Nguy hiểm rình rập từ những ngôi nhà "già nua"

Kỳ cuối: Đi tìm lời giải cho "bảo tồn và phát triển"

Cập nhật, 06:21, Thứ Sáu, 12/05/2017 (GMT+7)

Giải pháp nào để cứu những ngôi nhà cổ, xưa, những khu chung cư đang bị mối mọt gặm nhấm, đang bong tróc, nứt vách, đổ tường này? Nên giữ để lưu dấu thời gian hay nên phá bỏ để đảm bảo an toàn? Mâu thuẫn “bảo tồn và phát triển” vẫn chưa có lời đáp.

Nhiều ngôi nhà cổ đã nứt tường, bong tróc nhưng người dân chỉ biết đánh giá chất lượng bên ngoài bằng… trực quan.
Nhiều ngôi nhà cổ đã nứt tường, bong tróc nhưng người dân chỉ biết đánh giá chất lượng bên ngoài bằng… trực quan.

Khó kiểm định, nhưng vẫn phải làm

Những nhà xưa, cũ được sửa qua loa, những phòng chung cư được cơi nới tạm bợ- điều này không chỉ gây mất mỹ quan mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, không riêng các hộ đang sinh sống trong chính những ngôi nhà xuống cấp này mà còn là mối lo cho các hộ dân sinh sống kề cận.

Song, để kiểm định chất lượng những ngôi nhà này là điều không dễ dàng bởi phải có kinh phí, có khi tốn vài chục triệu đồng, người dân muốn kiểm định cũng không hẳn có tiền làm.

Ông Nguyễn Hoàng Thành- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm định chất lượng (Sở Xây dựng) cho biết: UBND tỉnh giao Sở Xây dựng và các huyện xem xét rà soát công trình xuống cấp từ năm 1994 trở về trước.

Theo đánh giá, nhiều công trình gần 30 năm vẫn còn bền do người sử dụng bảo trì, còn trường hợp không có bảo trì thì ngày càng xuống cấp.

Hiện sở đã thông báo đến chủ đầu tư, chủ quản lý sử dụng, chủ sở hữu, thực hiện công tác kiểm định trước 15/3/2017. Song đến nay vẫn còn nhiều nơi chưa thực hiện.

Trong khi đó, muốn kiểm định chất lượng nhà ở phải có dụng cụ, thiết bị kiểm định, phải định tính, định hình, định lượng, chứ không phải chỉ kiểm tra bằng trực quan.

Theo ông Thành, công trình nào cũng có niên hạn sử dụng, tùy theo quy mô mức độ kiên cố, bán kiên cố, nhà tạm.

Theo đó có 4 cấp độ: nhà cấp 4 niên hạn sử dụng từ 15- 20 năm, nhà cấp 2, cấp 3 niên hạn sử dụng 30- 50 năm (khung bê tông cốt thép), nhà cấp 1 (nhà đặc biệt) có niên hạn sử dụng trên 70- 100 năm, song cũng tùy theo quy mô, vật liệu cấu thành.

Thêm vào đó, nhà muốn sử dụng được lâu, người sử dụng phải có trách nhiệm bảo trì bảo quản, đây là yếu tố vô cùng quan trọng.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số công trình quá niên hạn sử dụng, không mục đích sử dụng, không được bảo quản theo quy trình. Bên cạnh đó nhiều người cũng còn chủ quan trong khâu bảo quản, hư hỏng nhưng không biết.

Cụ thể như dãy nhà 24 căn liền kề xuống cấp, nhiều nhà chất hàng hóa quá nhiều, mất an toàn, sử dụng nhà không đúng mục đích, chất gạo nhiều- nặng, không chỉ ảnh hưởng đến an toàn của gia đình, bản thân mà còn đến người xung quanh.

Ông Thành đánh giá: Kiểm định chất lượng nhà ở rất quan trọng, để nhà chuyên môn đưa ra kết luận cảnh báo, cảnh báo để chủ đầu tư biết được tình trạng nhà ở: về mái, tường, nền còn có khả năng chịu lực hay không để người chủ sở hữu có biện pháp khắc phục kịp thời.

Cần nhanh chóng xử lý nhà cũ, chung cư xuống cấp

Với nhiều người, giá trị tinh thần từ những ngôi nhà xưa là rất lớn.
Với nhiều người, giá trị tinh thần từ những ngôi nhà xưa là rất lớn.

Nhà cũ, chung cư xuống cấp không chỉ ảnh hưởng đến mỹ quan mà còn tiềm ẩn nhiều nguy hiểm. Mong muốn được cấp nền nhà mới để có thể an cư hoặc hóa giá cho người dân sửa nhà lại an toàn hơn để an tâm sinh sống là mong mỏi của rất nhiều hộ dân đang phải sống chen chúc trong những phòng chung cư bong tróc, nứt vách, ẩm thấp.

Gần 40 năm ở nhà xuống cấp từng ngày, hiện giờ đến tuổi về hưu, mong mỏi lớn nhất của cô Nguyễn Ngọc Anh- khu nhà tập thể Công ty CP Dược phẩm Cửu Long- là được ở trong nhà mới sạch sẽ hơn.

Cô bày tỏ: “Tôi thấy ở Bình Dương có nhà chung cư 100 triệu đồng/căn, nghe thấy ham quá. Phải chi tỉnh mình cũng có vậy thì người thu nhập thấp như tụi tôi đỡ lo về nhà ở như bây giờ”.

Song, mong mỏi này vẫn chưa thể thực hiện được bởi dành chi phí để tu sửa chung cư rất khó. Thiết nghĩ, cần phải có biện pháp cấp bách để di dời người dân từ những ngôi nhà cũ, chung cư xuống cấp, không còn giá trị sử dụng để đảm bảo an toàn bởi người dân ở đây luôn phải sống trong tâm trạng nơm nớp, lo sợ từng ngày.

Đây cũng là phương án định hướng của Trung tâm Phát triển nhà ở đối với những khu chung cư xuống cấp. Theo đó, hiện Trung tâm Phát triển nhà ở đang có dự án xây dựng khu nhà ở xã hội ở Khóm 2 (Phường 9- TP Vĩnh Long) khoảng 150 tỷ đồng. Song khó khăn lớn nhất vẫn là vốn đầu tư.

Ông Lê Hoàng Tâm- Trưởng Phòng Quản lý nhà- cho biết: Hiện đã thiết kế bản vẽ nhưng chưa có kinh phí. Dự kiến sau khi dự án hoàn thành sẽ giải quyết được nhà ở cho rất nhiều người.

Nhà xưa, nhà cổ: lo bài toán bảo tồn và phát triển

Để bảo tồn nguyên vẹn “bản chính” nhà xưa, một số người chỉ dành nhà làm nơi thờ cúng chứ không ở.
Để bảo tồn nguyên vẹn “bản chính” nhà xưa, một số người chỉ dành nhà làm nơi thờ cúng chứ không ở.

Theo Sở Xây dựng, hiện tại trên địa bàn tỉnh có hàng trăm nhà cũ, nhà cổ, nhà nát được xây dựng độc lập hoặc liền kề, nhiều biệt thự cổ có niên đại hàng trăm năm đang được khai thác, nhưng đã xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ sụp, đổ bất cứ lúc nào.

Đây là vấn đề cần được hết sức quan tâm không chỉ của người đang sử dụng mà còn là trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiểm tra khảo sát và cảnh báo để góp phần hạn chế các nguy cơ có thể xảy ra.

Trước tình hình đó, Sở Xây dựng đã có văn bản gửi đến các đơn vị có liên quan về việc rà soát các công trình xây dựng có dấu hiệu nguy hiểm hoặc hết niên hạn sử dụng, đặc biệt lưu ý các biệt thự cũ và các nhà cổ, cụ thể về nguồn gốc xây dựng, quy mô xây dựng, hiện trạng công trình...

Tuy nhiên, đến nay vẫn còn một số địa phương chưa có động thái nào để kiểm soát tình trạng này.

Trong khi đó, những ngôi nhà xưa, nhà cổ còn có giá trị tinh thần rất lớn, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử đã qua. Nếu như thờ ơ bỏ mặc thì những giá trị tinh thần này sẽ bị mai một, phai mờ dần theo thời gian.

Rất quý trọng những giá trị mà người xưa để lại, chú Ngô Văn Khiêm- chủ ngôi nhà hơn 100 năm tuổi (Phường 5- TP Vĩnh Long) chia sẻ: “Những ngôi nhà cổ xưa rất đáng để gìn giữ, lưu truyền cho thế hệ mai sau biết đến. Nhưng nếu chỉ để người dân tự bơi, tự lo sửa thì khó mà kham nổi”.

Thực tế cho thấy, nhiều chủ sở hữu nhà cổ trong khu vực không phải di tích cũng bày tỏ nguyện vọng được các ngành chức năng quan tâm giữ gìn nhà cổ. Nhiều người kỳ vọng, sau khi được tu bổ, tôn tạo sẽ trở thành những “ngôi nhà di sản”, có sức hấp dẫn với khách tham quan.

Khi đó, sẽ mở ra một hướng đi mới cho ngành du lịch. Vấn đề là làm sao vừa lưu giữ vừa đảm bảo an toàn. Song, nếu để người dân tự lo kiểm định thì rất khó. Do đó, ngành chức năng cần sớm vào cuộc tìm cách giải quyết bài toán bảo tồn và phát triển này.

Song song đó, trách nhiệm, hiệu quả bảo tồn nhà cổ không chỉ phụ thuộc vào các cơ quan quản lý, mà còn phụ thuộc vào ý thức, trách nhiệm của những người chủ sở hữu. Có như vậy, nét xưa mới được lưu truyền theo thời gian.

Ông Nguyễn Hoàng Thành- Chi cục trưởng Chi cục Kiểm định chất lượng (Sở Xây dựng)

Nhà cổ, nhà xưa là “nhân chứng” của quá trình phát triển, là quá khứ của một địa phương, một vùng, một dân tộc. Vì vậy, việc bảo tồn, phát huy giá trị nhà cổ là hết sức cần thiết, thể hiện sự trân trọng những gì ông cha để lại, đồng thời lưu giữ vốn quý cho hôm nay và mai sau.

Ông Võ Văn Nhựng- Phó Bộ phận xây dựng- Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long

Tỉnh Vĩnh Long có nhiều công trình xưa mang đặc thù kiến trúc cổ, rất quý, đáng trân trọng, giữ gìn. Song hiện không có hướng dẫn bảo quản, không có nguồn vốn bảo tồn, tôn tạo những ngôi nhà xưa này. Bởi, muốn giữ theo nét xưa phải cải tạo theo nét xưa, rất tốn kém. Theo khảo sát, có nhiều người nước ngoài xin vào nhà xưa để tham quan du lịch, nếu khai thác theo hướng này sẽ rất có lợi.

Bài, ảnh: THẢO LY