệm vụ công tác chăm sóc và phát huy vai trò của NCT. Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của NCT về sức khỏe, vật chất, tinh thần, chung tay giúp đỡ NCT có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, động viên cán bộ Hội NCT các cấp tích cực tham gia xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh; xây dựng hình ảnh NCT Việt Nam “Tuổi cao- Gương sáng”.

 

Bài, ảnh: SÔNG TRĂNG