Bình Tân vững tâm sản xuất mùa mưa bão

Cập nhật, 16:21, Thứ Tư, 30/08/2017 (GMT+7)

 

Nụ cười của ông Tư Tèo (bên trái) bên vườn mãng cầu đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nụ cười của ông Tư Tèo (bên trái) bên vườn mãng cầu đạt hiệu quả kinh tế cao.

Về thăm huyện Bình Tân những ngày cuối tháng 8, đến đâu cũng được nông dân đón chào bằng nụ cười tươi rói. Với họ, mùa mưa lũ không còn nơm nớp lo lắng nữa vì những ruộng rau màu xanh um đang được giá, những vườn cây ăn trái lâu năm đặc trưng của mỗi vùng cũng cho thu nhập ổn định.

Phấn khởi sản xuất rau màu mùa lũ

Chị Nguyễn Thị Hồng Phượng- cán bộ nông nghiệp xã Tân Bình- đưa chúng tôi ra thăm rẫy của ông Trần Văn Cải (58 tuổi), khu vực được trồng rất nhiều loại cây màu xen canh, từ cải dún, mồng tơi, hành lá cho đến ớt chỉ thiên, đậu bắp xanh,...

Ở đây cũng đang triển khai thí điểm mô hình trồng màu trong nhà lưới, được sự hỗ trợ của khuyến nông huyện. Riêng ông Cải thì đang canh tác 8 công đậu bắp xanh và 3 công hành.

Những ngày này, giá rau lên từng ngày... theo con nước, bà con xứ rẫy đang rất phấn khởi, khi mà hệ thống đê bao hoàn thiện giúp cho địa phương rất chủ động, an tâm sản xuất, dù nước ngoài sông Hậu đang đổ về sớm, dự báo mùa nước lớn hơn năm rồi.

Chỉ tay về những người đang hái đậu bắp trong rẫy, ông Cải nở nụ cười tươi rói: “8 công đậu bắp xanh nhà tui đó, mỗi công cho 1,2- 1,5 tấn, thu nhập 12 triệu đồng/công”.

Thông qua HTX ký kết hợp đồng, đầu ra sản phẩm của nông dân ở đây được đảm bảo bởi Công ty TNHH 1TV Miền Tây (Cần Thơ) với giá 8.000 đ/kg cho đậu bắp loại I và 5.000 đ/kg cho loại II suốt từ đầu đến cuối vụ.

Cây đậu bắp xanh cho trái ngon hơn tuy nhiên lại khó tính hơn, thu hoạch cũng khó khăn hơn vì trái chi chít nằm xen dưới kẽ lá. Hái một công mất 4-5 tiếng mà mướn người hái đã 15.000 đ/tiếng đồng hồ.

Riêng 3 công hành của ông Cải đang thu hoạch mấy ngày nay. Hôm rồi, giá 1 triệu đồng/tạ (60kg), hôm nay đã vọt lên 1,2- 1,3 triệu đồng/tạ rồi. Giá hành “cứng” như hiện nay thì nông dân sống khỏe. Xã Tân Bình là một trong những vùng trồng hành lâu năm nhất ở huyện, ông Cải cũng đã gắn bó với cây hành gần 30 năm rồi.

Theo ông Cải: “Bình quân 1 năm thu được 35- 40 tạ nhưng cũng không dễ dàng gì. Nếu ngày thường đầu tư chi phí 10 triệu đồng/công thì mùa mưa phải mất thêm 2 triệu nữa. Ngày trước, chưa được hỗ trợ kỹ thuật, hành bị nhiễm vi khuẩn, cứ ngắt bỏ riết rồi lấy lưỡi hái tóm nguyên đọt mà cắt”.

Rẫy màu của ông Năm Cải (xã Tân Bình).
Rẫy màu của ông Năm Cải (xã Tân Bình).

Năm nay lũ về sớm, các huyện đầu nguồn giảm diện tích gieo trồng, sản lượng hành cung không đủ cầu nên giá tăng vọt.

“Làm rẫy thì không được nản, buông xuôi là thua. Cứ tiến triển vầy người dân có lời, tụi tui sẽ tiếp tục mở rộng diện tích rẫy màu truyền thống”- ông Cải cười sảng khoái. Nông dân vốn cực khổ, nhất là người trồng rau màu, quần quật quanh năm, nên những nụ cười của bà con giữa mùa mưa bão, làm chúng tôi cũng cảm thấy vui lây.

Đa dạng hóa các loại cây trồng

Ngoài diện tích màu truyền thống, Bình Tân đang thực hiện việc đa dạng hóa cây trồng, nông dân mạnh dạn mở rộng diện tích cây trồng mới trên vùng đất rẫy, với kỹ thuật canh tác “chắc tay” những vườn cây ăn trái đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, điển hình như xã Tân Bình tập huấn cho 20 hộ trồng cam xoàn, xã Mỹ Thuận thì đang phát triển mạnh các loại cây như: sơ ri, mãng cầu siêm, vú sữa,...

Xuôi theo con đường đan rợp bóng cây bên con rạch Trà Cuồng (ấp Mỹ Trung A, xã Mỹ Thuận), nhà nào cũng có vườn sơ ri vây kín vì toàn ấp có trên 18ha trồng sơ ri. Chúng tôi đến thăm vườn nhà ông Phan Khắc Tài (Tư Tài).

Ông Tư Tài cùng với hàng xóm Nguyễn Minh Trí là 2 hộ trồng sơ ri lâu năm nhất trong xã. Gần 20 năm trước, thấy ông Trí trồng 2 cây trong sân làm kiểng chơi, ông Tài cũng trồng theo. Trải qua bao thăng trầm do ban đầu chưa thuộc tính nết cây sơ ri, phần đầu ra chưa mạnh, dần dần từ 16 gốc ban đầu, hiện tại 8 công vườn nhà ông trồng hơn 200 gốc sơ ri.

“Một năm, sơ ri có thể thu hoạch từ 6- 7 lứa với thu nhập 20 triệu đồng/công. Mỗi lứa có từ 500- 600kg/công. Sơ ri là một trong những loại cây khó tính, rất ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật vì nếu xịt thuốc, trái sẽ nhăn và bán không được. Cũng mừng vì vậy mà một lứa thu hoạch chỉ tốn tiền chăm sóc cả khu vườn có 3 triệu đồng”- ông Tài cho biết.

Ở nhà dưới, con dâu ông Tài đang ngồi lựa sơ ri chất thành đống. Trái nào cũng bóng lưỡng, vừa điểm màu hoa cà.

Ông Tư Tài (xã Mỹ Thuận) cùng cháu nội thăm những gốc sơ ri gần 20 năm tuổi.
Ông Tư Tài (xã Mỹ Thuận) cùng cháu nội thăm những gốc sơ ri gần 20 năm tuổi.

Ông Tài cho biết thêm, ông cùng Bảy Kép, anh Liêm, chị Hạnh là 4 đầu mối thu mua trái sơ ri cho bà con. Mỗi ngày, ông Tài thu vào khoảng 1,2- 1,7 tấn. Đầu ra của trái sơ ri rất ổn định vì có nhiều đầu mối thu mua từ Vũng Tàu, Đồng Nai, Bình Điền, Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh), Sóc Trăng, Phú Quốc, Cà Mau,…

Bên cạnh những vườn sơ ri trĩu quả, ấp Mỹ Trung A còn có những khu vườn mãng cầu xanh tốt. Ông Đinh Văn Tư (Tư Tèo, 51 tuổi) vừa bán hơn 3 công được 10 tấn trái coi như “bỏ túi” trên 250 triệu đồng. Hiện vườn mãng cầu của ông Tư Tèo là 6.000m2.

Tiếc năm rồi, do hệ thống đê bao chưa hoàn chỉnh nên nước tràn bờ làm chết hơn 2 công mãng cầu đang cho trái. Năm nay, xã Mỹ Thuận đã ráo riết công tác đền bù, khẩn trương xây dựng hệ thống đê bao khép kín toàn tuyến đường qua 700 hộ dân thuộc 4 ấp của xã Mỹ Thuận dài 3.700m.

Phong trào trồng cây lâu năm lan sang ấp Mỹ Trung B, Mỹ Thạnh C (xã Mỹ Thuận) với cây sơ ri, mãng cầu và Mỹ Thạnh B với 8ha vú sữa Vĩnh Kim. Trong đó, có nhiều nông dân trồng với diện tích lớn như ông Nguyễn Văn Nghét có 1,2ha, mỗi năm lời hàng trăm triệu đồng.

Diện tích hành lá ở xã Tân Bình đạt 489ha, đã thu hoạch 327ha; rau cải các loại lên đến 632ha, đã thu hoạch 478ha; riêng diện tích khoai lang chỉ có 11ha.

 

Xã Tân Bình triển khai nhiều đề án, mô hình mới như: mô hình trồng rau trong nhà lưới, đang trong quá trình xây dựng thí điểm nhà lưới; Đề án trồng đậu bắp xanh VietGAP năm 2017, đã phát phân và giống cho 13 hộ, với 5ha tham gia mô hình; triển khai chương trình tập huấn phục tráng giống khoai lang năm 2017, có 30 hộ tham gia với 4ha ở ấp Tân Trung, Tân Qui...

 

 Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG- PHƯƠNG THÚY