Nguy hiểm rình rập từ những ngôi nhà "già nua"

Cập nhật, 06:01, Thứ Tư, 10/05/2017 (GMT+7)

Mái dột, cột xiêu, tường bong tróc, nứt vách hay đang bị mối mọt gặm nhấm từng ngày, từng giờ... là những gì chúng tôi ghi nhận được từ những ngôi nhà xưa cũ, nhà cổ hay chung cư có hàng chục năm, thậm chí hơn 100 năm tuổi.

Thấp thỏm, lo âu không biết khi nào nhà sập là tâm trạng của không ít chủ nhà. Song, vẫn chưa có giải pháp nào được đặt ra để giải cứu. Nên giữ những ngôi nhà có giá trị trăm năm này để lưu lại ký ức của thời gian hay nên phá bỏ để bảo đảm an toàn?

Kỳ 1: Những ngôi nhà... chờ sập!

Phần nguyên bản nhất của một trong số ít ngôi nhà cổ xưa còn lại.
Phần nguyên bản nhất của một trong số ít ngôi nhà cổ xưa còn lại.

Được xây dựng cách đây hơn 100 năm, nhiều ngôi nhà xưa, nhà cổ đang có dấu hiệu xuống cấp trầm trọng. Dù nơm nớp sợ nhưng chủ nhà vẫn ở lại bởi “một phần vì không có tiền để sửa- cất nhà mới, một phần cũng muốn lưu giữ lại kỷ niệm ông bà, dấu vết thời gian”.

Nhà cổ 100 năm

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long vẫn còn khá nhiều ngôi nhà cổ trên 100 năm. Và đối với nhiều người, những ngôi nhà này không chỉ đơn thuần là nơi che mưa, che nắng mà còn có giá trị tinh thần rất lớn, để nhớ về ngày xưa, ông bà tổ tiên.

Đến thăm nhà của chú Đào Tấn Khiêm (ấp Long Khánh, xã Long Mỹ- Mang Thít) chúng tôi không khỏi choáng ngợp bởi không gian nhà nơi đây.

Bên trong nhà được bày biện, thiết kế theo phong cách rất cổ: bộ trường kỷ được lau chùi bóng loáng, bộ liễn với đôi chữ tiếng Hán (mà chú Khiêm tự hào nói: “Nhà không có gì quý bằng đôi liễn này”), đôi cột gỗ giữa nhà còn rất chắc, phần vách vẫn còn nguyên vẹn bằng ván thao lao...

Chú Khiêm kể: Ngôi nhà này do ông bà để lại, hơn 100 năm rồi. Trước đây, cột nhà bằng gỗ, vách gỗ, mái lợp ngói, nền lót gạch tàu, cuốn nền bằng đá xanh.

Qua thời gian, gia đình tự sửa chữa nâng nền nhà, lót gạch men, từ vách gỗ thành vách tường và giữ lại cột gỗ ở nhà chính.

Chỉ cho chúng tôi xem một phần nhà còn lại- hiện đang là nhà kho, vẫn còn y thiết kế nguyên bản với vách tường hoa văn, gạch đá và đặc biệt là phía trên nhà còn ghi năm xây dựng 1926, với đôi liễn chữ Hán 2 bên được làm bằng miểng chén.

Chú Khiêm bày tỏ: “Tôi giữ nguyên vậy để lâu lâu ra nhìn, nhớ lại kỷ niệm ngày xưa, cũng thể hiện sự trân trọng đối với người xưa. Cũng có nhiều công ty du lịch ngỏ ý muốn kết hợp làm điểm tham quan, du lịch, nhưng tôi còn đang suy nghĩ”.

Cũng ở chung trong ấp, nhà của cô Nguyễn Thị Trăm cũng đã được cất từ năm 1920, mang nét cổ kính rất riêng, thiết kế bên trong vẫn còn y nét xưa, chỉ có nước sơn đã ngả màu thời gian.

Chú Phan Văn Hào- hàng xóm nhà cô Trăm- nói: “Tôi về đây từ 1975 đã có ngôi nhà. Lúc còn nhỏ thấy nhà đẹp vậy thích lắm, cứ đứng bên ngoài xuýt xoa. Nhờ có tân trang bảo dưỡng mới còn được nguyên vẹn như vậy. Đây là dấu vết để lại của ông bà xưa, rất đáng quý”.

Quang cảnh nhà chú Đào Tấn Khiêm (xã Long Mỹ- Mang Thít) sau khi được trùng tu bên ngoài.
Quang cảnh nhà chú Đào Tấn Khiêm (xã Long Mỹ- Mang Thít) sau khi được trùng tu bên ngoài.

Lo sập bất cứ lúc nào

Chỉ tính riêng ở xã Long Mỹ, đã có 6 căn nhà cổ hơn 100 năm. Theo anh Lê Hữu Tới- công chức địa chính xây dựng nông nghiệp và môi trường xã Long Mỹ, hầu hết các nhà xưa này đã hết niên hạn sử dụng, một số nhà có dấu hiệu xuống cấp nhiều, chủ nhà đã phải nhiều lần sửa chữa để tiếp tục ở.

Tuy nhiên theo ghi nhận, đến nay không có nhà nào thực hiện kiểm định chất lượng bằng máy móc, thiết bị mà chỉ bằng cách… nhìn bên ngoài.

Nguyên nhân phần lớn là bởi kinh phí kiểm định chất lượng nhà không hề nhỏ, một số chủ nhà còn tâm lý hư đến đâu sửa đến đó.

Ông Võ Văn Nhựng- Phó bộ phận xây dựng- Phòng Quản lý đô thị TP Vĩnh Long- cho biết: Cũng có thông báo đến địa phương có công trình hết niên hạn sử dụng, đôn đốc chủ sở hữu kiểm định chất lượng.

Hiện TP Vĩnh Long có khoảng 30 nhà xưa, nhà cổ trong đó nhà dân đã chiếm hết ba phần tư.

Trong khi đó, trước năm 1954 ít có vật liệu xây dựng bền, tường làm bằng mật, vôi, muối, nhựa ô dước nên theo thời gian nhiều nhà đã xuống cấp.

Dù có sửa chữa nhưng nhiều ngôi nhà vẫn còn giữ nét nguyên bản cổ xưa.
Dù có sửa chữa nhưng nhiều ngôi nhà vẫn còn giữ nét nguyên bản cổ xưa.

Nhà của cô Ngô Thị Hậu (số 18, đường Nguyễn Chí Thanh, Phường 5- TP Vĩnh Long) là một trong những ngôi nhà đã xuống cấp khá nhiều.

Trên tường nhiều vết nứt, trần nhà bị mối mọt, nhiều chỗ đã bị rớt phần xi măng bên ngoài để lộ ra phía trong các cây tre mục (các nhà xưa thường xây xi măng bên ngoài, tre gỗ bên trong).

Cô Hậu đã ở gần 60 năm, kể lại: “Hồi xưa, nhà bị trúng bom đạn nhiều, giờ tường bong tróc, nứt nhiều lắm, 3 lớp ngói mà trời mưa là dột.

Tôi rất lo, nhiều bữa thấy ngói, tường rớt từng mảng mà run, không biết nhà sập lúc nào. Nhưng nếu sửa lại hết thì không có tiền làm nổi, nên chỉ biết chỗ nào hư thì đắp vào, lâu lâu nhờ thợ mộc kiểm tra coi bên trong còn kiên cố không, chịu lực được không”.

Cách nhà cô Hậu không xa, vợ chồng chú Ngô Văn Khiêm- nhà số 98 đường Nguyễn Chí Thanh- cũng sở hữu ngôi nhà trên 100 năm. Chú Khiêm cho hay, đây là nhà 3 gian 2 chái, các kết cấu, thiết kế hoàn toàn bằng gỗ, cột bằng gỗ căm xe, thao lao.

Bộ đầu hồi mà chú Nguyễn Văn Khiêm (Phường 5- TP Vĩnh Long) rất quý.
Bộ đầu hồi mà chú Nguyễn Văn Khiêm (Phường 5- TP Vĩnh Long) rất quý.

Nhưng hiện nay chất lượng nhà chỉ còn khoảng 30- 40%, nền nhà đã bị lún, do nhà không có móng nên lâu dần bị xé nền. Trong nhà nhiều nơi bị mối mọt gặm, chỉ còn bộ khung sườn, các phần khác cũng rệu.

Phần đầu kèo là bộ tứ linh gồm: long, lân, quy, phụng (chú Khiêm khoe đây là bộ kèo có bộ đầu hồi đẹp nhất Vĩnh Long) giờ cũng không dám đụng, chỉ để nhìn vì... sợ rã, bể, rớt.

“Tình hình này, tôi dự kiến qua 3- 4 mùa mưa sẽ mục, còn nóc nhà 5 năm nữa sẽ mục và tuột. Tường, cột, kèo vài năm nữa cũng hư. Nhưng giờ cũng chỉ sơn sửa chấp vá ở đỡ, hư tới đâu sửa tới đó”- chú Khiêm trầm ngâm nói.

Có thể thấy, nhà xưa, nhà cổ không chỉ đơn thuần là nơi che mưa, che nắng của nhiều người mà còn lưu giữ rất nhiều kỷ niệm xưa.

Nhiều người không sửa lại nhiều do muốn tạo điểm khác biệt với những nhà xung quanh đồng thời để ngắm nhìn- nơi mà ông bà tổ tiên đã gầy dựng và mình đã lớn lên từng ngày. Song, vấn đề là hầu hết các nhà đều đã hết hạn sử dụng, xuống cấp.

Và không chỉ lo ngại về vấn đề xuống cấp ở những ngôi nhà xưa, những chung cư cũ cũng đang tiềm ẩn những nguy cơ mất an toàn, rất đáng lo ngại.

Theo UBND tỉnh, qua kết quả rà soát, thống kê, đánh giá bước 1 và phân loại, có 108 công trình, hạng mục công trình đã tổ chức rà soát, thống kê, đánh giá mức độ an toàn chịu lực đối với các công trình có nguy cơ, dấu hiệu nguy hiểm, không đảm bảo an toàn chịu lực. Cụ thể, TP Vĩnh Long: 31 công trình (8 công trình trụ sở làm việc và 23 công trình nhà ở), Mang Thít: 6 công trình (1 trường học và 5 công trình nhà ở), Vũng Liêm: 33 công trình nhà ở...

Kỳ 2: Lời kêu cứu từ những chung cư đang dần rệu rã

Bài, ảnh: THẢO LY