Những câu chuyện cai thuốc lá

Cập nhật, 06:03, Thứ Sáu, 19/10/2018 (GMT+7)

Trong buổi tập huấn phòng chống tác hại của thuốc lá cho gần 60 cán bộ, chuyên viên, giáo viên huyện Long Hồ đầu tháng 10 vừa qua, chúng tôi đã được nghe những câu kinh nghiệm cai thuốc từ các thầy, chuyên viên.

 Hút thuốc khi tham gia giao thông gây ảnh hưởng đến mọi người.
Hút thuốc khi tham gia giao thông gây ảnh hưởng đến mọi người.

Sau khi được nghe phổ biến về những tác hại của thuốc lá đối với người trực tiếp hút thuốc và người hút thuốc lá thụ động, bác sĩ tập huấn hỏi các thầy trong hội thảo, ai không hút thuốc lá.

Khoảng 80% cánh tay được giơ lên. Câu hỏi thứ hai, trong số các thầy, ai đã cai được thuốc lá? Chưa tới 10 cánh tay đưa lên. Trong đó, có 2 thầy giáo ở Long Hồ trực tiếp chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Thầy T. hút thuốc từ năm 17 tuổi và đến những 18 năm sau thầy mới cai thuốc lá. Thầy T. vừa cười vừa chia sẻ: “Hồi đó, mỗi ngày tôi hút gần 2 gói, chưa bao giờ nghĩ mình sẽ cai thuốc”.

Động lực của thầy T. chính là đứa con đầu lòng, vì bé thường xuyên bị viêm phổi, viêm phế quản phải nhập viện.

Thuốc lá chứa gần 7.000 chất độc, trong đó gần 70 chất đã được chứng minh có thể dẫn đến ung thư; tỷ lệ bệnh nhân ung thư phổi có hút thuốc lá chiếm tới 96,8%, khói thuốc là nguyên nhân gây ra các bệnh tim mạch, đột quỵ, các bệnh đường hô hấp và nhiều bệnh khác ở người hút thuốc thụ động.

“Khi đi khám thì bác sĩ nói là do bé bị ảnh hưởng bởi khói thuốc”- thầy T. nói thêm- “Lúc đó tôi cũng chưa cai mà chỉ giảm hút trước mặt con nhưng mùi thuốc lá thì làm sao mất được, rồi hôn con cũng lo nên tôi cai”. 

Những ngày đầu cai thuốc, thầy T. thấy khó chịu vô cùng và phải ăn kẹo liên tục. Tuy nhiên sau 2 tháng, thầy cai được và đến nay hơn chục năm “không đụng điếu nào”.

Một thầy giáo khác tên H. cũng chia sẻ kinh nghiệm. “Tôi hút ngày dăm ba điếu thôi” nhưng khi nhận thức đầy đủ tác hại của thuốc lá thì thầy H. cai “trong 1 tháng là xong”.

Bây giờ, mỗi khi đi đâu có ai mời thì thầy từ chối. Còn đồng nghiệp mà hút thì “tôi đi chỗ khác”. Thầy H. nói: “Mọi người biết và hiểu mình là không phải kỳ thị gì, mà vì không muốn hút thuốc lá thụ động nên cũng thông cảm”.

Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe bản thân và ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Đặc biệt, ở nơi công cộng những nơi có bảng “cấm hút thuốc” thì mọi người cần thể hiện sự văn minh
của mình.

Hút thuốc có nhiều khả năng bị đột quỵ trước tuổi 50

Một nghiên cứu mới cho thấy, đàn ông trẻ tuổi hút thuốc có nhiều khả năng bị đột quỵ trước tuổi 50 so với những người bạn đồng lứa không hoặc ít hút thuốc lá.

Các nhà khoa học thuộc ĐH Maryland (Mỹ) đã kiểm tra dữ liệu trên 615 người bị đột quỵ trước tuổi 50 và so sánh thói quen hút thuốc của họ với nhóm đối chứng gồm 530 người không có tiền sử đột quỵ.

Kết quả cho thấy, những người hút thuốc có khả năng bị đột quỵ cao hơn 88% so với những người không bao giờ hút thuốc.

Những người hút thuốc lá ít hơn 11 điếu/ngày có khả năng bị đột quỵ cao hơn 46% so với người không hút. Những người hút 2 bao/ngày có khả năng bị đột quỵ cao gấp 5 lần.

Hút thuốc gây viêm trong mạch máu, làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông, do đó làm tăng nguy cơ đột quỵ. Nhóm nghiên cứu cho biết thêm, giảm số lượng thuốc lá hút có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ, nhưng bỏ thuốc vẫn là lựa chọn tốt nhất.

Việt Nam nằm trong nhóm 15 quốc gia có tỷ lệ người sử dụng thuốc lá cao nhất thế giới.

Mỗi năm nước ta có khoảng 40.000 người tử vong vì các bệnh liên quan đến thuốc lá và dự báo đến năm 2030 có thể tăng lên 70.000 người. Thuốc lá không chỉ gây hại cho những người trực tiếp sử dụng mà còn cho những người hút thuốc lá thụ động. 

MAI ANH

Bài, ảnh: CAO HUYỀN