Nỗi đau đến từ sự im lặng

Cập nhật, 14:39, Thứ Năm, 28/06/2018 (GMT+7)

Gia đình là tế bào của xã hội, là tổ ấm yêu thương tìm về, là chiếc nôi nuôi dưỡng hình thành nhân cách của mỗi con người. Thế nhưng, thực trạng bạo lực gia đình (BLGĐ) hiện nay luôn để lại những nỗi đau cho những người trong cuộc; tạo nên gánh nặng cho xã hội.

Nguyên nhân của BLGĐ

Mâu thuẫn giữa vợ chồng, mâu thuẫn giữa các mối quan hệ gia đình khi bị rơi vào trạng thái bế tắc thì chỉ cần “một cái tát” là nhiều gia đình rơi vào trạng thái “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”. Vậy, chúng ta cần làm thế nào để ngăn chặn tận gốc tình trạng BLGĐ?

Trung bình mỗi năm cả nước có khoảng 20.000 vụ BLGĐ; cứ 2- 3 ngày lại có 1 người tử vong liên quan tới BLGĐ; 80% số vụ ly hôn có nguyên nhân từ BLGĐ…

Song, đây mới là phần nổi của tảng băng, còn có những vụ BLGĐ tinh vi không thể nhìn thấy bằng mắt hoặc xảy ra một cách kín đáo, ở những khu vực heo hút ít người biết. Nhiều phụ nữ bị chồng bạo hành, âm thầm chịu đựng, không dám trình báo.

BLGĐ không chỉ gây tổn hại cho người trực tiếp hứng chịu mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe, thể chất, tâm lý, tinh thần của người xung quanh, là nguyên nhân gây tan vỡ gia đình cũng như rối loạn trật tự xã hội. 

Cuối tháng 4/2018, trên mạng xã hội lan truyền một đoạn clip ghi lại hình ảnh người chồng đánh, rồi dùng dây cột cổ vợ kéo lê trên mặt đường ở khu vực chợ Phước Yên (xã Phú Quới- Long Hồ) rất dã man khiến dư luận rất bất bình, lên án.

 Tại cơ quan công an, người chồng khai do uống rượu nên nhớ chuyện vợ bỏ nhà ra ở riêng và có lần đã bị vợ lấy dao rượt chém sau khi vợ chồng cự cãi.

Anh đến quán cà phê- nơi vợ phụ quán- kêu vợ về nhưng không được và do say rượu nên có hành động đánh vợ như thế. Còn chị thì nói, bình thường chồng cũng hiền nhưng khi nhậu vào thì hay ghen tuông nên thường “cơm không lành, canh không ngọt”.

Chị dọn ra ở trọ để chồng hồi tâm chuyển ý nhưng thấy tính chồng còn ghen quá nên chị chưa chịu về.

Chị N.T.H (Bình Tân) cũng không ít lần bị chồng “thượng cẳng tay, hạ cẳng chân”, song chị nhẫn nhịn để yên nhà, yên cửa.

Chị buồn tâm sự: “Chồng tôi tính nóng như Trương Phi, ảnh nói câu nào mà tôi trả lời là coi như hứng bạt tay ngay. Hai đứa con toàn bênh mẹ, lúc vợ chồng to tiếng, nó bênh mình, mình cũng thấy an ủi. Nhưng sau đó thấy con hỗn với ba, tôi cũng buồn.

Nghĩ trong gia đình vợ chồng đã hục hặc, còn thêm con cái không ngoan nên tôi nhịn. Ổng nhậu hay đi làm về coi bộ không vui thì mình né chỗ khác, khỏi um sùm”.

Xin đừng im lặng

Theo ông Lê Thanh Tuấn- Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thì nhẫn nhịn, cam chịu là một trong những nguyên nhân khiến BLGĐ trở nên nghiêm trọng.  Nhận thức của gia đình, của xã hội về nạn BLGĐ còn ảnh hưởng bởi tư tưởng phong kiến.

Tình trạng gia trưởng, “chồng chúa vợ tôi”, nhiều người đàn ông vẫn thường “nói chuyện tay chân” dã man đối với cả những người phụ nữ đầu ấp tay gối với họ.

Rồi những người lớn trong gia đình như ông bà, cha mẹ luôn coi mình là đúng nên có quyền dạy con cái bằng roi vọt. Quan điểm đó lạc hậu, thậm chí vi phạm pháp luật. Song, xã hội nhìn nhận vấn đề này chưa triệt để, chưa thực sự tiến bộ.

Rồi sự thờ ơ của cộng đồng đối với những hành vi BLGĐ với suy nghĩ chuyện gia đình là riêng tư, nên không ít người không can thiệp vào những chuyện BLGĐ nơi cộng đồng mình đang sống.

Đối với BLGĐ, phụ nữ chính là người đóng vai trò hòa giải. Tuy nhiên, phụ nữ muốn gia đình êm ấm không phải là im lặng, chịu đựng.

Dù yêu thương nhưng phải tỉnh táo, tìm nguyên nhân khiến người đàn ông đó, người cha đó phải sử dụng vũ lực.

Phụ nữ phải thể hiện thái độ kiên quyết, không chấp nhận bạo lực và hướng người chồng đến việc giải quyết mâu thuẫn một cách ôn hòa, thẳng thắn.

Ngay từ lần đầu nảy sinh bạo hành, phụ nữ vốn tinh tế và bao dung, nên tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến hành vi ấy để có hướng giúp chồng điều chỉnh, tránh trường hợp khi mâu thuẫn trở nên nặng nề, khó cứu vãn. Hãy dùng thêm sức mạnh của cộng đồng, từ cơ quan chức năng, các hội, đoàn thể, hàng xóm, người thân trong gia đình.

Để góp phần ngăn chặn BLGĐ, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh nhấn mạnh: BLGĐ hay không là do nhận thức nên giải pháp trước tiên phải thay đổi nhận thức, làm chuyển biến nhận thức để từ đó thay đổi hành vi.

Các cơ quan thông tin đại chúng cần phải tuyên truyền sâu rộng về luật pháp, xây dựng mô hình phòng chống BLGĐ ở địa phương, làm cho mỗi gia đình hiểu rõ vai trò, trách nhiệm của mình.

Đồng thời, phát huy truyền thống tốt đẹp của gia đình Việt Nam bằng việc xây dựng nhân cách người Việt Nam bắt đầu từ giáo dục đạo đức trong gia đình để tổ ấm luôn hạnh phúc, bền vững

Cứ mỗi ngày ở Việt Nam lại có 64 phụ nữ, 10 trẻ em và 7 người cao tuổi là nạn nhân của BLGĐ. Cứ 3 phụ nữ thì có 1 phụ nữ bị chồng bạo hành về thân thể hoặc tình dục. 58% phụ nữ cho rằng bị ít nhất 1 trong 3 loại hình bạo lực về thân thể, tinh thần và tình dục. 54% phụ nữ kết hôn bị bạo lực về tinh thần; 32% phụ nữ bị bạo hành về thân thể và 10% phụ nữ bị bạo lực về tình dục.

 

SÔNG TRĂNG