Mô hình học văn hóa kết hợp dạy nghề

Hướng đi đúng cần sự đồng thuận

Cập nhật, 10:53, Thứ Tư, 17/10/2018 (GMT+7)

Thực hiện mô hình vừa học văn hóa THPT hệ giáo dục thường xuyên và học trung cấp trên địa bàn (giai đoạn 2017- 2020) đang có nhiều kết quả tích cực. Đây có thể được xem là hướng đi đúng và cần có sự đồng thuận từ phía xã hội và người học.

Học nghề ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông (hệ giáo dục thường xuyên) là một con đường nghề nghiệp trong tương lai.Ảnh minh họa
Học nghề ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông (hệ giáo dục thường xuyên) là một con đường nghề nghiệp trong tương lai.Ảnh minh họa

Hướng đi cần thiết

Đề án về thực hiện mô hình vừa học văn hóa THPT hệ giáo dục thường xuyên và học trung cấp trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2017- 2020 được Sở GD- ĐT ban hành trên cơ sở thực hiện công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS.

Tuy nhiên, năm học 2012- 2013, tỷ lệ học sinh vào THPT chiếm 81,8%, vào học hệ giáo dục thường xuyên chiếm 9,5%, vào học trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề chiếm 4,5%, còn lại đi theo luồng khác là 4,2%.

Con số này tương ứng với năm học 2013- 2014 lần lượt là 84,18%, 7,02%, 3,3% và 5,5%; năm học 2014- 2015 là 84,72%, 7,28%, 2% và 6%; năm học 2015- 2016 là 80,58%, 6,5%, 3,1% và 9,8%; năm học 2016- 2017 là 79,77%, 7,69%, 5,91% và 6,63%.

Qua thống kê bình quân 5 năm học trên, số học sinh sau tốt nghiệp THCS vào THPT chiếm đến 82,1% và cao hơn mục tiêu đề ra (năm 2015 là 70%), vào giáo dục thường xuyên bình quân 5 năm học là 7,6% và thấp hơn mục tiêu đề ra năm 2015 là 12%.

Theo Sở GD- ĐT, mục tiêu phân luồng học sinh trên địa bàn chưa đạt theo yêu cầu, nhiều mục tiêu đạt rất thấp trong khi có những mục tiêu khác lại chiếm tỷ lệ lớn, và đây được nhận định là một thách thức lớn cho chất lượng của nguồn nhân lực.

Thực trạng này cần phải có những biện pháp mang tính khả thi để thực hiện có hiệu quả công tác phân luồng, trong đó là tăng nhanh số lượng học sinh tốt nghiệp THCS vào học giáo dục thường xuyên.

Và như vậy, đề án về thực hiện mô hình vừa học văn hóa THPT hệ giáo dục thường xuyên và học trung cấp là cần thiết nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS trên địa bàn tỉnh đến năm 2020.

Bắt đầu thực hiện từ năm học 2017- 2018, hiện nhiều trường THPT có hệ giáo dục thường xuyên, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp- giáo dục thường xuyên đã có những bước đi quan trọng, nhằm tạo chuyển biến tích cực trong việc điều chỉnh các giải pháp, đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp của người học.

Tại Trường THPT Vĩnh Xuân, năm học 2017- 2018, nhà trường đã thực hiện mở các lớp đào tạo nghề trung cấp, nâng cao công tác phối hợp giữa nhà trường phổ thông và các trường CĐ trong việc quản lý lớp nghề.

Các học sinh sau khi học nghề được các công ty tuyển dụng hoặc sau khi tốt nghiệp trung cấp và THPT, các em được tiếp tục học liên thông từ trung cấp lên ĐH (đối với Trường ĐH Kinh tế TP Hồ Chí Minh),…

Theo thầy Trần Quang Huy- Hiệu trường nhà trường, việc liên kết mở lớp trung cấp nghề tại trường THPT cho học sinh hệ giáo dục thường xuyên là một chủ trương đúng và cần thiết, bởi chính chương trình đã mở ra một cơ hội việc làm và học tập mới cho các em học sinh.

Cần nhìn đúng về học nghề hệ giáo dục thường xuyên

Theo đề án, năm học 2018- 2019 sẽ có 30 lớp với 800 học sinh theo học mô hình vừa học văn hóa THPT hệ giáo dục thường xuyên và học trung cấp.

Tuy nhiên, hiện nay mô hình này vẫn còn một số khó khăn, nhất là nhận thức của xã hội, gia đình và học sinh chưa đúng, gây khó khăn trong công tác phân luồng, dạy văn hóa hệ giáo dục thường xuyên và thực hiện dạy nghề.

Theo thầy Nguyễn Thế Vinh- Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên TP Vĩnh Long, hiện nay nhiều nhìn nhận, đánh giá của một bộ phận xã hội chưa chính xác về giáo dục thường xuyên, theo các ý kiến, đây là những học sinh yếu kém nên không thể học chương trình giáo dục THPT.

Song, thầy đánh giá, ở hệ giáo dục thường xuyên, nếu đã có cái nhìn thoáng và chuẩn xác thì đây lại chính là một con đường khác “mở lối” cho các em vào đời, thậm chí là thành công.

Thầy Nguyễn Thế Vinh phân tích, học hệ giáo dục thường xuyên chỉ học có 7 môn ở lớp; thời gian học văn hóa và học nghề được sắp xếp hợp lý.

“Trong đó, quan trọng nhất, chúng tôi tìm hiểu về nhu cầu nghề và học nghề của các học sinh để phối hợp mở lớp và đào tạo. Tức là mở lớp nghề phù hợp và theo nguyện vọng của các em.

Nếu các em học tốt, sau khi tốt nghiệp THPT, thì các em đã có thêm bằng trung cấp, từ đây, các em có thể đi học liên thông lên nữa hoặc là tham gia lao động trực tiếp bằng chính nghề mà các em được đào tạo.

Đây là mấu chốt để các em hiểu sâu hơn và cần có cái nhìn đúng hơn từ phía gia đình, xã hội…”- thầy Vinh phân tích.

Là học sinh mới vào học tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên TP Vĩnh Long, em Trần Thúy Anh đã chọn cho mình con đường vừa học văn hóa, vừa học nghề.

Thúy Anh cho biết, em chọn nghề tạo mẫu và chăm sóc sắc đẹp vì đó là đam mê.

“Từ đây, em sẽ có thêm nhiều cơ hội việc làm đến với mình, vì em nghĩ, không phải vào được các trường THPT, vào ĐH thì mới có nghề nghiệp. Và định hướng lâu dài của em là xuất khẩu lao động nước ngoài mà nền tảng là ở môi trường đang theo học này…”- Thúy Anh chia sẻ.

Trong khi đó, em Nguyễn Minh Toàn- học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên TP Vĩnh Long- cho biết, em vừa đăng ký học nghề sửa chữa ô tô hệ trung cấp.

“Đây là ngành mà thời gian gần đây đã có nhu cầu cao, không chỉ trong nước và quốc tế. Do đó, em sẽ vừa cố gắng học văn hóa để tốt nghiệp THPT, vừa học giỏi nghề để sớm có việc làm, vừa có thu nhập cho bản thân, vừa giúp ích gia đình”- Toàn cho biết.

Thầy Nguyễn Thế Vinh- Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp- Giáo dục thường xuyên TP Vĩnh Long cho biết, hiện công tác phối hợp giữa nhà trường và phụ huynh học sinh để cùng chăm lo cho các em vẫn còn nhiều mặt hạn chế. Do đó, để làm tốt công tác học văn hóa THPT hệ giáo dục thường xuyên, vừa định hướng và dạy nghề cho các em học sinh cần phải có “cái bắt tay chặt” và đồng thuận cao. Trong đó, một phần rất quan trọng là sự nhìn nhận, sự quan tâm chia sẻ của phụ huynh và lòng quyết tâm cao độ của các em học sinh…

Bài, ảnh: KHÁNH NGUYỄN