Vì "Hạnh phúc gia đình là tài sản lớn nhất"

Cập nhật, 05:48, Thứ Năm, 28/06/2018 (GMT+7)

 

Để xã hội tốt đẹp, cần có nền tảng là những gia đình hạnh phúc. Ảnh minh họa
Để xã hội tốt đẹp, cần có nền tảng là những gia đình hạnh phúc. Ảnh minh họa

 

Một gia đình hạnh phúc trọn vẹn bắt đầu từ tấm gương mẫu mực của ông bà, cha mẹ, đến con cháu biết học hành, lao động chăm chỉ, biết ý thức phát huy, giữ gìn truyền thống của gia đình, dân tộc.

Đi qua bao thăng trầm của hơn nửa đời người, những điển hình được biểu dương trong việc xây dựng gia đình văn hóa và hạnh phúc bền vững cho biết điểm chung của cuộc đời họ là: “Xem hạnh phúc gia đình là tài sản lớn nhất”. Và họ bảo vệ “tài sản” ấy bằng việc nêu gương cho con cháu, sống phải biết sẻ chia.

Nêu gương cho con cháu

Quan niệm gia đình văn hóa phải xuất phát từ ý thức của mỗi thành viên, chú Ngô Văn Hòa (ấp Thành Sơn, xã Thành Trung- Bình Tân) cho biết, ông bà là người có ảnh hưởng nhiều nhất đối với con cháu.

Họ đã từng trải trong cuộc sống, có nhiều hy sinh cho độc lập dân tộc, họ có bề dày kinh nghiệm trong việc phấn đấu vươn lên, vun vén cho hạnh phúc gia đình, nên sẽ là những “đầu tàu” mẫu mực.

“Bằng sức lực, trí tuệ và uy tín, các cụ luôn đóng vai trò nòng cốt tham gia các hoạt động xã hội, quan tâm giáo dục con cháu đoàn kết, tương thân, tương ái với mọi người xung quanh. Ông bà luôn khuyến khích, động viên con cháu chăm chỉ lao động, giáo dục con cháu biết yêu quý gia đình, coi hạnh phúc gia đình là tài sản lớn nhất”- chú Ngô Văn Hòa khẳng định.

Chú Nguyễn Phước Trung (ấp Phú An 2, xã Bình Hòa Phước- Long Hồ) tự hào nhắc đến 2 người con: một người hiện là Hiệu trưởng Trường THPT Hòa Ninh và người còn lại làm kỹ sư điện tử ở TP Hồ Chí Minh.

Chú chia sẻ, gia đình chú là gia đình truyền thống có nhiều thế hệ sống chung, vì thế nên luôn ý thức việc giữ hòa thuận là hết sức quan trọng: “Vợ chồng tôi đều là nhà nông nhưng luôn mẫu mực trong nếp sống, nếp nghĩ, nếp làm, phải chăm sóc con cái chu đáo, giáo dục con chăm ngoan, lễ phép”.

Tham gia Hội hương đình của xã, chú Nguyễn Phước Trung mong muốn có thể góp sức cùng bảo quản di tích văn hóa địa phương. Chú nói: “Phải để các con hiểu, giữ gìn các giá trị văn hóa truyền thống và biết tiếp thu có chọn lọc các giá trị văn hóa mới về gia đình”.

Vợ chú là hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ, thường xuyên tham gia các hoạt động phong trào. Vợ chồng đồng lòng trong việc giáo dục con cái: “Tụi tui luôn chỉ dạy các con, vợ chồng phải bình đẳng, thương yêu giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, không có bạo lực gia đình, cùng có trách nhiệm nuôi con khỏe, dạy con ngoan”.

Cô Nguyễn Thị Hà nguyên là Phó Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Trà Ôn thì xác định cần phải chú trọng, đầu tư cho việc học. Dù có khó khăn nhưng cô quyết tâm cho con học nên người, để xây dựng nhân cách, để lập nghiệp.

“Vợ chồng tôi trước khi nghỉ hưu đều đã nhận bằng khen của Thủ tướng, riêng chồng tôi nhận Huân chương Lao động hạng ba. Cả gia đình 5 người đều có bằng cử nhân, trong đó, con rể và con gái đã có bằng thạc sĩ”- cô Hà tự hào chia sẻ.

Theo cô Hà, những mâu thuẫn trong gia đình là điều không thể tránh khỏi nhưng những lúc bất đồng thì nên trao đổi thẳng thắn, cởi mở, đúng nơi đúng lúc, không cãi vã, đặc biệt là bạo lực gia đình.

Xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc tưởng chừng rất khó khăn nhưng cũng sẽ trở nên dễ dàng khi các thành viên yêu thương nhau và quan tâm từ điều nhỏ nhặt nhất, như cô Hà nói: “Chúng tôi luôn là người bạn tin cậy của các con, các cháu, đồng thời cũng rất tôn trọng những quyết định riêng tư của chúng”.

Không chỉ sống vì mình

Xem trọng việc noi gương, giáo dục con cái thành người, cô Nguyễn Thị Hà còn một mục tiêu phải hoàn thành nữa: “Thời điểm nghỉ hưu, tôi có điều kiện tham gia sâu hơn, tích cực hơn vào các phong trào do địa phương phát động. Tôi xácđịnh đó là việc làm quan trọng và ý nghĩa nhất trong hành trình tiếp theo của đời mình”.

Cô kể: “Gia đình tôi tham gia đóng góp để làm cổng rào, trồng hoa kiểng, xây dựng tuyến đèn đường kết hợp cột cờ, giữ gìn vệ sinh môi trường, xử lý rác thải đúng quy định… 

Tôi đã hiến 600m2 đất vườn để làm đường nhựa cùng với địa phương hoàn thành hương lộ đúng thiết kế, phấn đấu xây dựng nông thôn mới”.

Cần sự yêu thương, quan tâm, sẻ chia để giữ gìn “tài sản” lớn nhất- hạnh phúc gia đình.Ảnh minh họa
Cần sự yêu thương, quan tâm, sẻ chia để giữ gìn “tài sản” lớn nhất- hạnh phúc gia đình.Ảnh minh họa

Là một đại diện của ấp Hiếu Thảo (xã Hiếu Nghĩa- Vũng Liêm) nhiều năm liền nhận danh hiệu Gia đình văn hóa tiêu biểu, chú Nguyễn Văn Ba không chỉ vun vén chăm sóc cho gia đình mà còn có nhiều đóng góp cho quê hương.

Năm 2015, chú hỗ trợ tiền lắp đặt đường điện sinh hoạt cho hộ nghèo với chiều dài 300m (45 triệu đồng). Năm 2017 thì hỗ trợ làm tuyến đường cát cặp tuyến kinh 25 ấp Hiếu Thảo dài 1.000m, ngang 0,8m cũng với 45 triệu đồng.

Gia đình chú Ba còn hỗ trợ quà tết cho hàng trăm hộ khó khăn, đóng góp xây dựng, sửa chữa cho nhiều công trình ở địa phương và tích cực tham gia công tác khuyến học.

Cũng có nhiều đóng góp trong công tác khuyến học, thường xuyên vận động gây quỹ cho chương trình “Địa chỉ nhân đạo” của Đài PT-TH Vĩnh Long và tích cực tham gia các hoạt động phong trào tại địa phương, chú Trần Công Hương (ấp Vĩnh Hòa, xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long) thì quan niệm:

“Gia đình hạnh phúc thì con cái mới có cảm giác an toàn, mọi người luôn dành thời gian quan tâm, chăm sóc nhau để gắn bó mật thiết hơn, tạo niềm tin cho con cái hướng tới theo đuổi những mục tiêu tốt đẹp và tạo cuộc sống gia đình gắn liền với xã hội”.

Gia đình là tổ ấm đầu tiên nuôi dưỡng, hình thành nhân cách con người. Hạnh phúc không chỉ đến từ những điều quá lớn lao, chỉ cần sự yêu thương, quan tâm, sẻ chia của mỗi người. Cùng chung sức xây dựng quê hương cũng là phần việc mà mỗi thành viên trong gia đình nên làm.

Thế hệ đi trước nêu gương và lan tỏa tinh thần ấy cho con cháu. Vì “tài sản” lớn nhất là hạnh phúc gia đình, nên giữ gìn hạnh phúc gia đình là trách nhiệm của tất cả các thành viên. Mỗi gia đình hạnh phúc sẽ xây dựng nên một xã hội hạnh phúc.

Và hy vọng mỗi gia đình sẽ như điều mà chú Trần Công Hương chia sẻ: “Tôi mãn nguyện với những thành quả mà hai vợ chồng vun đắp, các con đều trưởng thành và đóng góp cho xã hội. Tôi tin tưởng những gì tốt đẹp cũng sẽ đang chờ đợi gia đình ở phía trước”.

Chủ tịch UBND tỉnh đã quyết định tặng bằng khen cho 8 gia đình đã có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong xây dựng gia đình văn hóa trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, giai đoạn 2015- 2018. Các gia đình được khen thưởng, gồm: gia đình ông Nguyễn Văn Ba (xã Hiếu Nghĩa- Vũng Liêm), ông Nguyễn Phước Trung (xã Bình Hòa Phước- Long Hồ), ông Trần Công Hương (xã Tân Ngãi- TP Vĩnh Long), ông Trương Hồng Sơn (xã Thuận An- TX Bình Minh), ông Ngô Văn Hòa (xã Thành Trung- Bình Tân), ông Dương Ngọc Đa (xã Nhơn Phú- Mang Thít), bà Nguyễn Thị Hà (xã Thiện Mỹ- Trà Ôn) và gia đình ông Phạm Văn Báo (xã Mỹ Thạnh Trung- Tam Bình).

 

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY